Sản xuất lúa hè thu ở các tỉnh phía Bắc: Ưu tiên giống ngắn ngày để “chạy” lụt

Mạnh Hùng - Thiên Ngân Thứ năm, ngày 21/05/2020 19:00 PM (GMT+7)
Theo Bộ NNPTNT, lúa vụ đông xuân 2019 - 2020 tại các tỉnh Bắc Trung Bộ hiện đã thu hoạch được khoảng 210.000/350.000ha. Tại vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc, lúa đang giai đoạn trỗ vào chắc, một số diện tích cấy sớm đang cho thu hoạch. Còn về vụ hè thu, Bộ NNPTNT chủ trương ưu tiên giống ngắn ngày để "chạy" lụt.
Bình luận 0

Chủ động thu hoạch, "xanh nhà hơn già đồng"

Bộ NNPTNT vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phía Bắc về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020, triển khai vụ hè thu, vụ mùa 2020.

Theo đó, đối với vụ đông xuân 2019 - 2020, bà con cần chủ động thu hoạch lúa theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng" để hạn chế thiệt hại do mưa to, gió lớn. Với diện tích lúa đang làm đòng, trỗ, chín sữa cần giữ nước, đặc biệt là các trà lúa đang trỗ. Thường xuyên kiểm tra ruộng, phát hiện và phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh hại cuối vụ...

Tại một số địa phương, ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ tốt diện tích lúa xuân muộn. 

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Nam Định, đến nay toàn bộ diện tích lúa của tỉnh đã trỗ bông. Tuy nhiên, hiện nay rầy lứa 3 (chủ yếu rầy nâu) đang bắt đầu nở rộ với mật độ rất cao, diện phân bố rộng hơn so với cùng kỳ năm trước; mật độ phổ biến 500 - 700 con/m2, nơi cao 2.000 - 4.000 con/m2, cá biệt có nơi trên 1 vạn con/m2.

Sản xuất lúa hè thu ở các tỉnh phía Bắc:  Ưu tiên giống ngắn ngày để “chạy” lụt - Ảnh 1.

Nông dân xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) được mùa vụ lúa đông xuân 2020. Ảnh: Minh Ngọc

Ông Nguyễn Sinh Tiến - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định cho hay, để bảo vệ tốt dàn lúa xuân cuối vụ, Sở đã đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, phát động nông dân tự kiểm tra đồng ruộng để xác định và khoanh vùng những nơi, những diện tích nhiễm rầy mật độ cao. Chú ý kiểm tra ở những vùng thường xuyên bị nhiễm rầy ở các vụ trước để phun trừ kịp thời, hiệu quả, an toàn môi trường.

Sản xuất lúa hè thu ở các tỉnh phía Bắc:  Ưu tiên giống ngắn ngày để “chạy” lụt - Ảnh 2.

Nông dân xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) được mùa vụ lúa đông xuân 2020. Ảnh: Minh Ngọc

Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch điều tiết nước, tích nước đảm bảo đủ nước cho gieo cấy lúa vụ hè thu, vụ mùa và tiêu úng kịp thời khi có mưa lớn. Xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản trên các diện tích không chủ động nước, trồng lúa kém hiệu quả.

Tổ chức phun trừ rầy tập trung từ ngày 17 - 22/5 cho những diện tích có mật độ rầy ≥ 50 con/khóm (≥ 2.000 con/m2) khi rầy ở tuổi 1 - 3. Sử dụng một trong các loại thuốc nội hấp - không phải rẽ hàng có hoạt chất Nitenpyram (Dyman 500WP, Florid 700WP, Ramsuper 75WP, Startcheck 755WP...); hoạt chất khác (Palano 600WP, Silwet 300WP…). Hạn chế sử dụng thuốc có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl. Nếu lúa chín trên 80% mà có mật độ rầy cao thì bà con nên gặt "chạy rầy".

Ưu tiên giống cực ngắn ngày vụ hè thu

Tại địa bàn Nghệ An, những ngày qua, nhiệt độ không khí có lúc lên đến 38-40 độ C, nắng nóng suốt cả ngày. Đáng lo là lượng mưa những tháng vừa qua không đáng kể, dự báo lượng mưa các tháng 6 - 7 cũng giảm so với cùng kỳ khiến các hồ chứa thủy lợi, hồ thủy điện không tích đủ nước như dung tích thiết kế.

Do đó, ngành nông nghiệp Nghệ An đã cảnh báo đến các địa phương và nông dân, đồng thời khuyến cáo tuyệt đối không tháo nước khô kiệt trước khi thu hoạch lúa xuân (đây là việc làm khá phổ biến bấy lâu nay của bà con nông dân để dễ dàng khi thu hoạch lúa, thậm chí tháo nước khô để đốt rơm rạ ngay tại ruộng sau khi đã thu hoạch xong lúa).

Vụ hè thu tới dự báo sẽ gặp hạn nặng, vì vậy tỉnh này đề nghị các địa phương lưu ý nông dân đắp bờ giữ nước tại ruộng. Như vậy khi gặt xong lúa xuân, ruộng vẫn có đủ nước để cày bừa, gieo cấy lúa hè thu. Những diện tích không đảm bảo có đủ nước tưới suốt cả vụ thì nên chuyển đổi sang gieo trồng các loại cây đậu đỗ, lạc...

Vụ hè thu năm nay được dự báo sẽ là một vụ sản xuất khó khăn do tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra nhiều hơn như hạn hán, mưa lụt. Vì thế, Bộ NNPTNT đã đề nghị các địa phương thực hiện các biện pháp giữ nước sau thu hoạch; tăng cường cơ giới hoá khâu thu hoạch, làm đất; thu hoạch đến đâu làm đất đến đó, kết hợp sử dụng các chế phẩm phân hủy rơm rạ nhanh như Trichoderma, chế phẩm vi sinh đa chủng, đa chức năng... xử lý trước cày đất nhằm hạn chế ngộ độc cho cây lúa. 

Chuẩn bị đầy đủ về số lượng, chất lượng và cơ cấu giống lúa phù hợp cho từng địa phương; lưu ý cơ cấu giống và thời vụ với các vùng có điều kiện đặc thù.

Bên cạnh đó, mở rộng diện tích các giống lúa ngắn ngày có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu được với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất thuận.

Đặc biệt ưu tiên giống lúa có thời gian sinh trưởng cực ngắn cho trà hè thu chạy lụt sớm ở các tỉnh Bắc Trung Bộ để kịp thu hoạch trước ngày 5/9 và trà mùa sớm ở Đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc thu hoạch trước 25/9 để làm cây vụ đông ưa ấm.

Tăng cường công tác dự báo, sát và sớm

Ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) cho biết, tình hình thời tiết và thiên tai năm 2020 sẽ diễn biến theo hướng khô hạn, thiếu nước; mưa nhiều, bão lũ tập trung vào nửa cuối năm, nhất là vùng Trung Bộ. Kinh nghiệm của các chuyên gia, sau mỗi đợt hạn hán kỷ lục thường xảy ra các trận lũ lớn. Do đó, cần tăng cường công tác dự báo thời tiết, sát và sớm hơn...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem