Sản lượng gạo toàn cầu giảm kỷ lục năm 2023, cơ hội nào cho Việt Nam?

28/12/2022 13:01 GMT+7
USDA dự báo sản lượng gạo thế giới sẽ giảm 1,35 triệu tấn, xuống 503,7 triệu tấn (quy xay xát), thấp hơn 2% so với dự báo tháng trước và cũng giảm so với năm trước, là năm giảm đầu tiên kể từ vụ 2015/16. Đó sẽ là mức sản xuất thấp nhất kể từ năm 2019/20.

Sản lượng gạo toàn cầu giảm kỷ lục

Trong báo cáo tháng 11/2022, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hạ dự báo về sản lượng gạo thế giới năm 2022/23 do sản lượng giảm ở Nigeria, Pakistan, Sri Lanka, Mỹ.

Theo đó, sản lượng gạo thế giới sẽ giảm 1,35 triệu tấn, xuống 503,7 triệu tấn (quy xay xát), thấp hơn 2% so với dự báo tháng trước và cũng giảm so với năm trước, là năm giảm đầu tiên kể từ vụ 2015/16. Đó sẽ là mức sản xuất thấp nhất kể từ năm 2019/20. Việc hạ dự báo so với tháng trước là do sản lượng giảm ở El Salvador, Campuchia, Nigeria, Pakistan, Sri Lanka, Mỹ và Việt Nam không được bù đắp hoàn toàn bởi dự báo sản lượng tăng cho Ghana, Hàn Quốc và Mali.

Những điều chỉnh sản lượng như trên kết hợp với ước tính lượng hàng tồn kho toàn cầu giảm dẫn đến dự báo tổng nguồn cung gạo toàn cầu niên vụ 2022/23 giảm 2,5 triệu tấn xuống còn 686,8 triệu tấn, thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp nhất kể từ niên vụ 2019/20. Đây là lần đầu tiên nguồn cung gạo toàn cầu giảm kể từ vụ 2004/05.

So với năm trước, sản lượng của Ấn Độ - quốc gia sản xuất gạo lớn thứ hai trên thế giới - chiếm phần lớn sự sụt giảm sản lượng toàn cầu, với sản lượng dự kiến sẽ giảm 6,3 triệu tấn xuống còn 124,0 triệu tấn. Nhà sản xuất số một thế giới - Trung Quốc - dự kiến sẽ sản xuất 147,0 triệu tấn, giảm 2,0 triệu tấn so với kỷ lục của niên vụ 2021/22. Sản lượng trong niên vụ 2022/23 của Pakistan dự kiến giảm 2,5 triệu tấn, và của Mỹ dự kiến giảm gần 0,9 triệu tấn. Ngoài ra, sản lượng gạo năm 2022/23 dự kiến sẽ giảm ít nhất 100.000 tấn ở các thị trường: Bangladesh, Liên minh châu Âu, Ghana, Nhật Bản, Nepal, Nigeria, Philippines, Sri Lanka và Tanzania.

Ngược lại, sản lượng năm 2022/23 dự kiến sẽ tăng ít nhất 100.000 tấn so với một năm trước ở Myanmar, Campuchia, Ai Cập, Indonesia, Iran, Mali, Thái Lan và Việt Nam. Vụ mùa của Ai Cập được dự đoán sẽ đạt mức tăng lớn nhất, tăng 0,7 triệu tấn lên 3,6 triệu tấn dựa trên diện tích thu hoạch lớn hơn và năng suất dự kiến cao hơn. Campuchia dự kiến sẽ thu hoạch một vụ mùa kỷ lục vào năm 2022/23.

Sản lượng gạo toàn cầu giảm kỷ lục năm 2023, cơ hội nào cho Việt Nam? - Ảnh 1.

USDA dự báo sản lượng gạo thế giới sẽ giảm 1,35 triệu tấn, xuống 503,7 triệu tấn (quy xay xát), thấp hơn 2% so với dự báo tháng trước và cũng giảm so với năm trước, là năm giảm đầu tiên kể từ vụ 2015/16.

Dự báo mức tiêu thụ gạo toàn cầu niên vụ 2022/23 trong báo cáo tháng 11 được điều chỉnh giảm 0,3 triệu tấn xuống còn 517,8 triệu, giảm 2,1 triệu tấn so với mức kỷ lục của năm trước. Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka chiếm phần lớn mức điều chỉnh giảm. Dự báo tiêu thụ nội địa ở Ấn Độ sẽ là 109,0 triệu tấn, vẫn là mức cao thứ hai được ghi nhận trong lịch sử. Dự báo tiêu thụ nội địa của Pakistan và Sri Lanka cũng được điều chỉnh giảm, chủ yếu do sản lượng giảm. Ngược lại, dự báo tiêu thụ nội địa niên vụ 2022/23 sẽ tăng ít nhất 100.000 tấn ở Angola, Campuchia và Indonesia.

USDA dự báo tồn trữ gạo thế giới cuối vụ 2022/23 giảm 2,2 triệu tấn xuống 169,0 triệu tấn, thấp hơn 8% so với một năm trước và là năm giảm thứ hai liên tiếp. Đó sẽ là mức tồn trữ cuối vụ thấp nhất kể từ niên vụ 2017/18. Ấn Độ sẽ chiếm phần lớn mức điều chỉnh giảm tồn trữ gạo toàn cầu, chủ yếu do gia tăng xuất khẩu. Tồn trữ cuối vụ 2022/23 của Ấn Độ dự đoán là 29,5 triệu tấn, giảm 1,25 triệu tấn so với dự báo tháng 10 và thấp hơn 13% so với ước tính hồi đầu năm. Tồn trữ cuối vụ 2022/23 của Indonesia dự báo giảm 0,5 triệu tấn xuống còn 2,5 triệu tấn, kết quả của việc gia tăng sử dụng gạo sản xuất trong nước và lượng dư cung tăng lên – thấp hơn 12% so với một năm trước và là mức nhỏ nhất kể từ năm 1993/94. Đây là năm thứ 5 liên tiếp tồn trữ của Indonesia giảm, do tiêu thụ vượt mức sản lượng. Tồn trữ cuối vụ của Sri Lanka dự kiến sẽ giảm 66% xuống còn 0,2 triệu tấn, chủ yếu do sản lượng giảm năm thứ 2 liên tiếp. Tồn trữ của Sri Lanka dự báo sẽ thấp nhất kể từ 2007/08.

Về thị trường gạo Việt Nam, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2022 cả nước xuất khẩu 587.813 tấn gạo, thu về 289,86 triệu USD, giá trung bình 493 USD/tấn, giảm 17,6% về lượng và giảm 15% kim ngạch, nhưng giá tăng nhẹ 3,2% so với tháng 10/2022; so với tháng 11/2021 thì tăng 3,9% về lượng, nhưng giảm 2% kim ngạch và giảm 5,8% về giá.

Trong tháng 11, xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines sụt giảm nhẹ 3,8% về lượng và giảm 0,8% kim ngạch so với tháng 10/2022, đạt 258.457 tấn, tương đương 121,93 triệu USD; nhưng tăng 23% về lượng, tăng 14,6% kim ngạch, nhưng giảm 6,9% về giá so với tháng 11/2021. 

Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 11/2022 quay đầu giảm mạnh 61,7% về lượng và giảm 59,2% kim ngạch so với tháng 10/2022, đạt 50.372 tấn, tương đương 25,82 triệu USD; so với tháng 11/2021 cũng giảm 33,6% về lượng, giảm 25,9% kim ngạch. 

Tính chung cả 11 tháng năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 6,67 triệu tấn, tương đương trên 3,23 tỷ USD, tăng 16% về khối lượng, tăng 6,7% về kim ngạch so với 11 tháng năm 2021, giá trung bình đạt 484,9 USD/tấn, giảm 8,1%.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,9% trong tổng lượng và chiếm 42,9% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 3 triệu tấn, tương đương 1,39 tỷ USD, giá trung bình 463 USD/tấn, tăng 30% về lượng, tăng 18% về kim ngạch nhưng giảm 9,3% về giá so với 11 tháng đầu năm 2021. 

Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm trên 12% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 807.947 tấn, tương đương 408,49 triệu USD, giá trung bình 505,6 USD/tấn, giảm 19,2% về lượng và giảm 17,4% kim ngạch; giá tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm 2021. 

Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 655.593 tấn, tương đương 294,28 triệu USD, giá 448,9 USD/tấn, tăng mạnh 83% về lượng và tăng 61,3% kim ngạch nhưng giảm 11,9% về giá so với cùng kỳ, chiếm trên 9% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 4,42 triệu tấn, tương đương trên 2,09 tỷ USD, tăng 17% về lượng, tăng 9,1% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 543.913 tấn, tương đương 263,13 triệu USD, tăng 31,5% về lượng và tăng 19,8% kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường EU đạt 26.668 tấn, tương đương trên 17,84 triệu USD, tăng 17% về lượng, tăng 0,4% kim ngạch.

Trong tháng 11, giá gạo xuất khẩu trung bình ở mức 493 USD/tấn, tăng nhẹ 3,2% so với tháng 10/2022, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu của thị trường vẫn tốt trong khi nguồn cung đang cạn kiệt. Khách mua gạo từ Trung Quốc và Philippines vẫn quan tâm đến gạo Việt Nam ngay cả khi Pakistan chào bán giá gạo rẻ hơn. Sản lượng và chất lượng gạo vụ Đông Xuân tới sẽ tốt hơn so với vụ Hè Thu. 

Sản lượng gạo toàn cầu giảm kỷ lục năm 2023, cơ hội nào cho Việt Nam? - Ảnh 2.

Giá lúa gạo hôm nay 28/12 tại Đồng bằng sông Cửu Long không có biến động so với hôm qua.

Giá lúa gạo hôm nay 28/12 tại Đồng bằng sông Cửu Long không có biến động so với hôm qua. Hiện lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 6.800 – 6.900 đồng/kg; OM 5451 6.700 – 6.800 đồng/kg; Đài thơm 8 6.900 – 7.100 đồng/kg; nàng hoa 9 6.900 – 7.200 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.200 – 6.300 đồng/kg; nàng hoa 9 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; nếp tươi An Giang đang được thương lái thu mua ở mức 7.000 – 7.200 đồng/kg; nếp Long An tươi 7.850 – 8.000 đồng/kg;

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm duy trì ổn định. Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 9.200 – 9.300 đồng/kg; gạo thành phẩm 10.000 – 10.100 đồng/kg. Tương tự, với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm cũng có xu hướng đi ngang. Hiện giá tấm ở mức 9.300 đồng/kg; cám khô ở mức 8.100 – 8.200 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Theo các thương lái hôm nay lượng gạo nguyên liệu về ổn định, nhà máy chào bán gạo OM 18, OM 5451 Thu Đông tăng giá. Thị trường lúa Thu Đông và Đông Xuân giao dịch chậm, giá bình ổn. Trong đó lúa Thu Đông đa phần đã được cọc chờ cắt.

Trên thị trường xuất khẩu giá gạo Việt Nam ổn định sau khi giảm 5 USD/tấn với gạo 5% tấm. Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 453 USD/tấn, gạo 25% tấm duy trì ở mức 438 USD/tấn.

Từ đầu năm đến nay, tình hình chung là xuất khẩu gạo rất thuận lợi. Đối với những doanh nghiệp nào đã giao hàng rồi, có tiền về rồi sẽ được lợi khi giá USD tăng. Riêng đối với những đơn hàng chưa giao thì các khách hàng sẽ e ngại, vì giá USD tăng nên họ sẽ cân nhắc trong việc thu mua lúa gạo ở giai đoạn này hay giai đoạn khác.

Theo nhận định ngành lương thực của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), xuất khẩu gạo đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực trong năm 2023. BSC cho rằng diễn biến thời tiết bất lợi khiến các nhà xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Pakistan giảm sản lượng xuất khẩu, trong khi nhà nhập khẩu lớn như Trung Quốc vẫn tăng cường nhập khẩu gạo trước kỳ vọng mở cửa nền kinh tế. Trong bối cảnh cầu tăng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng sẽ được hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá. Ngoài ra, Việt Nam và Thái Lan dự kiến sẽ tổ chức các cuộc đàm phán để tăng giá gạo xuất khẩu trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao.

Dự báo thị trường gạo cuối năm và đầu năm tới, các doanh nghiệp cho rằng xu hướng vững giá sẽ kéo dài trong thời gian tới. Mức giá cao của gạo Việt Nam sẽ kéo dài đến đầu năm 2023. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) dự báo, với bức tranh xuất khẩu gạo tích cực từ đầu năm đến nay, ước tính cả năm nay sẽ xuất khẩu 7,2-7,3 triệu tấn gạo . Đây là lượng gạo xuất khẩu cao thứ hai trong lịch sử ngành lúa gạo Việt Nam kể từ sau năm 2012. Con số xuất khẩu gạo của năm 2023 cũng sẽ không thấp hơn 7 triệu tấn.

Tuy nhiên, BSC cũng cho rằng năng lực cạnh tranh của gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa cao do chủ yếu cạnh tranh với các đối thủ về giá bán, phần lớn chưa đảm bảo được yêu cầu về quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng để xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Nhật… Điều này khiến mức tăng giá gạo kỳ vọng có thể thấp hơn mức tăng giá xuất khẩu trung bình thế giới. Mặt khác, vấn đề chi phí đầu vào, logistics của Việt Nam cao hơn các đối thủ, trình độ chuyên môn hoá và năng lực sản xuất còn hạn chế, diện tích canh tác manh mún… sẽ tiếp tục tạo áp lực lên biên lợi nhuận của doanh nghiệp ngành gạo.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục