Rau Đà Lạt lên đời

Thứ bảy, ngày 05/03/2011 14:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tháng 6 tới, khoảng 10-12 sản phẩm rau của TP. Đà Lạt cùng 2 huyện Đức Trọng, Đơn Dương sẽ được kiểm định đợt đầu và công bố chính thức nhãn hiệu "Rau Đà Lạt" trên toàn quốc.
Bình luận 0

Ngày 1.3, UBND TP. Đà Lạt cùng 2 huyện Đức Trọng, Đơn Dương (Lâm Đồng) đã thống nhất về thương hiệu "Rau Đà Lạt".

Theo quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng, sản phẩm được cấp nhãn hiệu chứng nhận "Rau Đà Lạt" là rau trồng trên địa bàn TP. Đà Lạt và vùng phụ cận là Đức Trọng và Đơn Dương. Hiện nay tổng sản lượng rau hàng năm của 3 địa phương trên khoảng 115 triệu tấn, trong đó Đơn Dương chiếm 50%.

Đã có nhãn hiệu "Rau Đà Lạt"

img

Sẽ có 13 sản phẩm rau được cấp chứng nhận “Rau Đà Lạt” trong đợt thí điểm cấp nhãn hiệu đầu tiên này.

Theo báo cáo gần đây của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, năm 2010 toàn tỉnh có 7 đơn vị được chứng nhận GlobalGAP, 1 đơn vị nhận chứng nhận rau hữu cơ, 53 tổ chức, cá nhân sản xuất rau được cấp chứng nhận VietGAP và 55 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận "Rau an toàn" với tổng diện tích 600ha. Đây là những cơ sở thuận lợi cho Lâm Đồng triển khai thực hiện quy trình đóng dấu "Rau Đà Lạt" lên sản phẩm của mình sắp tới.

Điều kiện "cần" để được cấp nhãn hiệu "Rau Đà Lạt" là rau phải đi đúng lộ trình của GAP (Good Agricultural Practices). Theo đó, trước hết phải đạt "Rau an toàn", sau đó đạt các cấp độ khác như VietGAP, EurepGAP, GlobalGAP.

3 vùng Đà Lạt, Đức Trọng và Đơn Dương đã thống nhất đợt đầu thí điểm cấp nhãn hiệu "Rau Đà Lạt" cho 13 sản phẩm để kiểm định là: Bắp cải, cải thảo, súp lơ, cà chua, đậu cô ve, ớt ngọt, xà lách, khoai tây, cà rốt, bó xôi, xà lách xoong, nấm bào ngư, hành tây.

Những sản phẩm này sẽ được xây dựng một bộ quy chuẩn về các tiêu chí như đất trồng, nước tưới, giống, phân bón, thu hoạch, đóng gói theo quy trình GAP. Các địa phương này là những địa bàn ứng dụng sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và đã đạt hiệu quả kinh tế cao.

Cấp chứng nhận sau 20 ngày

"Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu chứng nhận này đều có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận xử lý hành vi xâm phạm".

(Điều 20 của "Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Rau Đà Lạt")

Quy trình cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Rau Đà Lạt” là sau 20 ngày (tính từ ngày nộp hồ sơ). Các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân sẽ nhận được giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu "Rau Đà Lạt" với thời hạn trong 3 năm, do UBND TP. Đà Lạt cấp sau khi được các bộ phận chức năng kiểm định và công nhận.

Sau khi được cấp chứng nhận, các tổ chức, cá nhân phải cam kết thực hiện nghiêm ngặt và đầy đủ các nội dung theo quy định trong quá trình sử dụng nhãn hiệu. Hàng năm, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra định kỳ một lần và kiểm tra đột xuất một lần đối với các tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận.

Nếu vi phạm sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận và sau một năm mới được xem xét cấp lại, quy trình thủ tục cấp như lần đầu.

Ông Đinh Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết: Việc kiểm tra đột xuất sẽ không thông báo; đối với những trường hợp tổ chức, cá nhân có ý kiến phản ánh của nhân dân, tổ chức kinh tế… về những vi phạm quy định nhãn hiệu "Rau Đà Lạt".

Tỉnh Lâm Đồng đã giao cho 3 địa phương trên cùng phối hợp quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Rau Đà Lạt".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem