dd/mm/yyyy

Rau sạch, quả ngon ở xứ Mường

Những năm gần đây, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) tích cực xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Rau, quả Tân Lạc hứa hẹn nhiều khởi sắc

Mô hình trồng su su sạch xã Quyết Tiến là nơi mà chúng tôi đến thăm đầu tiên. Đây là địa phương có truyền thống sản xuất rau ở Tân Lạc, tuy nhiên để đưa cây su su trở thành sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, mang lại giá trị cao như hiện nay là một quá trình dài.

Trước đây, người dân địa phương chỉ trồng su su lấy quả phục vụ bữa ăn hàng ngày. Năm 2008, Sở Khoa học và Công nghệ Hòa Bình hỗ trợ bà con trồng su su lấy ngọn với diện tích thử nghiệm 0,5 ha. Nhờ thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ quanh năm, su su phát triển mạnh và cho thu hoạch với ngọn sai, mập.

Vườn su su sạch của xã Quyết Tiến.
Vườn su su sạch của xã Quyết Tiến.

Trồng su su ở Quyết Chiến không tốn quá nhiều công chăm sóc vì thổ nhưỡng phù hợp, đất đai màu mỡ. Điều quan trọng là cây su su ở Quyết Chiến không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy mà sản phẩm rất an toàn khi đến tay người tiêu dùng.

Hiện, toàn xã đã có trên 60 ha su su, năng suất trung bình khoảng 50 tấn/ha/năm. Với giá bán bình quân 5.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi hecta cho thu nhập trên 250 triệu đồng/năm.

Mấy năm trở lại đây, Tân Lạc ngày càng nổi tiếng với sản phẩm bưởi đỏ, thứ quả tròn to, vỏ vàng rộm, múi và tép có màu đỏ, căng mọng với vị ngọt thanh cùng mùi thơm đặc trưng. Ưu điểm lớn nhất của giống bưởi này là thời vụ thu hoạch quả kéo dài; chín rộvào cuối năm nên được nhiều người tìm mua.

Giống bưởi đỏ rất phù hợp với điều kiện canh tác của vùng Tân Lạc, sinh trưởng nhanh, cho năng suất và chất lượng cao. Theo đánh giá, bình quân mỗi hecta bưởi mang về nguồn thu nhập khoảng 700 triệu đồng, cá biệt có hộ đạt trên 1 tỷ đồng/ha.

Hiện, diện tích bưởi của huyện Tân Lạc đã tăng lên gần 1.000 ha, tập trung nhiều nhất tại các xã vùng dọc Quốc lộ 12B và Quốc lộ 6, như Đông Lai, Thanh Hối, Tử Nê, Ngọc Mỹ, Quy Hậu, Phong Phú... Tháng 11.2017, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bưởi đỏ Tân Lạc”.

Xây dựng các vùng chuyên canh

Với diện tích đất nông nghiệp trên 8.600ha, nguồn lực lao động dồi dào, Tân Lạc có nhiều lợi thế trong sản xuất hàng hóa. Nhằm phát huy thế mạnh trong sản xuất nông, lâm nghiệp, chính quyền huyện đã chủ động quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo đặc trưng của địa phương.

Cụ thể: vùng sản xuất cây có múi (chủ yếu là bưởi đỏ, cam, quýt) diện tích 1.200 ha; vùng sản xuất mía 1.800ha, tập trung tại các xã vùng cao; vùng sản xuất rau an toàn; vùng trồng rau su su, tỏi tía có diện tích trên 1.000 ha...

Huyện cũng quan tâm phát triển đàn trâu, bò theo hướng hàng hóa, duy trì ổn định khoảng 22.000 con. Về thủy sản, huyện đẩy mạnh mô hình nuôi cá lồng tại các xã vùng hồ thủy điện sông Đà, quy mô 300 lồng, diện tích nuôi 150 ha. Ngoài ra, duy trì sản xuất lâm nghiệp với tổng diện tích rừng trồng trên 4.000 ha.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Nhỏ cho biết: Mục tiêu của huyện trong thời gian tới là nâng cao tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp bằng cách tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản. Phấn đấu đưa giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm, phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.

“Để thực hiện tốt các mục tiêu đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tiếp tục thay đổi tập quán canh tác của bà con; tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và chú trọng việc bảo hộ, tạo sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Nhỏ khẳng định.

Bài, ảnh: Giang Dương