Sài Gòn vẫn đầy rác bụi, ô nhiễm nghiêm trọng

Thứ bảy, ngày 13/05/2017 14:06 PM (GMT+7)
Rác sinh hoạt, khói bụi đầy đường, kênh rạch thì bốc mùi hôi thối… là những gì đang xảy ra ở TP.HCM, khiến nhiều người phàn nàn sao Sài Gòn giờ dơ quá. Vì đâu nên nỗi?
Bình luận 0

Rác bụi từ trên trời dưới đất…

Nhiều năm nay, cứ đi dọc đường Tân Chánh Hiệp 26 (P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, TP.HCM) là người đi đường phải kêu trời, vì trên đường và mặt con kênh chạy dọc con đường ngập rác. “Rác thải ở đây xuất phát từ khu chợ Trung Chánh, hàng quán ven kênh và các hộ dân sống dọc kênh. Chính quyền có thuê người nạo vét lòng kênh, xử lý rác nhưng chỉ sạch được vài ba bữa, rác lại tụ về chật cứng lòng kênh”, ông An, một đại diện khu phố nơi đây bức xúc nói.

img

Một người Nhật tên Asada Yasharo làm ở KCX Tân Thuận, quận 7, cùng một số cộng sự lập ra CLB Tình nguyện viên xã hội Việt Nam – Nhật Bản, đều đặn mỗi tuần đi lượm rác tại công viên Tao Đàn, 23/9, Hoàng Văn Thụ.

Một người vô tư đổ rác ở một bãi rác tự phát trên đường Nguyễn Văn Nghi, Q. Gò Vấp, TP.HCM, khi được hỏi thì xoay qua quát: “Không phải chuyện của mày” rồi đi thẳng. Ngay sau đó, ngoắt tay chúng tôi lại và cảnh báo: “Làm gì thì nhanh nhanh rồi đi kẻo người ta đánh đó! Ở đây chủ yếu là hàng quán, chợ búa nên dân ra đường vứt rác cho đỡ tốn tiền. Người nơi khác cũng đến đây vứt ké nữa. Vứt riết rồi thành bình thường”.

Chuyện người dân thiếu ý thức biến kênh thành kênh rác, biến đường thành đường rác không chỉ xảy ra ở Q.12 mà nó xảy ra đều khắp trên địa bàn TP.HCM, kể cả khu trung tâm với hàng loạt tuyến đường đăng ký là đường kiểu mẫu. Ở đường 3.2, Trần Nhân Tông, Nguyễn Tri Phương, Q.10; Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Cừ, Q.5; hai tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa – kéo dài từ Q.1 đến Q. Tân Bình… ai cũng dễ dàng bắt gặp nhiều đống rác được những người thiếu ý thức tống ra vỉa hè, xuống lòng đường, thậm chí đổ bít cống thoát nước. Đặc biệt, các cây cầu, như: Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương, Chữ Y, Sài Gòn… cũng không ngoại lệ. Dưới gầm cầu, hông cầu đều được tập kết rác; bên trên cầu, nhiều người bán hàng rong, người đi đường vô tư xả rác.

Ngoài rác thì vấn nạn tiểu bậy và xe cộ, nhất là xe buýt xả khói đen, xe ben rơi vãi vật liệu xây dựng trên đường đã thực sự biến TP.HCM thành phố ô nhiễm toàn tập. Tối, chỉ cần đứng trên cung đường ăn nhậu Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa, Trường Sa thì ai cũng dễ dàng có lúc phải ngượng mặt vì chuyện phóng uế xuống kênh, trên bãi đất trống ở những tuyến đường trên. Còn, ở các cung đường là cửa ngõ ra vào TP.HCM thì ôi thôi khói bụi mù mịt. “Đi trên xa lộ Hà Nội mà không bịt mặt thì về nhà lấy cái khăn trắng lau mặt thì lập tức nó biến thành màu đen ngay”, anh Hoàng, một phóng viên có nhà ở Q.9, “cạn lời” so sánh.

… Và bài toán chưa giải!

Để giảm tình trạng bôi bẩn Sài Gòn do ý thức kém thì thành phố chỉ cần tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý cho khoa học và bài bản; kế đến kêu gọi người dân chung tay phát hiện và tố giác với các cơ quan liên quan… là có thể kéo giảm được.

“Còn cái không thể kéo giảm được trong câu chuyện TP.HCM dơ, chính là chuyện tính toán ngược của chính quyền trong bài toán kéo giảm ô nhiễm ở TP.HCM”, một chuyên gia khẳng định. Theo ông, chuyện làm ngược được thấy rõ nhất là ở lĩnh vực cải tạo ô nhiễm ở kênh, rạch mà cụ thể nhất là dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Đúng ra ở dự án này việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải phải được xây dựng trước hoặc ít nhất cũng song song với dự án cải tạo, nhưng các cơ quan liên quan lại “bỏ quên”. Theo đó, hiện tại nước thải sinh hoạt thu gom ở hai tuyến cống chạy dọc con kênh này chỉ được lắng và lọc rác rồi xả thẳng ra sông. Làm như vậy là rất nguy hại vì ô nhiễm bị đổ hết ra sông.

Thực tế lo ngại trên cũng đã được trưởng ban Đô thị HĐND TP.HCM Trương Trung Kiên thừa nhận, đơn vị này đã tổ chức bốn đoàn khảo sát tại 32 đơn vị về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Qua khảo sát, nhiều chỉ số về môi trường không đạt theo quy chuẩn cho phép. Cụ thể, chất lượng mặt nước sông Sài Gòn – Đồng Nai cho mục đích cấp nước bị ô nhiễm, các chỉ tiêu TSS, DO, Coliform… không đạt quy chuẩn cho phép. Còn nước hệ thống thì hết 4/5 hệ thống kênh là Tân Hoá – Lò Gốm, Thanh Vương – Vàm Thuật, Tàu Hủ – Bến Nghé, Đôi – Tẻ bị ô nhiễm; chỉ mỗi hệ thống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có chất lượng tốt.

Đặc biệt, ông Kiên lưu ý, việc xử lý nước thải cũng là vấn đề đáng quan tâm khi mỗi ngày lượng nước thải sinh hoạt tại thành phố là 2,75 triệu m3, trong khi công suất xử lý hiện nay chỉ giải quyết được khoảng 13%, chưa có đầy đủ trang thiết bị quan trắc và trạm quan trắc tự động theo quy định, thành phố chỉ có một nhà máy xử lý nước thải là nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng với tổng diện tich 14ha, thu gom nước thải sinh hoạt từ các Q.1, 3, 5 và một phần Q.10 với công suất thiết kế là 141.000m3/ngày (hiện đang tiếp nhận, xử lý 130.000m3/ngày) và hồ sinh học Bình Hưng Hoà công suất 30.000m3/ngày.

Câu hỏi đặt ra ở đây, chính quyền TP.HCM đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 việc xử lý nước thải đạt 80%, liệu có khả thi? Người dân Sài Gòn còn chịu dơ đến bao giờ?  

Giang Thanh – Đằng Giang (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem