dd/mm/yyyy

Say đắm làn điệu Páo dung của đồng bào dân tộc Dao

Với những lời ca say đắm, mượt mà, hát páo dung được ví như một trong những “báu vật”, là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc Dao.

Hiện nay, hát Páo dung là phương tiện chuyển tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Dao trong cuộc sống thường ngày và đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Đứng theo hình chữ V là cách đứng để hát Páo dung giao duyên của đồng bào dân tộc Dao.
Đứng theo hình chữ V là cách đứng để hát Páo dung giao duyên của đồng bào dân tộc Dao.

Để hiểu rõ về làn điệu Páo dung của đồng bào dân tộc Dao, chúng tôi tìm về xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, nơi có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống, nơi lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao, đặc biệt là hát Páo dung.

Ông Chu Tuần Ngân, dân tộc Dao ở thôn Bản Pình, xã Trung Minh cho biết: Theo tiếng nói của dân tộc Dao, "Páo dung" có nghĩa là "ca hát". Hát Páo dung là hát dân ca của dân tộc Dao, là phương tiện để truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Dao trong cuộc sống thường ngày.

Cũng theo ông Ngân, hát Páo dung ra đời và phát triển từ trong lao động sản xuất, từ nhu cầu đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Dao. Páo dung được lưu truyền qua nhiều thế hệ, tồn tại cho đến ngày nay và trở thành một nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc của người Dao ở Tuyên Quang.

Chị Lý Thị Văn, thôn Bản Pình, xã Trung Minh chia sẻ: Với người Dao hát Páo dung luôn được giữ gìn như báu vật. Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, nam thanh nữ tú người Dao lại rủ nhau đi hát từ bản này sang bản khác. Cuộc hát say sưa khiến họ tưởng chừng như quên ngày, quên tháng, nên dẫu có tàn cuộc, chia tay, nhưng dường như những cuộc Páo dung vẫn chưa bao giờ kết thúc. Để rồi đến khoảng tháng 8, tháng 9 âm lịch, khi vụ mùa đã xong, trai gái trong bản lại tiếp tục lời hẹn Páo dung ngày nào.

Các thành viên trong câu lạc bộ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao tiền của thôn Bản Pình và thôn Vàng Ngược, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đang tập làn điệu Páo dung mới.

Được biết, hát Páo dung được chia thành các loại hình sau: hát Páo dung sinh hoạt gồm các bài hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, hát than…; hát Páo dung lễ nghi tín ngưỡng - phong tục gồm các bài hát được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống của đồng bào Dao, như hát trong lễ cấp sắc, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng… ; hát Páo dung trong lao động gồm những bài hát ca ngợi lao động sản xuất, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, phản ánh đời sống du canh du cư, canh tác nương rẫy hay những kinh nghiệm về thời tiết, mùa vụ được các thế hệ người Dao tích lũy và truyền lại cho thế hệ sau.

Nói về nét độc đáo trong hát Páo dung ông Ngân chia sẻ thêm: Hát Páo dung đề cao tinh thần lao động sáng tạo, đạo đức, lẽ sống, phép ứng xử, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu đôi lứa. Hát Páo dung đã thể hiện sâu nặng chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Dao. Giá trị văn hóa lớn nhất ở đây chính là những định hướng giáo dục con người hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương mình, gìn giữ và phát huy những từ ngữ trong các làn điệu dân ca hàm chứa sâu sắc mối quan hệ trong gia đình, họ hàng, anh em, tình yêu đôi lứa, trong lao động sản xuất… để truyền dạy cho thế hệ sau.

Hát Páo dung từ lâu đã là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào người Dao ở Trung Minh

Tuy nhiên, hiện nay, điều đáng nói, phần lớn các làn điệu Páo dung cổ được ghi bằng chữ Nôm - Dao (theo chữ viết riêng của dân tộc Dao). Trong khi, những người biết tiếng Nôm - Dao chủ yếu tập trung ở những người làm nghề thầy cúng nhưng họ chỉ quan tâm đến các làn điệu phục vụ nghi lễ tín ngưỡng, do đó, nguy cơ thất truyền, mai một của các làn điệu Páo dung cổ là rất lớn.

Đồng bào dân tộc Dao tỉnh Tuyên Quang hiện có 9 ngành Dao, mỗi ngành sống cộng cư với các dân tộc khác ở một vùng nhất định. Với mỗi ngành (nhóm) Dao khác nhau thì lối hát Páo dung cũng có sự khác biệt trong âm hưởng của làn điệu. Và để bảo tồn làn điệu Páo dung của đồng bào dân tộc Dao tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp.

Hát Páo dung của dân tộc Dao ở Tuyên Quang đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Vì vậy, để bảo tồn làn điệu Páo dung thời gian qua, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào người Dao gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời, tổ chức sưu tầm, tập hợp tư liệu, sách cổ về Páo dung đang lưu giữ trong nhân dân để dịch ra tiếng phổ thông làm tài liệu tuyên truyền. Hàng năm, tổ chức hát Páo dung ở mỗi thôn, xã, liên xã nhằm khơi dậy, nuôi dưỡng đưa Páo dung trở lại phục vụ cuộc sống...

(Dân Việt)