Sacombank ngày trở lại “đường đua” có còn xa?

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 15/02/2020 13:31 PM (GMT+7)
Nhiều năm hoạt động đi xuống sau quá trình sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam, Sacombank đã thực sự có bước chuyển mình những năm gần đây sau khi ông Dương Công Minh được mời về nắm giữ "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT ngân hàng.
Bình luận 0

Tại đại hội đồng cổ đông sắp tới, giới đầu tư kỳ vọng vào việc ông Đặng Văn Thành - người được ví là “cha đẻ” của nhà băng này - sẽ quay trở lại để cùng góp sức với ông Dương Công Minh đưa Sacombank trở lại đường đua của những ngân hàng TMCP lớn nhất hệ thống…

Theo báo cáo tài chính mới nhất từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 của ngân hàng này đạt 3.217 tỷ đồng, vượt 21,4% kế hoạch. Tuy nhiên, kết quả này cũng không làm mấy ai giật mình, bởi chuyện thông tin báo lãi nghìn tỉ hay xử lí hàng chục nghìn tỉ nợ xấu của Sacombank đã không còn quá bất ngờ đối với các cổ đông và nhà đầu tư trên thị trường tài chính trong khoảng hai năm trở lại đây.

img

Khách hàng giao dịch tại Sacombank (Ảnh: IT)

“Bước ngoặt” của Sacombank

Nhìn lại thời điểm cách nay gần 5 năm, năm 2016 là một năm buồn của Sacombank khi hoạt động kinh doanh sụt giảm thê thảm.

Báo cáo tài chính năm 2016 cho thấy, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của ngân hàng chỉ đạt chưa đầy 89 tỷ đồng, chưa bằng 14% lợi nhuận của năm trước (năm 2015 là 648 tỷ đồng) trong khi nợ xấu nội bảng tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng, nợ xấu ở VAMC tăng thêm hơn 23.000 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2016, Sacombank có tới 80.000 tỷ đồng tài sản có vấn đề. Trong đó, 37 ngàn tỷ đồng là trái phiếu VAMC, nợ xấu 13 ngàn tỷ đồng và lãi dự thu phải thoái khoảng 20 ngàn tỷ đồng. Tiếng than ai oán của giới đầu tư liên tục gây áp lực tại các cuộc họp đại hội cổ đông của ngân hàng này: “Tại sao ngân hàng đang khỏe mạnh, làm ăn tốt, lại sáp nhật ‘khối u’ Phương Nam (Ngân hàng Phương Nam, dưới thời ông Trầm Bê) vào làm gì?”.

Những câu hỏi dai dẳng đó kéo dài sang tới năm 2017. Cột mốc đáng nhớ là tại đại hội cổ đông ngân hàng này (ngày 30/6/2017), NHNN bất ngờ giới thiệu ông Dương Công Minh ứng cử với cương vị Chủ tịch HĐQT của Sacombank. Tại đại hội lúc đó, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh nhận định: "Việc Sacombank mời ông Dương Công Minh, một người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, tham gia vào quá trình tái cơ cấu là một lựa chọn tốt. NHNN kì vọng Sacombank sẽ gỡ được nút thắt nợ xấu, đang tồn tại lớn ở bất động sản".

img

Lợi nhuận của Sacombank qua các năm, từ 2015 đến 2019 (Ảnh: Quốc Hải)

Việc xuất hiện bất ngờ của ông Dương Công Minh thời điểm đó cũng tạo nên nhiều đồn đoán trên thị trường, rằng Tập đoàn Him Lam đã “vươn cánh tay” đến thâu tóm Sacombank. Lúc này, ông Minh là người đại diện cho nhóm cổ đông sở hữu 170 triệu cổ phiếu STB, tương đương 9% vốn điều lệ của ngân hàng.

Tuy nhiên, bỏ ngoài tai mọi đồn đoán, sau khi được tín nhiệm làm Chủ tịch HĐQT của Sacombank, ông Minh đã có những bước đột phá trong quá trình tái cơ cấu các khoản nợ của Sacombank. Bằng chứng là, chỉ sau gần nửa năm giữ “ghế nóng”, lợi nhuận sau thuế Sacombank năm 2017 tăng mạnh, đạt 1.182 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ xấu giảm từ 6,91% vào cuối năm 2016 về 4,67%. Song đáng nói hơn cả là quá trình xử lý nợ xấu cực kỳ ấn tượng của ông chỉ sau 6 tháng nắm quyền điều hành.

Cụ thể, nếu trong 6 tháng đầu năm 2017, Sacombank mới chỉ xử lí được 845 tỷ đồng nợ xấu thì đến cuối năm 2017, chỉ sau 6 tháng điều hành, ông Minh đã giúp con số này đã vọt lên hơn 19.000 tỷ đồng với hơn 15.000 tỷ đồng là thuộc Đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và NHNN phê duyệt. Trong đó bao gồm thanh lí tài sản nhận cấn trừ nợ gần 2.800 tỷ đồng; bán nợ theo giá thị trường 2.600 tỷ đồng; tự xử lí, thu hồi nợ xấu và các khoản phải thu được hơn 14.200 tỷ đồng.

Dù kết quả xử lý gây ấn tượng mạnh như thế nhưng phát biểu với báo giới thời điểm đó, ông Minh không hề tỏ ra tự mãn, mà chỉ nhắn nhủ: “Thực tế, đề án tái cơ cấu xác định trong 10 năm nhưng có thể rút ngắn xuống còn từ 3 - 5 năm với sự đồng lòng của cổ đông, của khách hàng và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Khi đó, Sacombank sẽ trở lại đường đua…”.

Không chỉ mạnh tay xử lý nợ xấu, ông Minh cũng nhanh chóng tạo được sự tin tưởng và ủng hộ của tập thể cán bộ, nhân viên khi ông và HĐQT Sacombank thông qua cơ chế thưởng theo kết quả kinh doanh cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc, cũng như "thưởng nóng" 1 tháng lương cơ bản và nâng cao chính sách lương, phúc lợi cho hơn 17.000 nhân viên trong toàn hệ thống từ tháng 7/2017…

Những bước chuyển mình…

Từ năm 2018 đến nay, có thể nói Sacombank đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Chẳng hạn, năm 2018, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 1.790 tỷ đồng, tăng 51% so với năm trước. Đây cũng là một năm xử lí nợ xấu thành công của Sacombank với tỉ lệ nợ xấu từ con số 10.405 tỷ đồng (tỷ lệ 4,67%) xuống chỉ còn 5.463 tỷ đồng (tỷ lệ 2,13%).

img

Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank qua các năm (Ảnh: Quốc Hải)

Nhìn vào cơ cấu tài sản, trong 2 năm từ 2017 đến 2018, tỷ trọng tài sản có không sinh lời của ngân hàng đã giảm từ 29,3% xuống còn 18,3%; vốn tự có được cải thiện, tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu (CAR) từ 9,61% trong năm 2016 lên 10,71% vào năm 2018, song song với việc nâng cao hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn Basel II. Đặc biệt, vấn đề sở hữu chéo đã được Sacombank xử lý triệt để.

Sang năm 2019, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt mức tăng 43,2% với 3.217 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 37%, đạt 2.454 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Sacombank tính đến hết ngày 31/12/2019 đạt gần 453.600 tỷ đồng, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 410.330 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt hơn 296.000 tỷ đồng. Tổng giá trị nợ xấu tính đến cuối năm 2019 là 5.733 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,2% hồi cuối năm 2018 xuống còn 1,93%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng từ 7,52% xuống còn 1,54%.

Như vậy, chỉ sau hơn 2 năm, Sacombank dưới thời ông Dương Công Minh đã xử lý được 39.400 tỷ đồng nợ xấu; thu hồi 13.000 tỷ đồng tài sản không sinh lời, giúp cho tài sản thu nợ trên tổng tài sản giảm từ 29,3% xuống còn 13,3%.

Những con số kết quả kinh doanh của Sacombank kể trên có lẽ là minh chứng tốt nhất cho sự nỗ lực của toàn thể ban lãnh đạo và nhân viên ngân hàng trong hành trình lấy lại vị thế của Sacombank trước đây. Tất nhiên, Sacombank sẽ còn rất nhiều phải việc làm khi tài sản có vấn đề vẫn còn hơn 40.000 tỷ đồng cần xử lý. Và đó chỉ là con số cũ chưa bao gồm nợ nhóm 3-5, nợ xấu phát sinh trong suốt quá trình kinh doanh.

Mong chờ cái bắt tay với “người cũ”

Mới đây, tại buổi lễ kỷ niệm 28 năm của Ngân hàng Sacombank (tối ngày 20/12/2019), ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank đã gửi lời tri ân đến ông Đặng Văn Thành - người sáng lập Sacombank. Theo ông Minh: "Tôi vào điều hành Ngân hàng Sacombank, nhưng hiện nay, thương hiệu Sacombank luôn gắn chặt tên tuổi ông Đặng Văn Thành và vẫn là 'Thành Sacombank'. Còn tôi chỉ là 'Minh Him Lam'. Với mong muốn giữ được thương hiệu Thành Sacombank, chúng tôi kỳ vọng ông Thành cùng chị Huỳnh Bích Ngọc và con trai Đặng Hồng Anh sát cánh, tạo điều kiện tư vấn để phát triển Sacombank ngày càng tốt hơn. Tiến tới xây dựng Sacombank là ngân hàng hạnh phúc”.

Điều này có thể thấy ông Minh tha thiết muốn ông Thành trở lại và đồng hành để phát triển Sacombank.

img

Giới đầu tư kỳ vọng có cái bắt tay giữa ông Dương Công Minh và ông Đặng Văn Thành (Ảnh: IT)

Với những lời mời mọc chân tình từ Chủ tịch Dương Công Minh, ông Thành xúc động và cho biết, cách đây 3 năm, Chủ tịch đương nhiệm Dương Công Minh cũng có đến gặp, nhưng ông nói là chưa muốn xuất hiện.

"Khi thấy thích hợp, tôi sẵn sàng tham gia thị trường ngân hàng. Vì tôi luôn quan niệm rằng, đã là doanh nhân, khi có điều kiện và có thể đóng góp được gì cho đất nước, cho xã hội thì sẵn sàng làm", ông Thành chia sẻ.

Và tại đại hội cổ đông sắp tới của Sacombank, nhiều đồn đoán cho rằng có thể ông Thành sẽ chấp nhận quay lại cùng sát cánh với ông Dương Công Minh để cùng phát triển Sacombank.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem