Sắn và những bữa tiệc không mong đợi

Nguyễn Anh Dũng Thứ bảy, ngày 20/06/2020 08:30 AM (GMT+7)
Quê tôi vùng trung du, xóm Minh Khai, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, giáp với Yên Bái. Lương thực hay "đặc sản" đều là sắn. Hôm nay tôi nhớ về sắn, vẫn thấy nóng cổ, tiếng gọi cứu người say sắn…
Bình luận 0

… Ngày ấy, trời hay màu chì, ngày chậm rì rì. Vườn xoan cao vút trơ cành, quả đen quắt, lủng lẳng treo cao. Chim chăm líu lo giọng ngon ngon ngọt ngọt chào mời, khoe khoang bữa chén. Người đi ra đi vào, ước được như chim, chỗ nào có cái ăn được thì bay đến. 

Ý nghĩ thế thôi. Chân cũng đã "mọc cánh"; lưng, mông chổng lên giời, rà khắp đồng gần đồng xa - cải thông, chôn chén, rau sếu… đầy bao mang về dỗ cái dạ dày hư thân mất nết réo gào vô kỷ luật. 

Rau dại không thay được ngũ cốc, gì thì vẫn là độn, thêm vào; cơ thể cái thằng người khôn lắm, không chịu ăn quả lừa. Thì sắn là cứu cánh, có tinh bột, có ngọt, có xơ; dẫu còn khuya mới sánh bát cơm trắng, khói trắng thơm méo mũi thì cũng nong cái dạ dày lên, gọi đúng lúc mấy đứa trẻ đang đói lả, nằm ngủ mê ở cây rơm sau nhà. 

Nhưng cơm trắng là thóc lúa từ tập thể, hợp tác xã về. Chia, phân theo công điểm; ruộng có ngần đấy, công chả tiếc tí giấy mực con số cứ to tướng bay cao. Thế là toàn thể nhân dân già trẻ gái trai đói. Người người áo thùng thình, quần rải rút sắp tụt, xương nhấp nhô đòi ra ngoài, mắt như ma sâu hoăm hoắm, vật vờ trên con đường đầy cỏ dại.

Kể chuyện làng: Sắn và những bữa tiệc không mong đợi - Ảnh 1.

Xóm Minh Khai, xã Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ

Ăn sắn năm một vài lần thì ngon như đặc sản, nhưng thay cơm hàng tháng là cả một cực hình. Đang đói lả, ngồi rũ bậu cửa nghe tiếng mẹ gọi vào ăn cơm, bản năng sáng lóe bỗng tắt phụt khi khói sắn sầm sập xông ra.

"Hôm nay chúng ta ăn bánh!". Tiếng bánh cùng giọng mẹ vui vui, vang vang đầy sức hút.

Mẹ đã nặn sắn thành hình các con vật. Các con lâu lắm không được ăn thịt thì giờ đã được ăn "thịt", mỗi đứa một con - vịt, chim, lợn. Ngon ngon có bốc lên một lúc thì khựng lại, sự thật như cái phao dìm xuống kiểu gì vẫn nổi lên, thao láo mắt ngơ ngác.

Mẹ vẫn im lặng đầu nồi, chưa ăn, hồi hộp quan sát. Nụ cười lên khi thấy các con háo hức, nét mặt chùng lại khi thấy cái cổ gân xanh vươn vươn nuốt nuốt. Rồi sự thể bung ra - Mẹ ơi, con ăn cơm cơ, không ăn thịt này đâu! Đứa út kêu lên mặc đứa cả cau mặt nhìn, khẻ đũa vào tay. Sắn không lừa được trẻ con, trở về đúng cái loại nóng cổ khó nuốt. Mẹ có biết không, con cũng trợn trừng trợn trạc, giấu lủi nửa "con vịt" xuống mâm, mấy đứa em còn dại chẳng biết cách "lịch sự", thẳng tuột ra làm mẹ buồn.

Kể chuyện làng: Sắn và những bữa tiệc không mong đợi - Ảnh 2.

Dộc Bắp, nơi bắt cua xưa

Hết giêng rồi đến hai, tháng ba ngày tám vẫn dài dằng dặc. Có sắn mà ăn đã là may, nhưng cái bụng trẻ con không biết vâng lời, thương mẹ. Mẹ đã làm nồi cơm bốn tầng, tầng 1 toàn sắn cho chó, tầng 2 lồng phồng nhìn tinh mới thấy cơm, phần mẹ, tầng 3 nửa cơm nửa sắn cho hai đứa lớn và tầng đáy nồi cơm không dành đứa út. "Sáng kiến" này hay, yên ả được hơn tháng. 

Nhưng đáy hòm thóc đã kêu koong koong, tôi rỗng rồi… thế là sắn, trăm phần trăm. Khói đục, mùi nồng, trèo trẹo dính dấp cố gắng qua được đầu lưỡi hàm răng, vào đến cổ thì… cháy. Nóng kiểu lửa không có ngọn, nhiệt độ cao do đùn đẩy quyết liệt giữa bên dưới là cái dạ dày chả còn sức mà kêu đói và bên trên là con đường cuống họng vốn sinh ra để êm êm bước chân cơm trơn ngào ngạt… 

Lý trí và bản năng đánh nhau suốt bữa, cả ngày, suốt đêm. Người lớn còn cân bằng được, hoặc buồn buồn im lặng, hoặc thở dài nhìn đồng lúa cứ xanh mướt. Trẻ con miệng vâng dạ, chơi chưa hết một vòng đã eo éo về quẩn quanh bên cái bếp trơ kiềng nguội lạnh. Có lần, tôi đã nghe mẹ nói với mấy bà hàng xóm - "Nhà này người lớn thì chả lo đói, chỉ lo mấy đứa trẻ thôi", có lần tôi đã thấy mẹ khóc thầm với cái nồi cọ rửa mãi không thôi. 

Tôi, trẻ con chưa qua người lớn chưa tới, chỉ biết đứng nhìn mẹ một lúc rồi lại chạy đi. Nhiều lúc thấy mấy đứa em cứ lèo nhèo kêu đói, tôi đã bảo chúng mày hư lắm chẳng thương mẹ gì cả… nhưng nói thì nói thế thôi, thằng trẻ con trong tôi vẫn lừng lững. Có hôm đói quá, tức quá tôi đá cho đứa em ngã sấp. Bị mẹ chửi, tôi đùng đùng rút con dao phay ra vườn chuối, lia lia phập phập. Hơn chục cây gục xuống, lá cứ giơ lên trời không hiểu mình có tội gì.

Năm cùng tháng hạn rồi cũng qua đi. Ăn no rồi ăn ngon, nhà lá vách nứa đã lâu lắm không nghe tiếng bụng sôi cổ nóng. Những dịp con cháu quần tụ, mẹ hay kể chuyện xưa. Trong ánh điện sáng trưng, quạt mát vù vù, mẹ nói cười rổn rảng cùng mấy bà hàng xóm - Nghĩ cái đận đói mà thương chúng nó quá. Bây giờ chúng nó lại thèm chuối thèm sắn, thế mới buồn cười chứ lị…

Tôi lặng nhìn mẹ, nhìn các bà. Ánh điện, cơi trầu, đĩa bánh đang là ngày xưa, ngày nay. Tôi vội vàng, hít một hơi dài, nuốt nhanh xuống đáy mình tháng ngày qua.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem