Sau "60 phút Mở": Người trẻ Việt chỉ giỏi bắt bẻ, ném đá?

Thứ tư, ngày 08/06/2016 11:24 AM (GMT+7)
Chương trình "60 phút Mở" với chủ đề như "Chia sẻ trên mạng xã hội để làm gì?", "Làm từ thiện vì ai?" khiến chúng ta nhận ra một số người Việt trẻ chưa có văn hóa tranh luận.
Bình luận 0

Mới đây, talk show 60 phút Mở với người dẫn là nhà báo Tạ Bích Loan khiến cộng đồng mạng "dậy són" bởi chủ đề "Người ta làm từ thiện vì ai?".

Trong chương trình, MC Tạ Bích Loan và khách mời là nhóm tình nguyện Xây trường vùng cao, ca sĩ Thái Thùy Linh, tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã tranh luận sôi nổi xoay quay mục đích của việc làm từ thiện. 

Nhóm từ thiện đưa ra mục đích của việc làm từ thiện, nhưng tiến sĩ Đặng Hoàng Giang phân tích, mang quần áo dưới xuôi tặng cho người nghèo sẽ khiến bản sắc dân tộc vùng cao mai một.

img

Nhà báo Tạ Bích Loan. Ảnh chụp màn hình.

Ông Đặng Hoàng Giang cho rằng, con số 3.600 phần quà dành cho 3.600 em nhỏ của nhóm Xây trường Vùng cao "chứng tỏ bản thân hơn là làm với mục đích từ thiện".

Tuần trước, chủ để 60 phút Mở xoay quanh việc MC Phan Anh chia sẻ clip cá chết ở Vũng Áng gây tranh cãi trên mạng xã hội, với sự tham gia của nhà báo Hồng Thanh Quang, nhiếp ảnh gia Na Sơn, nhà báo Hoàng Minh Trí và chuyên gia tâm lý hành vi Phạm Mạnh Hà.

Phan Anh cho biết, những điều anh viết trên Facebook không thể luôn chính xác, nhưng đó là quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, MC Tạ Bích Loan và các khách mời đánh giá việc chia sẻ một clip không có tính xác thực sẽ gây hậu quả nghiêm trọng trong dư luận.

Khi tranh luận trở thành tranh đấu

Chương trình 60 phút Mở lập tức trở thành đề tài của dân mạng. Bên cạnh những ý kiến chia sẻ cảm nghĩ, quan điểm cá nhân, rất nhiều bình luận tập trung "ném đá", thậm chí quá lời với khách mời có ý kiến trái chiều.

Ca sĩ Thái Thùy Linh cảm thấy khá bất ngờ khi đọc được nhiều chia sẻ “ác nghiệt” về chương trình mà chị tham gia tranh luận. 

"Họ sẵn sàng ném đá bắt cứ ai và biến một người nào đó trở thành tâm điểm của dư luận. Cư dân mạng thật đáng sợ với những chỉ trích, thóa mạ gay gắt, không cần quan tâm đến cảm nhận của người trong cuộc", nữ ca sĩ nói.

Với chủ đề "Chia sẻ trên mạng để làm gì", MC Phan Anh, đối tượng được dân mạng bảo vệ, thẳng thắn nhìn nhận, những người tham gia chương trình đã đưa được quan điểm cá nhân và tranh luận rất thoải mái, không có chuyện anh bị thù ghét.

Nhưng dù vậy, các khách mời cũng không tránh được việc bị nói không hay, chế ảnh... Nhiều bình luận còn cho rằng, nhóm Xây trường vùng cao và MC Phan Anh nên "bật lại" những người không cùng ý kiến với mình.

Thành viên Trần Thu Hà cho rằng:"Mục đích của chương trình là đối thoại, tất nhiên phải có những ý kiến trái chiều. Cùng sự việc, hai người đứng cạnh nhau, cùng chứng kiến mà còn mỗi người một góc nhìn, một quan điểm, nên với một khái niệm, việc suy nghĩ không đồng nhất là bình thường. Không thể vì người ta không cùng ý kiến với tôi, tôi mạt sát cho bõ ghét được".

Vì sao đối thoại dễ gay gắt?

Cũng bàn về việc đối thoại của người trẻ, trang cá nhân của Nhà thiết kế Chương Đăng cho rằng: Người Việt không giỏi tranh luận.

Theo anh, nhiều người thiếu tính kiên nhẫn, thể hiện rõ nhất trong những talk show 60 phút Mở gần đây. 

"Một người chưa trình bày hết ý thì một người khác sẵn sàng lao vào, chụp một câu trong cả đoạn để lội ngược dòng, sa đà vào việc bắt bẻ", anh nói.

Anh nêu ý kiến, bắt bẻ là cách nhanh nhất để tấn công điểm yếu đối thủ và cũng là hạ sách vì nó triệt hết những đường mở để dẫn đến phần đối thoại hay ho, thú vị hơn nhiều.

Anh nhận định, tranh luận phải nằm ngoài những vấn đề cá nhân.

"Với việc cá nhân, chúng ta đơn giản cần thích hoặc ghét để phán quyết. Nhưng một vấn đề đem ra tranh luận phải đảm bảo sự công tâm. Tôi có thể lên án hành động nào đó của anh theo góc nhìn của tôi, nhưng điều ấy không có nghĩa anh là đồ bỏ, ngành nghề của anh bị lăng mạ”, anh nhận định.

Ngoài ra, sĩ diện, thiếu khôi hài, và tự tôn, tự ái gia đình là những yếu tố biến tranh luận thành cuộc chiến nảy lửa.

Cuối cùng, Chương Đặng viết: Có rất nhiều vấn đề xã hội gần đây bị thất bại nặng nề vì một trong những lý do then chốt - Chúng ta chưa biết tranh luận văn minh.

Để có một cuộc tranh luận công bằng

Trần Mai Trang (thạc sĩ tâm lý cộng đồng, ĐH La Trobe, Pháp) nhận định, người trẻ dễ bị sa vào chất vấn hơn tranh luận. Những tranh luận trong cộng đồng trở thành cuộc chửi lộn, người tham gia gân cổ cãi qua lại một cách hỗn độn, chẳng để ý đến logic hay các nguyên tắc của tranh luận.

Theo Mai Trang, lợi dụng cảm tính và đám đông, dựa vào quần chúng, dựa vào bạo lực là cách nhiều người trẻ chọn để tranh cãi, thay vì tìm cách chứng minh cách nhìn nhận của mình đúng.

Cô cho rằng, tranh luận không đơn giản. Để có cuộc tranh luận đích thực, người ta phải nắm được những nguyên tắc cơ bản văn hóa tranh luận lành mạnh.

Đầu tiên, tranh luận là để tìm ra chân lý và sự thật, vì vậy phải tìm ra những luận điểm thuyết phục và giải đáp thắc mắc.

Thứ hai, tranh luận để đảm bảo tính chính danh, xác định rõ đối tượng tham gia tranh luận. Phải tranh luận chính xác vào chủ đề, không lan man sang các vấn đề khác.

Thứ ba, văn hóa tranh luận đòi hỏi các bên cần phải tôn trọng lẫn nhau, không được mạt sát, công kích đối phương bằng việc quy chụp, đánh giá cá nhân bằng cảm tính, không có dẫn chứng, căn cứ.

Cuối cùng, văn hóa tranh luận đòi hỏi sự công bằng và khách quan trong kết luận.

Vị thạc sĩ tâm lý nhận định, trong nhiều cuộc tranh luận, người ta nhắm vào mục tiêu là bản thân, cá nhân của người tranh luận chứ không nhắm vào quan điểm và lý lẽ của người đó.

Thay vì tranh luận thẳng vào vấn đề, người ta tìm cách gắn cho đối phương một nhãn hiệu, và từ đó làm lu mờ đi quan điểm của họ.

Hoài Thư (Zing News)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem