Sạ lan tốn tới 2 tạ lúa giống, còn cấy bằng máy tiết kiệm đủ thứ

Huỳnh Xây Chủ nhật, ngày 01/12/2019 08:00 AM (GMT+7)
Ngày 29/11, tại huyện Vị Thuỷ (tỉnh Hậu Giang), Bộ NNPTNT đã tổ chức lễ phát động ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa tại ĐBSCL. Đến dự có lãnh đạo ngành nông nghiệp, nông dân tiêu biểu trong sản xuất lúa và các doanh nghiệp ở 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Bình luận 0

Hệ lụy từ sạ lan

Theo Cục Trồng trọt, nhiều năm qua, trong sản xuất lúa, bà con nông dân vùng ĐBSCL thường có tập quán sạ lan, diện tích sạ lan này chiếm gần 80% diện tích gieo trồng. Sạ lan có nhược điểm là tốn rất nhiều hạt giống (từ 200 - 250kg/ha). Do sạ dày nên ruộng lúa khó xử lý cỏ, dễ gây ra nhiều sâu bệnh, phải bón nhiều phân và tiêu tốn rất nhiều nước tưới. Vì vậy, việc sản xuất theo cách truyền thống này sẽ tốn thêm rất nhiều chi phí và làm ảnh hưởng đến môi trường, đồng ruộng.

Chưa dừng lại ở đó, việc sạ lan với mật độ dày còn làm phẩm chất gạo không tốt (lẫn nhiều lúa nền, rất khó khử lẫn, cây yếu, rất dễ đỗ ngã), làm giảm năng suất lúa. Từ đó, dẫn đến việc lúa khó bán hoặc bán được với giá thấp.

Để khắc phục các nhược điểm trên của tập quán sạ lan, vài năm gần đây, khâu gieo cấy lúa bằng máy đã được áp dụng ở nhiều địa phương. Thực tế cho thấy, áp dụng cấy máy trên đồng ruộng sẽ giảm lượng giống đáng kể, chỉ cần từ 65 – 80kg giống cho 1ha. Mỗi máy có thể cấy từ 1,5 – 2ha/ngày.

img

  Các đại biểu tham quan buổi trình diễn máy cấy tại lễ phát động sáng 29/11. (ảnh: Huỳnh Xây)

Áp dụng phương pháp cấy máy, mật độ giữa các bụi lúa vừa phải (mỗi hàng cách nhau 25cm), tạo độ thông thoáng. Từ đó, cây lúa không phải cạnh tranh về ánh sáng, dinh dưỡng nên phát triển khỏe mạnh. Bà con cũng không cần bón nhiều phân, phun nhiều thuốc BVTV mà sâu bệnh, dịch hại cũng hạn chế phát sinh. Đây là một trong những tiêu chí để thực hiện tốt quy trình “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng lúa hàng hóa.

Mặc dù lợi đủ thứ như vậy, nhưng việc áo dụng cấy máy ở ĐBSCL vẫn đạt tỷ lệ rất thấp. Theo thống kê, trong năm 2019, ở ĐBSCL có khoảng 370 máy cấy (nhiều nhất là Sóc Trăng với 100 máy, Đồng Tháp 80 máy, Long An 78 máy...). Số máy cấy này nếu khai thác hết công suất thì chỉ đáp ứng được khoảng 1% diện tích lúa gieo trồng.

Tại lễ phát động ngày 29/11, ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho hay: “Hiện nay, trong cơ giới hóa canh tác lúa ĐBSCL, khâu làm đất cơ bản đạt 100%, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt trên 82%, còn gieo cấy bằng máy thì quá thấp. Đây là khâu yếu nhất trong cả quá trình sản xuất lúa của bà con”.

“Những năm qua, năng suất lúa ở vùng ĐBSCL đã đạt ở mức cao, bình quân 60 tạ/ha nên khó tăng thêm nữa. Vì vậy, để tăng thu nhập cho người dân, việc giảm giá thành sản xuất là rất cần thiết, để làm được điều này thì phải nhanh chóng thực hiện cơ giới hóa trong khâu cấy lúa” - ông Doanh nói.

Đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào gieo cấy 

Đối với các doanh nghiệp, phải nghiên cứu cải tiến để máy cấy có giá thành hợp lý, phù hợp với túi tiền người dân trồng lúa. Ngoài ra, cần hợp tác với các viện nghiên cứu, điều chỉnh chức năng sản phẩm phù hợp với vùng đất ĐBSCL”.
 Thứ trưởng Lê Quốc Doanh 

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng cho rằng, khâu cơ giới hóa trong gieo cấy ở ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang còn rất yếu. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho chất lượng, năng suất lúa còn hạn chế, kéo theo tỷ lệ diện tích được doanh nghiệp bao tiêu thấp.

“Vì vậy, buổi lễ phát động cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa hôm nay có nghĩa thiết thực, nhằm hướng đến mục tiêu giảm diện tích lúa sản xuất theo cách truyền thống, tăng diện tích sử dụng máy cấy, hạ giá thành sản xuất đến mức thấp nhất nhưng vẫn tăng thu nhập cho người dân. Nhân đây, tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp phối hợp với các viện, trường, nhà khoa học nghiên cứu, cải tiến máy cấy sao cho dễ sử dụng, giá bán hợp lý và ít thất thoát” - ông Tuấn nói.

Ông Đỗ Minh Nhật - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang  nói: “Hôm nay, tôi đại diện các địa phương ĐBSCL nhiệt liệt hưởng ứng việc ứng dụng cơ giới hóa trong gieo cấy lúa. Qua đó, cam kết với Bộ NNPTNT, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành có các chính sách hỗ trợ cho người dân trong áp dụng việc cơ giới hóa nói trên”.

Ông Nhật cũng cho biết sẽ thực hiện đúng lộ trình và những mục tiêu của Bộ NNPTNT đề ra sẽ đạt được trong việc giảm giống (đến năm 2020, 13 tỉnh, thành ĐBSCL có lượng giống gieo sạ đạt 80kg/ha - PV).

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh đánh giá: “Trong sản xuất lúa, khâu gieo cấy là khâu nặng nhọc, tốn nhiều công lao động nhất. Nhưng đây cũng là khâu quan trọng, quyết định sự phát triển và năng suất của cây lúa. Tuy nhiên, tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu này còn thấp. Vì vậy, việc phát động ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa tại ĐBSCL là cần thiết, nó không dừng lại ở đây mà cần trở thành phong trào rộng khắp”.

“Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã xây dựng kế hoạch cho nội dung cụ thể này, trong đó có các việc như: Tăng cường thông tin tuyên truyền về hiệu quả của các mô hình ứng dụng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn, hỗ trợ và khuyến khích hình thành các tổ sản xuất dịch vụ ứng dụng cơ giới hóa trong khâu cơ giới hóa…” - ông Thanh nói.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, để thực hiện mục tiêu mà lễ phát động đặt ra, các tỉnh ĐBSCL phải cùng với doanh nghiệp hoàn thiện gói kỹ thuật chung, từ khâu làm hạt giống đến khâu cấy mạ trên ruộng, nghiên cứu, đề xuất hình thành hình thức tổ chức, cơ chế cho máy cấy được vào ruộng...

Bộ NNPTNT sẽ dùng chương trình khuyến nông Trung ương giao cho các viện, khuyến nông địa phương, doanh nghiệp xây dựng các mô hình trình diễn khép kín, sau đó hướng dẫn, tập huấn cho bà con sử dụng. Đối với các địa phương, sau khi ký kết thực hiện chương trình này thì phải có lộ trình khả thi, làm quyết liệt, có chính sách hỗ trợ cho mô hình này nhân rộng một cách bền vững. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem