Rừng và cuộc sống

Thứ sáu, ngày 04/11/2011 16:36 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tỉnh Đăk Lăk vừa quyết định ngừng dự án phá hàng ngàn ha rừng trồng cây cao su. Tỉnh Đồng Nai đang tranh cãi có hay không nhấn chìm hàng trăm ha rừng đặc dụng Cát Tiên cho 2 dự án thủy điện. Nghị trường đang nóng lên về chuyện phá rừng, bảo vệ rừng và cho thuê, sử dụng rừng làm kinh tế. Đó là những bàn luận đúng đắn, cần thiết từ bài học của cuộc sống.
Bình luận 0

Đúng là rừng có thể đổi được nhiều thứ. Khai thác gỗ quý, đổi lấy ngoại tệ. Phá rừng trồng cây công nghiệp để phục vụ làm hàng xuất khẩu. Nhấn chìm rừng, mở rộng hồ thủy điện để tăng điện năng. Đốt rẫy mở rộng đất trồng ngô, trồng sắn. Đã có một thời, chúng ta phá rừng lập hàng chục nông trường để giải bài toán tự túc lương thực. Đúng là rừng vàng biển bạc. Rừng không chỉ là cây, là muông thú, mà là tiền.

Nhưng, rừng dễ thương mà thương không dễ. Khai thác rừng giống như nhặt trái cây rụng vì rừng tự nhiên được trời đất tạo dựng hàng ngàn năm. Cha ông bảo vệ rừng trước giặc cướp phương Bắc, để lại cho con cháu. Lên rừng với cái rìu hay cái cưa máy với bịch gạo và muối là có thể “hái” ra tiền. Một khẩu súng kíp cũng có thể giết được con hổ lấy bộ xương, bộ da, giết con voi lấy cặp ngà bán cho kẻ giàu sang, tiền thu về đủ sống hàng năm trời. Vì thế người ta đã lạm dụng lòng bao dung và sự hào phóng của rừng. Coi rừng là bầu sữa vô tận và vắt đến cạn kiệt mà không chút xót thương.

Cho đến lúc... “bỗng dưng muốn khóc”, phát hiện ra rừng không phải vô tận, cũng không bao dung vô bến bờ như ta tưởng. Rừng cũng biết phản ứng, cũng biết trả thù những kẻ tham lam, vô ơn và thiếu hiểu biết. Không phải ngẫu nhiên mà chỗ này chỗ kia liên tục có lũ quét lũ ống, có đất lở, núi sụt, sương muối, gió nóng hại mùa màng. Không phải ngày một ngày hai mà có những vùng đất bị đá ong hóa. Những dòng sông chở nặng phù sa mịn màng làm tươi tốt ruộng vườn nay chở về cát sỏi vùi lấp bờ bãi, ruộng nương. Tất cả những tai ương đó là do rừng bị cạn kiệt cây xanh, bị tàn phá.

Chính vì thế, rừng có thể đổi được nhiều thứ nhưng “người khôn không đưa vàng đi đổ sông Ngô”, không đem sự vô giá được ngàn năm tạo dựng của rừng đổi lấy chút của cải phù vân trước mắt. Khai thác nguồn lợi của rừng với sự cẩn trọng và tuân thủ khoa học cao nhất, làm sao để rừng mỗi ngày một sum suê, phong phú. Quốc hội nóng lên chuyện phá rừng, cho thuê rừng là thể hiện trách nhiệm cao trước nhân dân mà mình đại diện.

Rừng chỉ có thể đổi được một thứ. Đó là cuộc sống bền vững ngàn đời cho đất nước và con cháu mai sau!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem