Sau “thắng lợi” về doanh số quý I/2020, Vinfast làm gì để chinh phục khách Việt?

25/06/2020 16:25 GMT+7
Mới đây, Vinfast đã gây sốc thị trường ô tô khi công bố chính sách bảo hành chính hãng 5 năm. Hiện tại, chính sách bảo hành này dài hơn khác các hãng từ 2- 3 năm. Ngoài ra, với dự án xây dựng sản xuất phụ tùng cho xe ô tô ở Quảng Ninh, tỷ phú Phạm Nhật Vượng không giấu “tham vọng” biến Vinfast thành xe “quốc dân”.

Cụ thể, từ hồi đầu tháng 6/2020, VinFast công bố nâng thời hạn bảo hành chính hãng cho tất cả các mẫu xe Lux SA2.0 và Lux A2.0 lên 5 năm hoặc 165.000 km (tuỳ điều kiện nào đến trước). Đồng thời, VinFast cũng cung cấp dịch vụ cứu hộ 24/7 hoàn toàn miễn phí trong suốt thời gian trên.

Theo nhận định của giới chuyên môn, hiện tại, đây là chính sách bảo hành chính hãng tốt trên thị trường. Đối với các hãng xe khác nói chung, thời gian bảo hành tối đa thường ở mức 3 năm và có thể tặng thêm 1-2 năm nhưng đi kèm nhiều điều kiện. Bên cạnh đó, một số hãng ô tô cũng cung cấp gói gia hạn bảo hành, nhưng khách hàng sẽ phải chi thêm tiền để mua.

Theo thông tin từ đại diện VinFast, nguyên nhân của quyết định nâng chính sách bảo hành cho dòng xe Lux nhằm chứng minh chất lượng, đẳng cấp với nhiều công nghệ từ châu Âu.

Sau “thắng lợi” về doanh số quý I/2020, Vinfast làm gì để chinh phục khách Việt? - Ảnh 1.

VinFast xếp thứ 5 về doanh số bán ra trong quý I/2020

Trước đó, liên quan đến việc phát triển ngành công nghiệp ô tô, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng có động thái đáng chú ý. Cụ thể, theo thông tin từ Ban cán sự Đảng và Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes đề xuất đầu tư tổ hợp sản xuất công nghiệp phía nam sông Lục Lầm (phường Hải Hòa, TP. Móng Cái).

Được biết, dự án có diện tích gần 200ha với doanh thu dự kiến từ năm 2023 khoảng trên 10.000 tỷ đồng/năm. Tổng thuế VAT dự kiến nộp suốt vòng đời dự án gần 75.000 tỷ đồng.

Theo đó, mục tiêu của dự án là đầu tư một tổ hợp công nghiệp sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho xe ô tô, xe có động cơ. Các bộ phận này được cung cấp cho các nhà máy lắp ráp ô tô của VinFast, các doanh nghiệp trong nước, đồng thời xuất khẩu. Các sản phẩm bao gồm: linh kiện nội thất, ngoại thất xe bus, xe tải, xe du lịch.

Cũng theo thông tin từ phía chính quyền tỉnh Quảng Ninh, dự án được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 (2020 - 2022) sẽ tập trung đầu tư xây dựng dây chuyền phục vụ việc sản xuất linh kiện, phụ kiện, phụ tùng ô tô với công suất dự kiến 500.000 bộ/năm; giai đoạn 2 (2022-2025) mở rộng nhà máy sản xuất linh kiện, phụ kiện, phụ tùng ô tô và nâng công suất dự kiến là 1.000.000 bộ/năm.

Hiện tại, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao Ban quản lý khu kinh tế tỉnh phối hợp với nhà đầu tư sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục của dự án để báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

Theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm, trong quý I/2020, VinFast bán 5.124 xe, trong đó Fadil 3.195 xe, Lux SA 1.024 xe và Lux A 905 xe. Với doanh số tổng 5.124 xe, VinFast xếp thứ 5 về doanh số bán ra trong quý I/2020.

Ở phân khúc hatchback cỡ A, VinFast Fadil với 3.195 xe tiêu thụ, xếp thứ hai sau Hyundai i10 (3.860 xe) và bỏ xa các đối thủ phía sau như Kia Morning 1.240 xe, Toyota Wigo 511 xe, Honda Brio 781 xe.

Ngoài ra, doanh số 905 của Lux A bám sát Toyota Camry (1.074 xe), ông vua phân khúc sedan hạng D, gần gấp ba đối thủ Mazda6 (309 xe).

Về phân khúc cao cấp nhất của Vinfast, Lux SA2.0 với 1.024 xe, nếu xếp vào cuộc đua tranh với những mẫu xe gầm cao hạng D với giá thấp hơn nhiều, xếp sau Toyota Fortuner 1.874 xe, Hyundai Santa Fe 1.855 xe.

Được biết, từ tháng 10/2019, VinFast đã gia nhập Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) nhưng chưa công bố số liệu cụ thể. Tuy nhiên, thống kê trên là số xe thực tế đã làm thủ tục ra biển số để lăn bánh trong quý I/2020.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục