Sau Bao bì Biên Hoà, "Đại gia" Thái Lan tiếp tục thâu tóm nhựa Duy Tân

18/02/2021 07:12 GMT+7
Sau thương vụ trên, 30% cổ phần còn lại của Nhựa Duy Tân do các cổ đông hiện hữu nắm giữ. Ban lãnh đạo Nhựa Duy Tân sẽ tiếp tục hỗ trợ và điều hành công ty cùng với SCGP.

Trong văn bản gửi tới Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) ngày 9/2, SCG Packaging (SCGP) thông báo việc ký thỏa thuận mua 70% cổ phần của Công ty Sản xuất Nhựa Duy Tân. Giao dịch được thực hiện thông qua công ty con của SCGP và các chi tiết cụ thể sẽ được công bố giữa năm 2021.

Sau thương vụ trên, 30% cổ phần còn lại của Nhựa Duy Tân do các cổ đông hiện hữu nắm giữ. Ban lãnh đạo Nhựa Duy Tân sẽ tiếp tục hỗ trợ và điều hành công ty cùng với SCGP.

Trao đổi với báo chí, Phó tổng giám đốc Nhựa Duy Tân Lê Anh cho biết việc SCGP đầu tư 70% vốn sẽ giúp Nhựa Duy Tân mở rộng thị trường xuất khẩu, đầu tư vào các phân khúc cao cấp hơn. Lãnh đạo Nhựa Duy Tân nhấn mạnh đây không phải là thương vụ "mua đứt bán đoạn" và việc hợp tác lần này nằm trong định hướng chiến lược đã được công ty lên kế hoạch từ lâu. 

Giá trị cụ thể của thương vụ này chưa được hai bên tiết lộ. Trước khi thỏa thuận hợp tác được công bố đầu tháng 2, Nhựa Duy Tân đã tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ lên 1.700 tỷ đồng vào tháng 11/2020.

Sau Bao bì Biên Hoà, "Đại gia" Thái Lan tiếp tục thâu tóm  nhựa Duy Tân - Ảnh 1.

"Đại gia" Thái Lan tiếp tục thâu tóm nhựa Duy Tân

Nói về động thái bán phần lớn cổ phần tại mảng nhựa, ông Lê Anh, Phó Tổng Giám Đốc, cho biết đây là một trong những định hướng chiến lược đã lên kế hoạch từ lâu. Công ty ngoài ra định hướng 10 năm tới sẽ tập trung phát triển mảng nhựa kỹ thuật cao và nhà máy tái chế công suất 100 tấn/năm. Vì thế, việc hợp tác  lần này sẽ giúp Duy Tân có đủ nguồn lực để thực hiện chiến lược của mình trong tương lai. 

Được biết, Duy Tân sớm thành lập từ năm 1987, là một trong những doanh nghiệp đứng đầu thị trường Việt Nam về các sản phẩm bao bì nhựa cứng, với khách hàng chính là các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp FMCG nội địa. 80% sản phẩm của Duy Tân được bán tại Việt Nam, 20% xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác.

Năm 2020, Nhựa Duy Tân đạt doanh thu 4.700 tỷ đồng (tương đương 6,1 tỷ baht), với tổng tài sản đến cuối năm đạt 5.000 tỷ đồng (6,5 tỷ baht). Công suất hàng năm của doanh nghiệp này là 116.000 tấn bao bì nhựa cứng và các sản phẩm nhựa gia dụng.

Trong khi đó, Tập đoàn SCG bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1992. Hiện SCG có hơn 20 công ty con tại Việt Nam hoạt động trên 3 lĩnh vực gồm hóa dầu, bao bì và xi măng - vật liệu xây dựng. SCG trước đó đã thực hiện nhiều thương vụ mua lại các doanh nghiệp Việt như Bao bì Tín Thành, Nhựa Bình Minh, Prime Group.

Trước đó, SCG chi 2.070 tỷ đồng, tương đương 89 triệu USD, để sở hữu 94% vốn Công ty Cổ phần Bao bì Biên Hòa. Đây là doanh nghiệp sản xuất bao bì lâu đời, được thành lập năm 1968. Năm 2020, SOVI đạt doanh thu thuần  1.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 146 tỷ đồng.

Dự án lớn nhất hiện tại của SCG tại Việt Nam là Tổ hợp Hóa dầu miền Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD. Tập đoàn Thái Lan sở hữu 100% vốn tại dự án này.


Q.D
Cùng chuyên mục