Sai phạm gây thất thoát ở dự án trồng cây dược liệu đinh lăng

27/10/2020 09:50 GMT+7
Dự án được nhà nước và nhân dân góp tiền đầu tư, nhưng sau hơn 2 năm thực hiện, kết quả gần như bằng không, gây thất thoát tài sản.

Thất thoát từ khâu đấu thầu cung cấp cây giống

Dự án trồng cây dược liệu đinh lăng do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư, và Hợp tác xã Tân Tiến (xã Pờ Tó, huyện La Pa) được giao thực hiện. Tổng nguồn vốn triển khai là hơn 2 tỷ đồng (trong đó ngân sách nhà nước 1,39 tỷ đồng; nhân dân đóng góp 670 triệu đồng).

Sau 2 năm triển khai, trên toàn bộ 5ha mô hình, có 0,6ha chưa trồng, 1ha đất trống, gần 2ha được… trồng mía. Chỉ có 1,5ha có cây đinh lăng trồng trên đất ruộng, nhưng cũng chỉ khoảng 1/3 số cây sống.

Theo tài liệu từ UBND huyện Ia Pa, tháng 3/2018, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện được giao làm chủ đầu tư, triển khai dự án trồng cây dược liệu đinh lăng. Mục đích chăm sóc cây phát triển, nhân giống và chuyển giao cây con giống cho nhân dân trong huyện trồng, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Đây là dự án nhân văn, được đông đảo người dân ủng hộ, giúp thoát nghèo và tiến tới thay thế các cây trồng ít hiệu quả khác.

Sai phạm gây thất thoát ở dự án trồng cây dược liệu đinh lăng - Ảnh 1.

HTX Tân Tiến được giao thực hiện mô hình trồng cây dược liệu. Ảnh: Trần Nam.

Với giá bỏ thầu 6.775 đồng 1 cây, Công ty TNHH MTV Ngọc Thạch Khôi (trụ sở ở thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) đã trúng thầu cung ứng số lượng 200.000 cây, với số tiền 1,355 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm năm 2018, giá thị trường mỗi cây đinh lăng giống chỉ từ 1.000 - 1.500 đồng.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện ký hợp đồng với HTX Tân Tiến, thể hiện trách nhiệm HTX phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất, cam kết tỷ lệ cây sống sau 30 ngày xuống giống. Trường hợp cây chết do thiếu trách nhiệm, thì HTX Tân Tiến phải bồi hoàn 100% kinh phí Nhà nước đã hỗ trợ, hoàn trả 30% lượng cây giống đã hỗ trợ (hình thức thu hồi bằng giống hoặc tiền).

Dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực

Theo Kết luận thanh tra số 03 của huyện Ia Pa, qua kiểm tra thực tế trên diện tích 4,4 ha (0,6 ha chưa trồng), thì có đến 2,9 ha không còn cây dược liệu đinh lăng nào (1ha bỏ trống; 1,9 ha bị HTX trồng mía). Còn 1,5 ha đất có cây dược liệu lại được trồng trên ruộng. Tuy nhiên, tỷ lệ cây sống chỉ khoảng 30%.

Theo báo cáo giám sát số 08 của Hội đồng Nhân dân huyện Ia Pa, HTX Tân Tiến đã chưa thực hiện tốt quy trình chăm sóc cây, đó là không được phun thuốc vì cây dược liệu nhưng HTX vẫn phun thuốc cỏ. Đặc biệt, tự ý phá bỏ, không chăm sóc 2,9 ha cây đinh lăng sinh trưởng kém khi chưa có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền; Công tác lãnh đạo chỉ đạo của UBND huyện chưa hiệu quả, ảnh hưởng đến việc thu hồi vốn.

Sai phạm gây thất thoát ở dự án trồng cây dược liệu đinh lăng - Ảnh 2.

Một diện tích cây đinh lăng được trồng, nhưng cũng héo úa, chết dần, phải nhổ bỏ. Ảnh: Trần Nam.

Kết luận Thanh tra nêu thực trạng: “Hiệu quả mô hình mang lại không khả quan, HTX Tân Tiến vẫn chưa thu hoạch được sản phẩm gì từ cây đinh lăng”.

Được biết, chủ trương ban đầu của UBND huyện Ia Pa là giao cho từng hộ dân chăm sóc, tuy nhiên sau đó, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Vĩnh Hương đã ký văn bản, chọn HTX Tân Tiến triển khai mô hình. Đáng nói, dự án bị thất bại nhưng UBND huyện Ia Pa lại báo cáo xin ý kiến Thường trực Huyện ủy miễn thu hồi cây giống tại HTX Tân Tiến.

Thông tin từ Chánh văn phòng Huyện ủy Ia Pa Nguyễn Phi Loan cho biết, Thường trực Huyện ủy đã có văn bản kiến nghị Công an tỉnh chỉ đạo điều tra, làm rõ dấu hiệu tham ô và thất thoát ngân sách tại mô hình trồng cây đinh lăng ở Hợp tác xã Tân Tiến. “Đây là dự án có dấu hiệu tiêu cực”, Chánh Văn phòng Huyện ủy Ia Pa Nguyễn Phi Loan nói.

Theo Hồng Thuỷ - Trần Nam/Nông nghiệp Việt Nam
Cùng chuyên mục