Thứ năm, 28/03/2024

Quyết liệt hành động

30/01/2023 7:00 PM (GMT+7)

Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố bày tỏ quyết tâm đổi mới sáng tạo, tận dụng thời cơ để đưa địa phương phát triển, đóng góp chung vào nền kinh tế cả nước

Ông PHAN VĂN MÃI - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM:

Càng khó khăn càng đổi mới sáng tạo

TP.HCM xác định chủ đề của năm 2023 là: "Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội". Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 7,5%-8% trong bối cảnh có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen.

Quyết liệt hành động - Ảnh 1.

Ðể đạt mục tiêu đề ra, từng sở, ngành, quận, huyện, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải làm tốt nhiệm vụ của mình; giải quyết công việc hành chính bảo đảm thông suốt, hiệu quả và phối hợp đồng bộ, hiệu quả hơn. TP.HCM sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, nâng cao khả năng hấp thụ vốn; khai thác những nguồn lực còn đang ẩn mình bằng cơ chế hiệu quả, thông thoáng.

Song song đó, TP.HCM tiếp tục đề xuất cơ chế, chính sách thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội với tinh thần thành phố là nơi đi đầu, thực nghiệm mô hình mới. Đặc biệt, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - văn hóa và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Ðông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; gắn với thực hiện Kết luận 14/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. TP.HCM triển khai các công việc trên tinh thần hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và rà soát các chỉ tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025.

Càng khó khăn, người dân, DN TP.HCM càng đoàn kết, năng động, sáng tạo. Cán bộ, người dân và DN sẽ tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để vượt qua thách thức, hoàn thành nhiệm vụ năm bản lề của nhiệm kỳ.

Quyết liệt hành động - Ảnh 2.

Kinh tế địa phương hồi phục và phát triển vững chắc là tiền đề quan trọng để kinh tế - xã hội cả nước đi lên, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông ĐINH TIẾN DŨNG - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội:

22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2023 dự báo sẽ rất khó khăn, nhất là nguy cơ lạm phát cao, suy thoái kinh tế, diễn biến dịch bệnh khó lường... Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội là các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội phải phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có để tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu. Đặc biệt, tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và sự tham gia, ủng hộ của người dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhất là những nhiệm vụ lớn, nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó.

Quyết liệt hành động - Ảnh 3.

Thành ủy đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển thương mại - dịch vụ. Đối với ngành nông nghiệp, sẽ tiếp tục tái cơ cấu và phát triển theo chiều sâu; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao...

Thành phố phấn đấu hoàn thành 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó, phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7% trở lên; kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 4,5%...

Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa tạo sức bật mới cho sự phát triển của thủ đô trước mắt và lâu dài. Cụ thể, hoàn thành, trình Thủ tướng Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo đó, sẽ quy hoạch 2 thành phố trực thuộc thủ đô, gồm: TP Bắc sông Hồng (các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và TP phía Tây (khu vực Hòa Lạc - Xuân Mai). Đây phải là những cực tăng trưởng mới của TP Hà Nội, giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô và vực dậy kinh tế các huyện còn rất khó khăn, các vùng trũng. TP Hà Nội cũng sẽ quy hoạch, đầu tư đưa một số huyện thành quận, trước mắt là 2 huyện Đông Anh, Gia Lâm. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm.

Ông PHẠM ĐẠI DƯƠNG - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên:

Quyết tâm đạt và vượt các mục tiêu

Tỉnh Phú Yên đã có một năm với nhiều tín hiệu và kết quả khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 vượt kế hoạch đề ra; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được ổn định và tiếp tục nâng cao.

Quyết liệt hành động - Ảnh 4.

Năm 2023 là năm có vai trò quyết định trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của giai đoạn 2020-2025. Với đà tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2022, chúng ta phải tạo ra nhiều giá trị đột phá cùng nguồn lực kinh tế dồi dào trong năm 2023 để bù đắp cho những tổn thất của 2 năm đại dịch COVID-19.

Bằng ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, tinh thần đoàn kết cùng cách làm khoa học, sáng tạo, tỉnh Phú Yên quyết tâm cùng cả nước phấn đấu thực hiện đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII. Toàn thể Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và người dân Phú Yên sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy nội lực, tăng cường hợp tác để xây dựng tỉnh phồn thịnh, tươi đẹp, người dân được sống trong bình yên và hạnh phúc.

Ông HỒ QUỐC DŨNG - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định:

Huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực

Năm 2023, tỉnh Bình Định đứng trước những thời cơ lớn song thách thức cũng không hề nhỏ. Lãnh đạo tỉnh Bình Định xác định sẽ tận dụng, phát huy hiệu quả thời cơ và khắc phục, vượt qua thách thức để đưa tỉnh vào nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung.

Quyết liệt hành động - Ảnh 5.

Mục tiêu năm nay của tỉnh là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 7%-7,5%; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao; hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp gắn với hạ tầng giao thông kết nối và chuẩn bị mặt bằng để thu hút, tiếp nhận dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo ra giá trị gia tăng cao; ưu tiên dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; phát triển thương mại và đẩy mạnh xuất khẩu; đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ để thu hút và đáp ứng nhu cầu của khách...

Tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người dân hoạt động sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, nhằm ổn định và tăng thu ngân sách bền vững. Đồng thời, khai thác hợp lý, đúng quy hoạch nguồn thu tiền sử dụng đất phục vụ cho đầu tư phát triển. Đặc biệt, tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, văn hóa - xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông NGUYỄN MẠNH CƯỜNG - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước:

Lửa thử vàng, gian nan thử sức

Chủ trương lớn mang tầm chiến lược trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Bình Phước là phát triển hạ tầng, tăng cường nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư.

Quyết liệt hành động - Ảnh 6.

Toàn hệ thống chính trị và người dân tỉnh Bình Phước sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn để vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội. Đúng như câu "lửa thử vàng, gian nan thử sức", để hoàn thành nhiệm vụ, trước tiên phải có sự nỗ lực, bền bỉ của tất cả các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Cùng với đó là linh hoạt, đổi mới sáng tạo trong điều hành kinh tế - xã hội, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công.

Quan trọng không kém là thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy nhanh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ; đẩy mạnh phát triển DN nhỏ và vừa và những ngành có lợi thế. Giải quyết dứt điểm vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhằm tạo động lực mới cho tăng trưởng. Đồng thời, rà soát, kiên quyết xử lý dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định pháp luật. Ngoài ra, phát huy tốt lợi thế các cửa khẩu để thúc đẩy giao thương, đối ngoại.

Ông LÊ TRUNG CHINH, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng:

Giữ vững tăng trưởng kinh tế

Chủ đề năm 2023 của TP Đà Nẵng là "Tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội". Thành phố phấn đấu tăng trưởng GRDP năm nay đạt 6,5%-7%; giữ vững ổn định chính trị và trật tự xã hội.

Quyết liệt hành động - Ảnh 7.

Thành phố sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; phát triển DN, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Xác định du lịch là mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương, chúng tôi sẽ tập trung khôi phục, phát triển thị trường khách du lịch quốc tế. Ngoài ra, thành phố sẽ phối hợp, làm việc với các bộ, ngành để trình Thủ tướng phê duyệt đề án thành lập khu phi thuế quan TP Đà Nẵng. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả đề án xây dựng thành phố thông minh, đề án chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng một số khu công nghiệp để thu hút DN...

Thành phố đã chủ động giao kế hoạch vốn của năm 2023 từ cuối năm 2022 và quy định cụ thể thời gian khởi công, hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng đối với các công trình trọng điểm, động lực. Chúng tôi cũng tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, xúc tiến thiết lập quan hệ với 1-2 địa phương nước ngoài mới.

Ông TRẦN VIỆT TRƯỜNG, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ:

Kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ

Năm nay, TP Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển đô thị, đất đai và bảo đảm trật tự, kỷ cương đô thị. Trong đó, sớm trình Chính phủ phê duyệt và thực hiện có hiệu quả việc quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025. Song song đó, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm, bảo đảm đúng tiến độ, quy định.

Quyết liệt hành động - Ảnh 8.

