Sáp nhập chi cục Thuế: Hé lộ chuyện sắp xếp chức danh trưởng, phó chi cục

Hoàng Thắng Thứ sáu, ngày 29/06/2018 17:01 PM (GMT+7)
Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế giữ nguyên số lượng cấp phó trong thời gian đầu theo số lượng của các đơn vị sáp nhập, các Phó Chi cục trưởng sẽ được giữ nguyên chức vụ ở Chi cục Thuế mới. Đồng thời, ưu tiên lựa chọn nhân sự tại chỗ đối với chức danh Chi cục trưởng là các đồng chí Chi cục trưởng các Chi cục Thuế thuộc thành phần sáp nhập.
Bình luận 0

img

Trụ sở Tổng cục Thuế (Ảnh minh họa)

Mới đây, Tổng cục Thuế đã ra gửi văn bản tới Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về nguyên tắc bố trí, tiêu chí lựa chọn nhân sự và quy trình sắp xếp nhân sự khi thành lập Chi cục Thuế khu vực.

Loạt sếp phó chi cục xếp hàng chờ tăng cường

Theo Tổng cục Thuế, nguyên tăng lựa chọn bố trí nhân sự phải đảm bảo công khai, minh bạch. Cùng với đó, việc sắp xếp, lựa chọn nhân sự tại Chi cục Thuế khu vực phải căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và năng lực, phẩm chất của công chức, khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở vị trí công tác mới.

Đối với vị trí cấp phó tại Chi cục Thuế khu vực, các Phó Chi cục trưởng sẽ được giữ nguyên chức vụ ở Chi cục Thuế mới. Nguyên tắc là số lượng cấp phó trong thời gian đầu được giữ nguyên theo số lượng của các đơn vị sáp nhập, có thể nhiều hơn số lượng cấp phó theo quy định.

Trước mắt, ổn định về số lượng cấp phó trước đó của các Chi cục, các Đội khi tiến hành sáp nhập và các công chức lãnh đạo cấp trưởng trước đây nay được bố trí làm cấp phó của Chi cục Thuế khu vực (Phó Chi cục trưởng, Phó Đội trưởng).

Trường hợp số lượng cấp phó tại Chi cục Thuế khu vực từ trên 4 người trở lên, thì có thể xây dựng phương án để bố trí tăng cường cho các đơn vị khác (kể cả các đơn vị đang có 03 cấp phó nhưng sắp có lãnh đạo đến thời điểm nghỉ hưu hoặc thực sự cần bổ sung thêm lãnh đạo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ). Đồng thời, phải xây dựng lộ trình giảm số lượng cấp phó tại đơn vị về đúng quy định.

Ưu tiên kết hợp bố trí nhân sự với điều động, luân phiên lãnh đạo chi cục

Tổng cục Thuế đề nghị các Cục Thuế xem xét, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để có chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp công chức tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo quy định nhằm khuyến khích công chức và người lao động tự nguyện nghỉ và đảm bảo quyền lợi cho những đối tượng này theo quy định.

Khi xây dựng phương án bố trí nhân sự cho chi cục thuế khu vực thì ưu tiên lựa chọn nhân sự đang công tác tại các đơn vị trong thành phần sáp nhập. Đối với chức danh chi cục trưởng là các đồng chí chi cục trưởng các chi cục thuế thuộc thành phần sáp nhập; đối với chức danh Đội trưởng là các Đội trưởng có cùng chức năng, nhiệm vụ của các chi cục thuế thuộc thành phần sáp nhập.

img

Việc sắp xếp, lựa chọn nhân sự tại Chi cục Thuế khu vực phải căn cứ vào điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và năng lực, phẩm chất của công chức (Ảnh minh họa)

Việc xem xét lựa chọn phương án bố trí nhân sự có thể kết hợp với công tác điều động, luân phiên để bố trí nhân sự cho phù hợp, nhất là đối với chức danh lãnh đạo chi cục.

Đặc biệt, Tổng cục Thuế lưu ý cân nhắc ưu tiên đối với công chức được đào tạo chính quy, trong nguồn quy hoạch chức vụ cao hơn, đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Tiêu chí lựa chọn chi cục trưởng mới

Về tiêu chí lựa chọn nhân sự đối với chức vụ chi cục trưởng chi cục thuế, Tổng cục Thuế quy định, chi cục trưởng phải đáp ứng đầy đủ điều kiện tiêu chuẩn chung của chức danh lãnh đạo thuộc Tổng cục Thuế; có thời gian giữ chức vụ hiện tại dưới 8 năm và còn thời gian công tác đến khi nghỉ hưu từ đủ 12 tháng trở lên; có kết quả đánh giá, phân loại công chức 3 năm gần nhất đạt từ mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Ngoài ra, tiêu chí phụ sẽ là đang được quy hoạch chức vụ cao hơn; còn thời gian công tác từ đủ 36 tháng trở lên; có thời gian giữ chức vụ hiện tại và tương đương lâu hơn; có thời gian làm việc trong ngành thuế lâu hơn.

Đối với Chi cục trưởng chưa được xem xét bổ nhiệm Chi cục trưởng khu vực sẽ được sắp xếp theo một trong 3 phương án, đầu tiên là bàn bạc với địa phương để bố trí nhân sự sang công tác tại Phòng, Ban chức năng của địa phương.

Thứ hai, bố trí chức vụ tương đương ở các đơn vị khác thuộc Cục Thuế. Cuối cùng, bố trí làm cấp Phó tại Chi cục Thuế khu vực hoặc tại các đơn vị khác thuộc Cục Thuế. Trường hợp thực hiện theo phương án này thì công chức được bảo lưu phụ cấp chức vụ theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20.11.2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; và được ưu tiên xem xét bổ nhiệm cấp trưởng khi đơn vị có nhu cầu nếu đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định.

Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 520/QĐ-BTC về việc phê duyệt kế hoạch sắp xếp, sáp nhập Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành Chi cục Thuế khu vực thuộc Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về lộ trình triển khai, từ nay đến cuối năm 2020, ngành thuế phải đảm bảo mục tiêu giảm tối thiểu 50% tổng số các Chi cục thuế hiện có trong toàn ngành (giảm khoảng 290 Chi cục Thuế). Cụ thể, năm 2018, thực hiện sắp xếp lại 327 chi cục thuế quận, huyện, thị xã thuộc 63 cục thuế thành 154 chi cục thuế khu vực (giảm 173 chi cục). Năm 2019, thực hiện sắp xếp lại 53 chi cục thuế quận, huyện, thị xã của 63 cục thuế thành 25 chi cục thuế khu vực (giảm 28 chi cục). Năm 2020, thực hiện sắp xếp lại 168 chi cục thuế quận, huyện, thị xã của 63 cục thuế thành 78 chi cục thuế khu vực (giảm 90 chi cục).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem