Ráo riết cắt vụ, chuyển đổi cây - con vùng phía đông Tiền Giang

Trần Đáng Thứ năm, ngày 09/11/2017 20:35 PM (GMT+7)
Do hạn, mặn diễn biến cực đoan, gay gắt gây thiệt hại nặng nề trong những năm gần đây, 5 huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đã ráo riết chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, tái cơ cấu nông nghiệp.
Bình luận 0

Thay đổi phương thức canh tác, chuyển đổi mùa vụ sản xuất theo hướng cắt giảm diện tích lúa thay thế bằng những loại cây trồng khác nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nâng cao giá trị sản xuất là mục tiêu sống còn đối với các địa phương này.

Từ bỏ cây lúa

Bà Nguyễn Thị Rộn (xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây) thở dài: “Vụ lúa hè thu vừa rồi, tui thu hoạch 2 công lúa mà chỉ được nửa tấn. Chưa khi nào làm lúa mà thất bát như vậy. Số lúa đó bán không đủ trả tiền phân, thuốc”.

img

Sơ chế sả tại cơ sở trước khi xuất bán.  Ảnh: T.Đ

Đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, các huyện phía Đông đã thực hiện chuyển đổi mùa vụ sản xuất lúa và cơ cấu cây trồng với diện tích 5.883ha. Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” đưa ra mục tiêu là tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp phải thực hiện cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ ở 40 xã phường và 4 thị trấn thuộc 5 huyện thị phía Đông của tỉnh đến năm 2025 là 26.147ha.

Cũng theo bà Rộn, nông dân trong xã đang chộn rộn bỏ lúa chuyển sang trồng hoa màu hay các loại cây ăn trái khác. “Chắc tui cũng phải làm vậy thôi chứ giờ làm lúa khó sống lắm” - bà thổ lộ.

Hiện tại huyện Gò Công Tây, cây thanh long đang được nhiều nông dân lựa chọn để thay thế cho cây lúa hoặc các loại cây trồng kém hiệu quả khác.

Ông Nguyễn Văn Thanh (xã Đồng Thạnh) cho biết, đã chuyển đổi toàn bộ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long 3 năm nay. Hiện thanh long đã bắt đầu cho trái. “Lợi thế của cây trồng này là có thể chịu được khô hạn, thiếu nước trong vài tuần và giá trị kinh tế cao hơn cây lúa rất nhiều” - ông Thanh nói.

Cùng với thanh long, cây bưởi da xanh, mãng cầu xiêm cũng đang được huyện khuyến khích nông dân lựa chọn sản xuất. Đây là những loại cây trồng thích hợp, hiệu quả kinh tế cao cho những vùng khó khăn về nước tưới.

Trong khi đó, tại huyện cù lao Tân Phú Đông - khu vực đang chịu tác động của xâm nhập mặn ngày càng có xu hướng gay gắt và kéo dài nhất, nông dân cũng tấp cập chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Thời gian qua, cây sả và mãng cầu xiêm đã thích ứng và phát triển tốt với điều kiện khí hậu ở huyện cù lao. Nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng 2 loại cây này và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây lúa.Tính đến tháng 4.2017, toàn huyện có hơn 1.500ha sả và trên 900ha mãng cầu xiêm.

Theo bà Nguyễn Thị Bé (xã Tân Phú), bà đã chuyển 6 công đất lúa sang trồng sả: “Cây sả chịu hạn rất tốt, không cần tưới nước nhiều. Nếu so lợi nhuận trên cùng một điện tích thì cây lúa không thể bì được”.

Cùng với phát triển cây trồng, đàn vật nuôi của huyện cũng có sự chuyển biến mạnh theo hướng phát triển những vật nuôi sử dụng ít nước ngọt, ăn thức ăn từ tự nhiên. Phong trào phát triển đàn bò, dê trong dân càng được thúc đẩy khi nhiều dự án sinh kế cho người dân nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai trên địa bàn.

Cắt vụ, cơ cấu cây trồng

Trước tình hình hạn, mặn diễn ra gay gắt, vừa qua tỉnh Tiền Giang đã triển khai Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp trong bối cảnh thiếu nước tưới nhằm ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Theo đề án, huyện Tân Phú Đông không còn diện tích sản xuất lúa mà chuyển sang trồng cây ăn trái thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và luân canh cây màu hoặc luân canh theo mô hình tôm - lúa hay lúa - cá.

Trưởng Phòng NNPTNT huyện Tân Phú Đông - ông Nguyễn Văn Hải cho biết, hiện nay sả và mãng cầu xiêm là 2 cây trồng có lợi thế cạnh tranh và hiệu quả nhất ở Tân Phú Đông. Để hạn chế rủi ro, ngành nông nghiệp huyện đang khuyến cáo người dân chỉ sản xuất 1 vụ lúa trong năm, chuyển đổi diện tích lúa ở những vùng khó khăn về nước sang trồng cây có lợi thế tiềm năng của cù lao.

Trong khi đó, theo ông Trần Long Nguyên - Phó Trưởng Phòng NNPTNT huyện Gò Công Tây, dự kiến đến năm 2020, huyện sẽ xây dựng các vùng chuyên canh mãng cầu, thanh long, bưởi da xanh, dừa, rau màu… “Huyện sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, đầu tư về giống cây trồng, nhân rộng các mô hình theo VietGAP, góp phần thực hiện giảm nghèo cho bà con nông dân huyện nhà” - ông Nguyên cho biết. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem