Sách trắng EuroCham 2022 - 2023: 1/4 doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc đã sang Việt Nam

19/02/2023 15:16 GMT+7
Theo EuroCham, 1/4 các công ty nước ngoài đã báo cáo rằng đã chuyển hoạt động của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong đó có 2% đã chuyển một phần đáng kể hoạt động của họ vào trong nước.

Đây là nội dung đáng chú ý được đưa ra trong Sách trắng 2022 các vấn đề thương mại đầu tư và khuyến nghị 2023 của Phòng Thương mại và Công Nghiệp châu Âu (EuroCham) Việt Nam vừa được công bố mới đây.

Sách trắng EuroCham 2022 - 2023: 1/4 doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc đã sang Việt Nam - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp châu Âu cho biết họ đã chuyển 1/4 hoạt động của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam

Ngoài việc Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng, doanh nghiệp châu Âu đề nghị Việt Nam cần thiết cắt giảm bộ máy hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng.

Theo cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, động thái này là đòn bẩy chính để Việt Nam thu hút thêm vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) tại Việt Nam trong thời gian tới.

Đáng quan tâm nhất là trong báo cáo của EuroCham, 1/4 các công ty nước ngoài đã báo cáo rằng đã chuyển hoạt động của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam, trong đó có 2% đã chuyển một phần đáng kể hoạt động của họ vào trong nước. 

Hơn nữa, 42% công ty nước ngoài sẵn sàng chuyển ít nhất một lượng vốn FDI nhỏ vào Việt Nam vào cuối năm 2022. Các công ty nước ngoài xác định việc cắt giảm bộ máy hành chính và phát triển cơ sở hạ tầng nhiều hơn là đòn bẩy chính để Việt Nam thu hút thêm vốn FDI.

Theo EuroCham, trong Sách Trắng EuroCham 2021 cho biết để thu hút thêm FDI của EU vào Việt Nam, cứ ba lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu thì có hai người cho rằng điều quan trọng là phải lồng ghép trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp vào các hoạt động kinh doanh của họ như được nêu chi tiết trong Chương 13 của EVFTA. 

Sách trắng 2022 và các vấn đề thương mại đầu tư và khuyến nghị 2023 của EuroCham cũng đề cập đến hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Mối quan hệ Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam ngày càng bền chặt kể từ khi thiết lập quan hệ chính thức lần đầu tiên vào năm 1990. Hiện nay, EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam Năm 2021, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 31 (0,5%) và là nước nhập khẩu lớn thứ 11 (1,8%) của EU. Ba quốc gia EU nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Việt Nam nhất là Hà Lan (7,849 tỷ Euro), Đức (7,680 tỷ Euro) và Ý (3,519 tỷ Euro). Slovakia (7,4%) là quốc gia ngoài EU có tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam cao nhất. Ba quốc gia EU có xuất khẩu nhiều nhất sang Việt Nam là Đức (3,7 tỷ Euro), Pháp (1,2 tỷ Euro) và Ý (1,1 tỷ Euro). Luxembourg (2,1%) là quốc gia ngoài EU có tỷ trọng xuất khẩu sang Việt Nam cao nhất. 

Các nhà đầu tư châu Âu hiện diện trên mọi lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế Việt Nam cũng như trên khắp chiều dài và chiều rộng của đất nước. Năm 2021, thương mại hàng hóa Việt Nam - EU tăng 14,8% lên 63,6 tỷ đô-la Mỹ, bất chấp tác động của COVID-19. Quốc gia Thành viên là Phần Lan có thặng dư thương mại với Việt Nam (31 triệu Euro). 26 Quốc gia Thành viên có thâm hụt thương mại với Việt Nam, trong đó lớn nhất là Hà Lan (6,861 tỷ Euro), tiếp theo là Đức (3,948 tỷ Euro) và Áo (2,529 tỷ Euro).

Mặc dù vậy, khi được hỏi liệu có lạc quan về triển vọng kinh doanh của chính doanh nghiệp mình trong quý đầu năm 2023 hay không, 30% đã đưa ra phản hồi tích cực. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng kỳ vọng kế hoạch đầu tư, đơn đặt hàng và doanh thu sẽ tương đối ổn định so với quý trước. Triển vọng ở đây có vẻ lạc quan hơn so với toàn bộ nền kinh tế. 

Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, 37% dự kiến doanh nghiệp của họ sẽ tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam vào cuối năm 2022. Theo đó, Việt Nam có thể tăng mức FDI này bằng cách giảm bớt các trở ngại về thủ tục hành chính (70%), cải thiện cơ sở hạ tầng (53%), nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực (35%) và giảm rào cản thị thực cho chuyên gia nước ngoài (47%). 

EuroCham rất hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết 99/NQ-CP về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025, trong đó giao Bộ Tư pháp xây dựng Đề án ban hành" Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam" trình Thủ tướng Chính phủ vào năm 2023. EuroCham luôn sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng Chương trình hành động quốc gia quan trọng này. 

An Linh
Cùng chuyên mục