Sâu đục thân mình trắng tàn phá vườn cà phê

Văn Thọ Thứ sáu, ngày 17/07/2015 08:14 AM (GMT+7)
Theo số liệu thống kê sơ bộ Trung tâm Nông nghiệp TP.Đà Lạt, hiện nay tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) có hơn 1.100ha cà phê chè catimor bị sâu đục thân tấn công gây hại.
Bình luận 0

img

Sâu đục thân mình trắng đang phá nát các vườn cà phê ở Đà Lạt.   Ảnh:  Văn Thọ

Trong đó, các xã bị thiệt hại nặng nhất là Xuân Trường 509ha, Xuân Thọ 560ha, Trạm Hành 292ha… Qua kiểm tra, diện tích bị nhiễm chủ yếu là sâu đục thân mình trắng đang trong giai đoạn vũ hóa thành sâu trưởng thành.

Ông Lê Thìn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường cho biết: “Sâu đục thân mình trắng gây hại rất nặng nề trên cây cà phê của xã, hiện nay đã có trên 500ha cà phê bị nhiễm sâu đục thân, tỷ lệ gây hại từ 40 – 80%, có những vườn bị gây hại trên 90% ở thôn Xuân Sơn và Cầu Đất”.

Tại các điểm gây hại nặng ở thôn Xuân Sơn, Cầu Đất, cán bộ Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt, cùng với cán bộ Hội Nông dân, Khuyến nông viên của xã đã hướng dẫn bà con cắt bỏ phần bị hại để tiêu diệt bằng cách đốt hoặc chẻ thân cây ra, thu sâu non mới trưởng thành để tiêu diệt, đồng thời phải bón phân cân đối, đầy đủ để cây phát triển tốt, tăng sức đề kháng.

Các loại thuốc hoặc hoạt chất để phòng trừ như Diazinon: Diazol 10GR, Diazan 50EC rải đều xung quanh gốc, liều lượng 20 – 30kg/ha, Chlorpyrifos Ethyl + Crypermethrin: Tungcydan 55EC liều lượng 1,5 lít/ha, Chlorpyrifos Ethyl + Alpha-Cypermethrin: Supertac 500EC liều lượng sử dụng 2,5 lít/ha, lượng nước phun 800 lít/ha và phun ướt đều toàn bộ cây, đặc biệt phun kỹ thân cây và phun vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Trong thời gian tới, Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt sẽ tiến hành tổ chức các lớp tập huấn đến từng thôn bị hại nặng trên địa bàn các xã Xuân Trường, Xuân Thọ, Trạm Hành để hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu đục thân gây hại kịp thời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem