Ruộng bậc thang Mù Cang Chải trở thành Di tích quốc gia đặc biệt

04/01/2020 11:10 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định số 1954 ngày 31/12/2019 quyết định về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 10) đối với 7 di tích. Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là một trong 7 di tích được xếp hạng đợt này.

Vào mùa hạ, đó là những bức thảm mơn mởn màu xanh lúa non và đến mùa thu lại trở thành những làn sóng lúa chín vàng rực rỡ. Những sóng lúa vàng trải dài dưới thung lũng, xếp tầng lớp men theo sườn đồi, đỉnh nối đỉnh.

Ruộng bậc thang nơi đây đẹp nhất vào lúc bình minh sáng và buổi chiều lúc hoàng hôn. Với vẻ đẹp vốn có, ruộng bậc thang không chỉ là niềm tự hào của người dân mà còn làm say lòng biết bao con người đã từng đặt chân tới vùng đất này. Theo từng mùa thì ruộng bậc thang Mù Cang Chải lại có một vẻ đẹp riêng. Đầu xuân, những thửa ruộng bậc thang được chăm chút bao đời của người Mông đã bắt đầu mướt xanh trên các cánh đồng. Mùa gặt ở Mù Cang Chải thường rơi vào giữa tháng năm và tháng mười dương lịch, mênh mông màu vàng sóng lúa, màu vàng của đất đỏ, hương vị của rừng núi hòa với không khí trong lành của vùng cao.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải trở thành Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 1.

Mùa vàng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải

Từ những bàn tay lao động cần cù, ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã trở thành kỳ quan, là danh thắng quốc gia cần được bảo tồn và phát triển. Nét văn hóa đặc sắc vùng cao và vẻ đẹp tuyệt vời của ruộng bậc thang đã tạo nên một Mù Cang Chải đẹp và hấp dẫn trong lòng du khách mỗi khi đến nơi đây, trong câu hát và trong những vần thơ. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được biết đến là kỳ quan nhân văn của vùng Tây Bắc, một bức tranh hùng vĩ hoành tráng và cũng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa của đồng bào Mông. Tất cả đã tạo nên một vẻ đẹp thân thiện và hữu tình hấp dẫn du khách, tạo ra một không gian văn hóa, du lịch sôi động và đa sắc màu.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải trở thành Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 2.

Móng ngựa

Toàn huyện Mù Cang Chải có diện tích 119.773,36 ha, trong đó diện tích ruộng bậc thang có trên 5.000 ha, phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, gần 500 ha trong số đó đã được Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch công nhận danh lam, thắng cảnh cấp quốc gia, tập trung chủ yếu tại các xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha. Diện tích tuy nhỏ nhưng là những kỳ tích hàng trăm năm khai phá của đồng bàoĐến Mù Cang Chải dù chỉ một lần du khách cũng cảm nhận được sự trù phú của thiên nhiên, đặc biệt là ấn tượng về “mâm xôi xanh, mâm xôi vàng” và sự kỳ vĩ của mảnh đất được mệnh danh là "thiên đường" ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải trở thành Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 3.

Gương trời trên mâm sôi ruộng bậc thang

Cùng với Danh lam thắng cảnh Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được xếp hạng trong đợt này còn có các di tích: Di tích lịch sử Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn; Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Núi Non Nước, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình; Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Đại Phùng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội;  Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo Biên bản và Bản đồ các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng nêu trên, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

PV
Cùng chuyên mục