Sau hàng thập kỷ vay nợ để thúc đẩy tăng trưởng, đã đến lúc Trung Quốc ''thắt lưng buộc bụng" - Ảnh 1.

Từ lâu, Trung Quốc đã dựa vào các gói đầu tư cơ sở hạ tầng để kích thích tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là mạng lưới đường sắt cao tốc phát triển nhất hành tinh. Hồi đầu năm nay, các nhà hoạch định chính sách thậm chí tuyên bố mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc có thể tăng gấp đôi quy mô từ nay đến năm 2035. Nhưng có một thực trạng: các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tốn kém này đang kéo theo gánh nặng nợ quá lớn cho nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh.

Tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc, chính quyền địa phương vẫn đang đổ tiền cho các dự án xây dựng đắt đỏ. Chẳng hạn, giai đoạn 2 của mạng lưới giao thông công cộng tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông đang được tiến hành với chi phí lên tới 77,21 tỷ nhân dân tệ (12 tỷ USD). Những dự án như vậy đang làm tăng nguy cơ vỡ nợ cho các chính quyền địa phương, trong bối cảnh nguồn thu vốn đã sụt giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Sau hàng thập kỷ vay nợ để thúc đẩy tăng trưởng, đã đến lúc Trung Quốc ''thắt lưng buộc bụng" - Ảnh 2.

Trong hàng thập kỷ, các dự án cơ sở hạ tầng đã đóng vai trò như động lực quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)

Bắc Kinh nhận thức rõ một điều: mức nợ cao đang gây rủi ro đáng kể cho hệ thống tài chính Trung Quốc. Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), do tác động của đại dịch, tỷ lệ nợ của Trung Quốc tính theo phần trăm GDP đã tăng từ mức 255% GDP vào năm 2019 lên gần 280% GDP vào năm 2020. Nỗ lực giảm nợ chắc chắn sẽ gây áp lực với đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh trong những năm tiếp theo, nhưng Bắc Kinh khó có lựa chọn nào khác.

Sau hàng thập kỷ vay nợ để thúc đẩy tăng trưởng, đã đến lúc Trung Quốc ''thắt lưng buộc bụng" - Ảnh 3.

Nợ Trung Quốc tăng lên gần 280% GDP vào năm 2020

Nợ của nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng nhanh sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khi chính phủ Trung Quốc chi 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (564 tỷ USD) để xoa dịu tác động từ tình hình suy thoái kinh tế. Các khoản nợ ẩn - tức khoản vay ngoài ngân sách - của chính quyền địa phương để tài trợ cho các gói chi tiêu và đầu tư cơ sở hạ tầng trong nỗ lực kích thích nền kinh tế cũng góp phần thêm vài gánh nặng nợ khổng lồ. Do quy mô các khoản nợ ẩn này khó thống kê, nên cho đến nay việc tính toán tổng nợ của Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ông Wang Zhaoxing, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc hồi tháng trước cảnh báo: “Các khoản vay thông qua phát hành trái phiếu và nợ ẩn của chính quyền địa phương vẫn là mối đe dọa tiềm tàng với hệ thống tài chính của chúng ta”. 

Sau hàng thập kỷ vay nợ để thúc đẩy tăng trưởng, đã đến lúc Trung Quốc ''thắt lưng buộc bụng" - Ảnh 4.

Hồi năm 2017, Bắc Kinh từng áp đặt trần nợ ở mức 250% GDP quốc gia, đồng thời tìm cách giảm nợ trong nền kinh tế. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đại dịch đã phá vỡ kế hoạch giảm nợ khi buộc chính phủ tung ra các gói kích thích tài khóa và tiền tệ để xoa dịu thiệt hại kinh tế quá lớn. Ước tính các gói kích thích tài khóa trị giá 3,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (557 tỷ USD) đã được tung ra thị trường, qua đó đưa tỷ lệ nợ trên GDP quốc gia vượt quá con số 250%.

Giờ đây, khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch, chính phủ trung ương lại quay trở lại các biện pháp kiềm chế nợ để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính. Ông Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh kỳ vọng đà tăng nợ Trung Quốc trong năm nay sẽ giảm xuống mức thấp trong thập kỷ qua khi chính phủ tìm cách kiềm chế các dự án đầu tư lãng phí vào cơ sở hạ tầng và tài sản.

Vào tháng 3, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố một nghiên cứu về sự phát triển của hệ thống đường sắt quốc gia nhằm cảnh báo các chính quyền địa phương ngừng cấp phép hàng loạt những dự án không thực sự hiệu quả. Văn kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở hạ tầng đường sắt tốc độ cao một cách cân bằng, theo đó cấm xây dựng các dự án mới có tỷ lệ sử dụng dự kiến dưới 80%. Tài liệu cũng đưa ra các điều kiện xây dựng các tuyến đường sắt đắt đỏ với tốc độ di chuyển tàu cao tốc lên đến 350km/h.

Vào tháng 3, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã cảnh báo các chính quyền địa phương ngừng cấp phép hàng loạt những dự án không thực sự hiệu quả (Ảnh: Bloomberg)

Hồi tháng 4 và tháng 5 năm nay, Bắc Kinh đã đình chỉ dự án đường sắt cao tốc dài 270km nối Tế Nam - thủ phủ tỉnh Sơn Đông với thành phố Tảo Trang ở phía nam. Tháng này, Bắc Kinh tiếp tục chỉ đạo ngừng dự án đường sắt Guanzhong Chengji, bao gồm 13 tuyến đường sắt ở Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây.

Đến tháng 6, thành phố Hành Dương thuộc tỉnh Hồ Nam tiếp tục trì hoãn đơn đăng ký dự án tuyến đường sắt ngầm trong bối cảnh chính quyền trung ương “kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị” để “giải quyết tình trạng nợ ẩn của chính quyền địa phương”.

Nicholas Borst, phó chủ tịch kiêm giám đốc nghiên cứu khu vực Trung Quốc tại Seafarer Capital Partners nhận định: “Chính phủ Trung Quốc hiện đang gây áp lực buộc các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nợ nần chồng chất phải làm sạch bảng cân đối kế toán và giảm nợ”.

Một nghiên cứu được Macquarie Group công bố vào tháng trước cũng cho thấy lập trường tài khóa thắt chặt của Bắc Kinh khi chỉ ra rằng mức tăng trưởng đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc trong nửa đầu năm 2021 đã chậm lại đáng kể so với cùng kỳ năm 2019.

Sau hàng thập kỷ vay nợ để thúc đẩy tăng trưởng, đã đến lúc Trung Quốc ''thắt lưng buộc bụng" - Ảnh 6.

Chủ trương tài khóa thắt lưng buộc bụng cũng làm chậm lại việc phát hành trái phiếu của các chính quyền địa phương trong nửa đầu năm nay. Kể từ năm 2015, Bắc Kinh đã khuyến khích các chính quyền địa phương phát hành trái phiếu mục đích đặc biệt trong nỗ lực minh bạch hóa nợ. Nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, các chính quyền địa phương mới chỉ phát hành 28% trong hạn ngạch trái phiếu đặc biệt hàng năm, thấp hơn nhiều so với mức 60% trong cùng kỳ năm 2019 và 2020, theo Macquarie.

Các nhà phân tích nhận định việc phát hành trái phiếu có thể tăng tốc trong nửa cuối năm khi các dự án có tiềm năng gia tăng giá trị cho nền kinh tế được phê duyệt, nhưng nhìn chung tổng số lượng trái phiếu phát hành cho mục đích đặc biệt trong năm nay có thể không đạt hạn ngạch hàng năm là 3,65 nghìn tỷ nhân dân tệ (565 tỷ USD) mà Bắc Kinh đưa ra.

Sau hàng thập kỷ vay nợ để thúc đẩy tăng trưởng, đã đến lúc Trung Quốc ''thắt lưng buộc bụng" - Ảnh 7.

Cũng có những câu hỏi được đặt ra rằng liệu lập trường chính sách tài khóa thắt chặt có thực sự hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc hay không, mặc dù các số liệu chính thức cho thấy gánh nặng nợ chung của nền kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống trong năm nay. Cụ thể, đến quý II/2021, tỷ lệ nợ trên GDP đã giảm khoảng 2,6% so với quý I, từ mức 268% GDP xuống còn 265,4% GDP. Còn nếu tính tỷ lệ nợ trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, con số này thậm chí giảm tới 4,7%, theo ước tính của Viện Tài chính & Phát triển Quốc gia (NFID) dựa trên số liệu của PBOC.

Tuy nhiên, ông Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh tin rằng mức nợ công của Trung Quốc thực sự cao hơn ước tính của NFID và đang có xu hướng tiếp tục tăng từ cuối năm ngoái đến quý II năm nay với tốc độ tăng trưởng lên tới 9,6% trong nửa đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái. “Nói cách khác, tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đang tồi tệ hơn chứ không phải tích cực hơn. Trung Quốc báo cáo tăng trưởng GDP trên cơ sở năm (năm này so với năm trước, thay vì quý này so với quý trước như cách tính thường thấy của các nền kinh tế phương Tây), chính điều này gây ra nhầm lẫn”. 

Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo việc siết nợ chính quyền địa phương quá mức có thể phản tác dụng, gây ra rủi ro cao hơn cho nền kinh tế địa phương cũng như hệ thống tài chính. 

Wang Ren, giáo sư tài chính tại Đại học Công nghệ và Kinh doanh Trùng Khánh nhận định dựa trên nghiên cứu về nợ và dữ liệu kinh tế của 158 thành phố Trung Quốc rằng các thành phố phát triển có thể tận dụng nợ để kích thích tăng trưởng tốt hơn so với các thành phố nhỏ. Do đó, ông kết luận: “Không thích hợp để áp dụng một khuôn mẫu kiểm soát nợ chính quyền địa phương chung trên toàn quốc, mà các biện pháp phải được đưa ra linh hoạt theo đặc điểm khu vực”.

Sau hàng thập kỷ vay nợ để thúc đẩy tăng trưởng, đã đến lúc Trung Quốc ''thắt lưng buộc bụng" - Ảnh 9.