Thời gian qua, tại Lai Châu, nhiều bệnh nhân lao được phát hiện sớm và điều trị khỏi, tỷ lệ hoàn thành điều trị cao... Điều này là nhờ những sáng tạo trong điều trị, tuyên truyền về bệnh lao của Bệnh viện Phổi Lai Châu.
Bác sỹ Phạm Mạnh Hùng – Giám đốc Bệnh viện Phổi Lai Châu, cho biết: "Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới, nằm ở địa đầu Tây Bắc của Tổ Quốc. Đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh cao. Mức độ hiểu biết về bệnh lao của người dân còn hạn chế. Nhiều trường hợp mắc lao còn mang nặng tâm lý e ngại, sợ kỳ thị, nên không dám đến các cơ sở y tế để khám và điều trị".
Ngoài ra, cơ sở vật chất của các trung tâm y tế huyện còn khó khăn, thiếu phòng làm việc, phòng khám lao và phòng xét nghiệm còn lồng ghép. Một số đơn vị không có phòng xét nghiệm phải làm nhờ bệnh viện. Trình độ chuyên môn cán bộ làm công tác chống lao còn hạn chế, đặc biệt là tuyến huyện đa phần là điều dưỡng và y sỹ. Những khó khăn đó trở thành "rào cản" trong công tác phòng chống lao trên địa bàn tỉnh.
"Bệnh lao trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp, Bệnh nhân lao kháng thuốc và bệnh lao đa kháng thuốc có xu hướng gia tăng. Hầu hết bệnh nhân lao thuộc diện hộ nghèo và là người dân tộc thiểu số. Do đó, việc hỗ trợ của người nhà đối với bệnh nhân lao trong quá trình điều trị, không được thường xuyên. Việc theo dõi, quản lý, đánh giá kết quả điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Kinh phí chương trình phòng chống lao và chương trình Hen, COPD bị cắt giảm nhiều, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tuyến cơ sở." – bác sỹ Hùng cho biết thêm.
"Nhắn tin" giúp điều trị bệnh lao hiệu quả
Để công tác phòng chống lao đạt hiệu quả cao, Bệnh viện Phổi Lai Châu đã chủ động xây dựng kế hoạch và tham mưu cho Sở Y tế phân bổ chỉ tiêu hoạt động phòng chống lao cho các huyện, thành phố ngay từ đầu năm. Trên cơ sở đó, đơn vị thường xuyên đôn đốc tuyến huyện triển khai thực hiện chỉ tiêu kế hoạch giao và tăng cường quản lý điều trị tại cộng đồng.
Bệnh viện Phổi Lai Châu và trung tâm Y tế các huyện, thành phố chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nguyên nhân, tác hại của bệnh lao cũng như các biện pháp phòng, chống lao. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức thức và ý thức phòng, chống căn bệnh nguy hiểm này trong cộng đồng. Công tác khám phát hiện bệnh nhân lao cũng được Bệnh viện Phổi Lai Châu viện và các trung tâm y tế các huyện, thành phố đẩy mạnh.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng năm 2020, các cơ sở Y tế của tỉnh Lai Châu đã tổ chức khám cho hơn 1600 bệnh nhân nghi lao. Bệnh viện Phổi Lai Châu và trung tâm y tế các huyện, thành phố đã tiến hành lấy hơn 3200 lam đờm để xét nghiệm. Qua đó, toàn tỉnh đã phát hiện 49 bệnh nhân lao mới, trong đó có tới 39 bệnh nhân lao phổi (AFB (+)). Số bệnh nhân lao mới này đã được các cơ sở y tế trong tỉnh lập danh sách quản lý và điều trị.
Thời gian qua, Bệnh viện Phổi Lai Châu vẫn tiếp tục triển khai gói kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử GeneXpert từ bệnh viện Phổi TW để phát hiện bệnh nhân lao, lao kháng thuốc, lao trẻ em. Đồng thời, bệnh viện cũng tăng cường khám phát hiện, điều trị, quản lý bệnh nhân lao kháng thuốc trên địa bàn toàn tỉnh.
"Bệnh lao thường phải điều trị dài ngày và đúng cách. Do vậy mà nhiều người bệnh đã tự ý bỏ điều trị giữa chừng hoặc điều trị không đúng phác đồ về thời gian, liều lượng dẫn đến bệnh ngày càng trầm trọng. Đây còn là nguyên nhân chính làm xuất hiện các vi khuẩn lao đa kháng thuốc" – Bác sỹ Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo Bác sỹ Hùng, Bệnh viện Phổi Lai Châu đã triển khai thành công dịch vụ gửi tin nhắn SMS miễn phí. Nội dung tin nhắn thông báo thời gian uống thuốc, lấy thuốc, phòng chống lao tại cộng đồng cho bệnh nhân lao. Dịch vụ này đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều trị bệnh nhân lao trên địa bàn tỉnh. Bệnh viện thực hiện quản lý bệnh nhân lao tại các tuyến thông qua hệ thống phần mền VITIMES.
Vài năm gần đây, công tác phòng chống lao ở tỉnh Lai Châu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2019, bệnh nhân lao phổi AFB(+) mới giảm 6 bệnh nhân so với năm 2019; bệnh nhân lao các thể khác giảm 8 bệnh nhân; Bệnh nhân lao được điều trị khỏi đạt tỷ lệ hơn 91%, cao hơn chương trình phòng chống lao Quốc gia đề ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.