Năm 2015, Lâm Đồng đã có sự phát triển đáng ghi nhận về khâu chế biến nông sản, khi đã có một số doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia một cách tích cực để không chỉ phát triển vùng nguyên liệu. Tuy vậy, theo nhận định của các chuyên gia, sản phẩm từ ngành chế biến này (chủ yếu là sữa bò) của Lâm Đồng vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với sản phẩm chế biến của các quốc gia khác trong TPP.
Sơ chế rau tại một doanh nghiệp ở Lâm Đồng chuyên cung cấp hàng cho các siêu thị. Ảnh: V.K.D
Với cây rau, năng lực chế biến của các doanh nghiệp (khoảng 24 doanh nghiệp và cơ sở chế biến) của tỉnh khó có thể đáp ứng các tiêu chí của TPP khi ngay như công suất cũng chỉ mới đáp ứng được khoảng 18% sản lượng rau toàn tỉnh, đó là chưa nói đến chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế của rau thành phẩm Đà Lạt, Lâm Đồng.
Với cây hoa, mỗi năm Lâm Đồng sản xuất đến 2.362 triệu cành nhưng cũng chỉ mới đưa ra nước ngoài khoảng 200 triệu cành với công nghệ chế biến chủ yếu là xử lý bảo quản, đóng gói… Riêng cây cà phê, tính đến tháng 3.2015, cả tỉnh “chưa có cơ sở nào chế biến cà phê tinh (cô đặc và hòa tan) ở quy mô công nghiệp”. Lâm Đồng đạt sản lượng cà phê 389.000 tấn mỗi năm nhưng năng lực chế biến của cả tỉnh chỉ mới đáp ứng 30 - 40%.
Còn với cây chè, diện tích 23.500ha và sản lượng 230.000 tấn (năng suất 9,5 tấn/ha) đã đưa Lâm Đồng lên vị trí số một trong cả nước từ nhiều năm qua nhưng công suất chế biến của các cơ sở chỉ đáp ứng được 80% (20% còn lại được chế biến thủ công theo quy mô hộ gia đình) với “cơ sở đầu tư máy móc hiện đại 4,7%, khá đạt 21%, trung bình đạt 15,7% và lạc hậu là 58,6%” lại là một vấn đề càng đáng để quan tâm.
Theo lãnh đạo Sở NNPTNT Lâm Đồng, hiện trạng ngành công nghiệp chế biến nông sản Lâm Đồng không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm khi Việt Nam gia nhập kinh tế quốc tế là vấn đề cần được giải quyết một cách nhanh chóng.
Trước thực tế này, UBND tỉnh Lâm Đồng tháng 3.2015 đã phê duyệt quy hoạch chế biến nông sản của tỉnh với mục tiêu là “Phát triển công nghiệp chế biến nông sản đạt công nghệ hiện đại vào năm 2020, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp và góp phần tích cực vào phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Lâm Đồng”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.