Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải: Nút thắt của ngành hàng không và lời giải từ ACV?

19/10/2019 16:43 GMT+7
Sân bay Tân Sơn Nhất được thiết kế để phục vụ khoảng 28 triệu lượt hành khách/năm, tuy nhiên, lượng khách đi và đến sân bay này đã đạt ngưỡng 41 triệu lượt gây ra tình trạng quá tải hạ tầng và là nút thắt của ngành hàng không Việt Nam đang phát triển "nóng" .

Đứng trước tình trạng quá tải hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT đã giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi dự án xây dựng nhà ga T3 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo quy hoạch, để sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất 50 triệu khách/năm, khu bay (gồm: đường băng, đường lăn, sân đỗ) của sân bay Tân Sơn Nhất cần bổ sung 56 vị trí đỗ máy bay để có 106 vị trí đỗ; nâng cấp sửa chữa đường băng 25R/07L đang bị xuống cấp;

Bổ sung 3 đường lăn (nối đường băng với đường băng, đường băng với sân đỗ) song song; xây dựng 5 đường lăn thoát nhanh cho đường băng 25R/07L;

Bổ sung các đường lăn nối từ đường băng vào đường lăn song song và sân đỗ máy bay giúp máy bay thoát ly khỏi đường băng 25R/07L vào sân đỗ mà không ảnh hưởng đến hoạt động cất hạ cánh của đường băng 25R/07L...

Tắc nghẽn sân bay Tân Sơn Nhất cần đầu tư đồng bộ hạ tầng hàng không - Ảnh 1.

Sân bây Tân Sơn Nhất cần phải đầu tư đồng bộ.

Khu vực phục vụ mặt đất phải cải tạo nhà ga hành khách T1, T2 hiện tại để đạt tổng công suất khoảng 30 triệu hành khách/năm, đồng thời xây dựng nhà ga hành khách T3 ở phía nam với công suất 20 triệu hành khách/năm. Ngoài ra, cần bổ sung thêm nhà ga hàng hóa, cấp thoát nước, khu bảo dưỡng máy bay, khu cấp nhiên liệu, giao thông kết nối sân bay với thành phố.

Đến nay, phương án nâng cấp nhà ga cả quốc nội, quốc tế Tân Sơn Nhất đã cơ bản hoàn thành và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao ACV đầu tư dự án nhà ga hành khách T3, sân bay Tân Sơn Nhất. Thời gian thực hiện dự án là 37 tháng kể từ ngày phê duyệt chủ trương đầu tư. Khi hoàn thành, cùng với phương thức bay mới được áp dụng, tình trạng quá tải tại Tân Sơn Nhất sẽ giảm đáng kể.

Theo lãnh ACV cho biết, lo ngại lớn nhất hiện nay chính là hệ thống hạ tầng như đường cất/hạ cánh bị xuống cấp nghiêm trọng mà vẫn chưa được sửa chữa dẫn tới thiếu đường lăn.

Việc không kịp sửa chữa đường lăn cất/hạ cánh, khi xây nhà ga T3 cong mà không có các hạ tầng thì sẽ dẫn tới tắc nghẽn ở khu bay. Qua đó, ACV cho rằng, cần phải đầu tư 1 cách tổng thể bài bản từ khu bay, nhà ga cho đến đường lăn cất/hạ cánh.

Để đáp ứng được việc mở rộng nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, UBND TP. HCM cũng đã yêu cầu cơ quan chức năng khẩn trương cập nhật đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 của 4 phường quanh sân bay Tân Sơn Nhất để hoàn thiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (quận Tân Bình) có chiều dài 4,1km, được thực hiện trong giai đoạn 2019-2024 với tổng vốn đầu tư khoảng 4.850 tỷ đồng từ ngân sách thành phố.

Ngoài ra, quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cũng sẽ mở rộng đường Cộng Hòa đoạn vòng xoay Lăng Cha Cả, đường Tân Sơn, Hoàng Hoa Thám, Trường Chinh để phù hợp tình hình giao thông khi đầu tư thêm nhà ga T3.

Thế Anh
Cùng chuyên mục