|
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) chất vấn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh. |
Khó kiểm tra hết việc công khai giá bán
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nêu: Pháp lệnh Giá quy định các doanh nghiệp phải niêm yết giá bán hàng hóa nhưng người tiêu dùng, nhất là nông dân luôn bị một số doanh nghiệp làm giá. Ông lấy ví dụ trong 17 doanh nghiệp được Bộ Tài chính kiểm tra có 12 doanh nghiệp buộc phải đăng ký giá bán, nhưng có 11 doanh nghiệp không đăng ký. Các doanh nghiệp này chỉ bị phạt 80,5 triệu đồng.
"Có quá nhẹ không khi lãi của các doanh nghiệp là hàng trăm tỷ đồng trên mồ hôi, công sức của người tiêu dùng, nhất là nông dân?"-đại biểu Danh Út đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh thừa nhận có hiện tượng hàng hoá bán trên thị trường không được niêm yết giá nhưng về trách nhiệm thì ông cho rằng không chỉ của Bộ Tài chính vì Pháp lệnh Giá có quy định trách nhiệm của UBND các địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá; việc phối hợp giữa các bộ đi kiểm tra cũng chỉ rà soát tại một số điểm nóng. Ông Ninh còn cho rằng, việc không niêm yết giá diễn ra phổ biến là do mức phạt vi phạm còn quá nhẹ.
Giá thuốc cũng là vấn đề được đưa ra chất vấn. "Giá thuốc gian lận ngay từ khâu nhập khẩu, từ đối tác bên ngoài đã làm giá với nhau rồi, chúng tôi cũng đang phối hợp và đưa ra những giải pháp để làm sao kiểm soát giá thuốc này" - ông Ninh thừa nhận. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu có mặt tại hội trường cũng không phủ nhận hiện tượng này.
Ông Triệu cho rằng trong thời gian vừa qua có loại thuốc tăng, loại thuốc giảm; trong đó "vấn đề cử tri và nhân dân bức xúc là giá một số thuốc đặc trị, biệt dược, chuyên khoa sâu, thuốc quý hiếm đã tăng 200% đến 300%, tức tăng 2-3 lần là có thật" - ông Triệu nói.
Về giá xăng, Bộ trưởng Tài chính trần tình: "Chúng tôi luôn đứng về lợi ích của người tiêu dùng, chứ không bao che hay chỉ đứng về phía doanh nghiệp". Trong 2 tháng đầu năm, giá xăng trong nước tăng hai lần liên tiếp, sau đó dừng lại và đến tháng 5 và 6 bắt đầu điều chỉnh giảm mỗi lần 500 đồng/lít.
SCIC: Lương và thu nhập chưa rạch ròi
ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nói thẳng là Bộ trưởng Tài chính đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Quản lý vốn Nhà nước SCIC. Ông Thuyết muốn biết, trên thế giới có mô hình nào tương tự như vậy không? Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh xác nhận đang kiêm chức vụ Chủ tịch HĐQT SCIC. Ông dẫn chứng tập đoàn Temasek của Singapore cũng có tổ chức tương tự, thậm chí Thủ tướng là Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn này.
Trong khi điều hành phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú trọng đã liên tục phải nhắc nhở bộ trưởng nói ngắn gọn, tập trung vào vấn đề. 21 đại biểu đăng ký phát biểu nhưng cuối cùng chỉ có 14 người có cơ hội nêu câu hỏi.
Về mức thu nhập, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh phân trần: Dư luận bức xúc về vấn đề ở SCIC là do chưa rạch ròi giữa lương và thu nhập. Theo ông Ninh, lương cho lãnh đạo SCIC nằm trong quỹ lương do Bộ LĐ-TB&XH duyệt.
Trong số các khoản thu nhập của lãnh đạo SCIC, ông Ninh nhận sai phạm ở việc làm thêm giờ quá nhiều so với quy định (200 giờ/năm). Chưa hài lòng với câu trả lời, ông Thuyết tiếp tục chất vấn rằng: "Có những tập đoàn kinh doanh lỗ hàng nghìn tỷ đồng nhưng vẫn sẵn sàng trả lương cho tổng giám đốc đi thuê tới 3-5 tỷ đồng/năm, người ta có cười cho không?"
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, một số lĩnh vực kinh doanh của SCIC đã có hiệu quả như đầu tư điện đã tăng gấp đôi số vốn. Ông Ninh cũng phân trần, SCIC chỉ là người giữ hộ vốn nhà nước, hay gọi là "thủ quỹ", không được tiêu xu nào. Phần vốn chưa sử dụng thì cũng phải gửi ngân hàng, lãi phát sinh cũng cộng vào vốn gốc, không được… đụng chạm gì.
Sỹ Lực
Vui lòng nhập nội dung bình luận.