Đặc biệt, chúng tôi đổi mới phương thức tiếp cận thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách; kêu gọi DN thật sự có năng lực, có tính dẫn dắt tham gia các dự án trên địa bàn; tiếp tục kiểm tra, rà soát, đôn đốc tiến độ triển khai những dự án đã có chủ trương đầu tư và kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ, nhà đầu tư không bảo đảm năng lực...

Ông NGUYỄN TẤN TUÂN, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa:

Mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc trung ương

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 55/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa trong vòng 5 năm. Từ đó, chúng tôi đã xây dựng kịch bản thực hiện; dự kiến tháng 4-2023 sẽ tổ chức công bố các quy hoạch, kêu gọi xúc tiến đầu tư. Khoảng 3-4 năm sau, các dự án có thể đưa vào hoạt động với một chu kỳ khép kín, giúp DN tham gia đầu tư được thụ hưởng cơ chế đặc thù một cách chính đáng.

Quyết liệt hành động - Ảnh 9.

2023 sẽ là năm có nhiều bước đột phá mạnh mẽ, toàn diện để tỉnh Khánh Hòa hiện thực hóa khát vọng vượt biển lớn với những cơ chế, chính sách mới, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Đứng trước những thời cơ, vận hội, chúng ta phải chạy đua với thời gian, đoàn kết, năng động sáng tạo và kỷ cương, liêm chính nhằm đạt được những mục tiêu trước mắt. Mỗi người, mỗi nhà, cả cộng đồng phải khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, nhân lên sức mạnh nội sinh.

Ông VÕ VĂN MINH, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương:

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Năm 2023, tỉnh Bình Dương xác định thực hiện 35 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với 11 giải pháp trọng tâm. Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung cải cách hành chính; đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên nguồn lực thích hợp cho lĩnh vực giao thông, chỉnh trang đô thị, cấp thoát nước, giáo dục, y tế.

Quyết liệt hành động - Ảnh 10.

Liên quan đến phát triển hạ tầng, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ đường Vành đai 3 - TP HCM; đẩy nhanh bồi thường giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13, đường Vành đai 4; triển khai các dự án đường Chơn Thành - Thủ Dầu Một, tuyến đường sắt Bàu Bàng, cảng An Tây; khởi công nút giao thông Phước Kiến, Sóng Thần - Phạm Văn Đồng... để mở rộng kết nối theo hướng liên vùng, đa phương thức vận tải. Đặc biệt, hoàn thành và trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tỉnh đặt mục tiêu từng bước hình thành chuỗi ngành công nghiệp sạch đi đôi với bảo vệ môi trường; khuyến khích DN tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa, tăng năng suất lao động, tạo tiền đề vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

UBND tỉnh Bình Dương sẽ lập các tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản; tháo gỡ khó khăn hiện hữu cho DN về thị trường, nguyên vật liệu sản xuất, nhân lực. Bên cạnh đó, không thể thiếu giải pháp hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn về thủ tục đất đai, môi trường, tạo động lực thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Ông NGUYỄN VĂN PHƯƠNG, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế:

Tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, trong nước dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết liệt chỉ đạo, bám sát và kịp thời cụ thể hóa các quan điểm, chỉ đạo của trung ương để phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 9%-10%.

Quyết liệt hành động - Ảnh 11.

Chúng tôi tập trung đẩy mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù của địa phương; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp tạo giá trị gia tăng, giá trị xuất khẩu lớn; nông nghiệp sạch, công nghệ cao; phát triển đô thị thông minh và bền vững. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới sáng tạo; xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung chỉ đạo hoàn thành Đề án thành lập thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên - Huế, Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065 và trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong quý I/2023. Quyết liệt triển khai hiệu quả Nghị quyết 38/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế để sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Tỉnh cũng tập trung nguồn lực đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm như cầu qua cửa biển Thuận An, tuyến đường bộ ven biển, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài... Đồng thời, quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì và nâng cao các chỉ số xếp hạng về năng lực cạnh tranh, quản trị và hành chính công, cải cách hành chính...

Một nội dung không thể không nhắc đến là chúng tôi tích cực hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án sản xuất - lắp ráp ôtô, xây dựng trung tâm thương mại, xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các dự án phát triển du lịch nghỉ dưỡng ven biển...

