Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đã đến lúc phải thực hiện tích tụ ruộng đất, từ đó thúc đẩy tái cơ cấu, tổ chức sản xuất theo hướng quy mô hơn, hiện đại hơn, thông minh hơn... Qua đó, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt hơn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp cho chính sách quản lý tích tụ đất đai. Ảnh: IT
Thực tế cho thấy, các hộ nông dân có nhu cầu chuyển nhượng đất rất cao, bởi họ muốn chuyển nhượng đất để có tiền đầu tư việc khác mang lại thu nhập cao hơn; họ không có nhu cầu sử dụng đất nữa và chuyển sang ngành nghề khác. Tuy nhiên, nhu cầu nhận chuyển nhượng đất lại thấp vì có nhiều ràng buộc. Đặc biệt, hạn chế người có nhu cầu nhận chuyển nhượng đất quy mô lớn; quy mô nhận chuyển nhượng và thời hạn sử dụng cũng bị hạn chế.
Khảo sát của Viện tại 3 địa phương thực hiện tích tụ ruộng đất là Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình cho thấy, quy mô tích tụ chủ yếu là 2 ha, cá biệt có hộ mua tới 15 ha. Hiện có 4 hình thức tích tụ gồm: hộ nông dân tự thuê đất của nhau; doanh nghiệp tự thuê đất của hộ nông dân theo cơ chế thị trường; doanh nghiệp thuê đất của hộ dân thông qua chính quyền; hợp tác xã làm đầu mối trung gian cho các hộ thuê đất của nhau.
Viện cũng đề xuất một số giải pháp để triển khai hiệu quả hơn như: Điều chỉnh lại cách thức lập quy hoạch và nội dung quy hoạch nhằm phân cấp quản lý nhiều hơn cho chính quyền cấp tỉnh và huyện; tăng tính linh hoạt trong việc ra quyết định lựa chọn mục đích sử dụng đất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, kiến nghị bỏ quy định về thời hạn sử dụng đất đối với đất nông nghiệp để giao hoặc cho thuê sử dụng ổn định lâu dài giống như đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc xử lý những tình huống quan trọng thì cần bổ sung thêm các trường hợp được thu hồi đất nông nghiệp.
Đồng thời, cho phép các tổ chức kinh tế, hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp được phép nhận chuyển nhượng có điều kiện quyền sử dụng đất trồng lúa. Tuỳ từng giai đoạn Nhà nước sẽ đặt ra các tiêu chí, điều kiện đối với doanh nghiệp khi muốn nhận quyền sử dụng đất lúa...
Tích tụ đất đai sẽ tạo ra tư liệu sản xuất tốt hơn. Ảnh: IT
Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn trên địa phương, ông Đinh Văn Vọng, Phó Chủ tịch huyện Yên Khánh, Ninh Bình cho biết, không chỉ trên địa bàn huyện mà toàn tỉnh Ninh Bình hiện nay, việc tích tụ ruộng đất được triển khai khá rộng khắp, trong đó chủ yếu với hình thức doanh nghiệp nhận thuê đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân để sản xuất nông nghiệp. Đây được đánh giá là giải pháp tối ưu nhất và người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất. Doanh nghiệp có thể trả tiền thuê theo từng vụ, từng năm hoặc cho cả thời gian thuê, thời gian thuê thường từ 5 – 10 năm để người thuê có thời gian bỏ vốn, đầu tư, triển khai áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đem lại hiệu quả năng suất cao, nhất là tăng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.
Cũng theo ông Vọng, có ruộng đất diện tích lớn, liền vùng, liền thửa thuận lợi, các doanh nghiệp, HTX và các hộ dân đã đầu tư khoa học kỹ thuật, máy móc, thiết bị công nghệ cao vào sản xuất tạo nền tảng cho việc sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đây cũng là tiền đề quan trọng thực hiện thành công các mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện hiện nay.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất về thể chế, chính sách nhằm hoàn thiện chính sách về tích tụ ruộng đất, đảm bảo quyền lợi của người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.