Ông HỒ VĂN MƯỜI, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông:

Nâng cao chất lượng quy hoạch

Năm 2023, tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu phấn đấu đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở mức cao nhất. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 68 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước đạt trên 3.650 tỉ đồng; tỉ lệ hộ nghèo giảm 3% trở lên...

Quyết liệt hành động - Ảnh 12.

Tỉnh Đắk Nông sẽ đề ra định hướng, mục tiêu chiến lược, xác định các động lực, nguồn lực phát triển nhằm bảo đảm phát triển đồng bộ, thống nhất, bền vững. Cụ thể, nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị và quản lý chặt chẽ, theo hướng phát huy lợi thế về diện mạo, địa hình, thổ nhưỡng đặc trưng của tỉnh. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, phát triển DN, thu hút các nhà đầu tư lớn; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Phối hợp với các bộ, ngành và UBND tỉnh Bình Phước để thúc đẩy, sớm triển khai dự án cao tốc đoạn Đắk Nông - Bình Phước và cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh. Hỗ trợ nhà đầu tư sớm đưa Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông vào hoạt động; tăng cường chỉ đạo triển khai dự án Khu Công nghiệp Nhân Cơ 2 để thu hút các dự án đầu tư dịch vụ phụ trợ phục vụ cho ngành. 

Theo Người Lao động

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Lần đầu "chia tiền" sau 1 thập kỷ, cổ phiếu Techcombank hút dòng tiền cá mập hơn 1.455 tỷ đồng

Lần đầu "chia tiền" sau 1 thập kỷ, cổ phiếu Techcombank hút dòng tiền cá mập hơn 1.455 tỷ đồng

Chính sách chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng của Techcombank trình cổ đông là một sự thay đổi lớn của Techcombank sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận để củng cổ nền tảng vốn, phát triển kinh doanh.

VNDirect bị "tấn công" và lời cảnh báo nóng của chuyên gia

VNDirect bị "tấn công" và lời cảnh báo nóng của chuyên gia

Chuyên gia lưu ý, tất cả các công ty chứng khoán khác dù công nghệ có mạnh cỡ nào vẫn dễ gặp phải tình huống tương tự VNDirect nếu nhân viên của họ thiếu ý thức, mất cảnh giác với các đường link "lạ".

Nguồn vốn "khủng" mới cho các doanh nghiệp nền tảng số, đến 1 tỷ USD

Nguồn vốn "khủng" mới cho các doanh nghiệp nền tảng số, đến 1 tỷ USD

Ngân hàng HSBC toàn cầu vừa công bố Quỹ Tăng trưởng ASEAN (ASEAN Growth Fund) trị giá 1 tỷ USD nhằm giúp các doanh nghiệp nền tảng số ở Việt Nam và khu vực mở rộng quy mô hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế số đang bùng nổ.

Moody’s nâng bậc, nâng hạng cho 2 ngân hàng Việt Nam

Moody’s nâng bậc, nâng hạng cho 2 ngân hàng Việt Nam

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s vừa nâng bậc nhiều chỉ số xếp hạng quan trọng cho một ngân hàng ở Việt Nam, và nâng hạng triển vọng cho một nhà băng khác.

Bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục năm thứ 7 liên tiếp, HAGL giải trình gì?

Bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục năm thứ 7 liên tiếp, HAGL giải trình gì?

Hoàng Anh Gia Lai báo lãi 1.125 tỷ đồng năm 2022 và vừa lãi tiếp 1.782 tỷ đồng trong năm 2023. Tuy nhiên, Công ty kiểm toán Ernst & Young vẫn nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp này và đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp kiểm toán đặt nghi ngờ với DN nhà bầu Đức.

Nữ doanh nhân xinh đẹp đến từ Singapore gây sửng sốt với đũa chỉ huy dàn nhạc

Nữ doanh nhân xinh đẹp đến từ Singapore gây sửng sốt với đũa chỉ huy dàn nhạc

Chỉ huy dàn hợp xướng trong buổi hòa nhạc gần đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội là bà Michele Wee, một nữ doanh nhân tài năng và xinh đẹp. Trước đó, bà chưa từng xuất hiện trong vai trò nhạc trưởng như vậy.