Công ty đã công bố thông tin toàn bộ Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết và các thủ tục liên quan khác cho việc Lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản vào ngày 5.10.2018, trong đó ngày hết hạn phiếu Lấy ý kiến là ngày 15.10.2018. Các nội dung Lấy ý kiến lần này xoay quanh việc: (1) Chi trả cổ tức, (2) Phát hành cổ phần ưu đãi cổ tức có quyền chuyển đổi, (3) Nhận chuyển nhượng cổ phiếu mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai, (4) Sửa đổi bổ sung Điều lệ, (5) Sửa đổi bổ sung Quy chế QTCT, (6) Điều chỉnh ngành nghề kinh doanh.
Tại Đại hội đồng Cổ đông (ĐHĐCĐ) Niên độ 16 - 17, Công ty đã ban hành NQ 02/2017/NQ-ĐHĐCĐ ngày 20.11.2017 về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 6%. Tuy nhiên, do diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như các yếu tố tác động vĩ mô của Ngành Đường, Công ty đã dời lại thời gian chi trả cổ tức sang Niên độ 18 - 19 nhằm đảm bảo giá cổ phiếu không bị pha loãng ảnh hưởng đến giá trị đầu tư của cổ đông, nhà đầu tư.
Nhà máy TTC Sugar.
Đợt Lấy ý kiến này sẽ thông qua 2 vấn đề được nhiều Cổ đông quan tâm: (1) Phát hành cổ phiếu để chia cổ tức Niên độ 16 - 17 và (2) Tạm ứng cổ tức Niên độ 17 - 18 bằng tiền mặt. Số lượng cổ phiếu phát hành dự kiến để trả cổ tức là 29.725.066 tương đương tổng giá trị phát hành hơn 297 tỷ đồng. Nguồn phát hành từ Lợi nhuận sau thuế (LNST) chưa phân phối căn cứ vào Báo cáo tài chính (BCTC) gần nhất được kiểm toán của Công ty.
Sau khi phát hành thành công, Vốn điều lệ (VĐL) và Vốn chủ sở hữu (VCSH) của Công ty sẽ tăng lên mức 5.867 và 6.394 tỷ đồng, tăng lần lượt 5,3% và 4,8%. Để đảm bảo quyền lợi của Cổ đông không bị ảnh hưởng do dời thời gian chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, Công ty đã dự kiến tạm ứng cổ tức Niên độ 17 - 18 là 4% tiền mặt cho Cổ đông trước ngày 31.12.2018, tương đương với số tiền hơn 199 tỷ đồng; từ nguồn LNST chưa phân phối khả dụng theo BCTC hợp nhất kiểm toán tại ngày 30.6.2018.
Như vậy tổng cộng 2 đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu và tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt sẽ đạt khoảng 496 tỷ đồng. Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của Công ty trong việc thực hiện cam kết cũng như đảm bảo quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư mặc dù Công ty đang trong quá trình thực hiện kế hoạch tăng cường sản xuất kinh doanh để duy trì và chiếm lĩnh thị phần trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm đa dạng hóa nguồn Doanh thu và cải thiện các chỉ số sinh lời.
Giữa năm 2017, Công ty đã đầu tư chiến lược mua lại mảng kinh doanh Mía Đường của Công ty TNHH Mía Đường Hoàng Anh Gia Lai. Công ty này sở hữu vùng nguyên liệu nông trường tập trung thửa lớn với diện tích lên tới 7.000 ha tại tỉnh Attapeu, Lào; mía chữ Đường cao; nguồn đất sạch có khả năng phát triển dòng sản phẩm Đường hữu cơ - một trong những sản phẩm trọng tâm của SBT trong thời gian tới; gần Nhà máy Luyện đường để tiết giảm chi phí vận chuyển; và công suất ép mía 7.500 TMN, sản xuất 700 tấn Đường/ngày, chỉ đứng sau Nhà máy TTCS có công suất lớn nhất là 9.800 TMN và sản xuất 1.000 tấn Đường/ngày.
Hoạt động sáp nhập này đang được tài trợ phần lớn bởi các khoản nợ vay ngắn hạn cộng với kế hoạch về chi phí đầu tư cho cơ giới hóa tại khu vực này khá lớn. Nhằm chuyển dịch cơ cấu vốn theo hướng dài hạn và an toàn nhằm đảm bảo nguồn lực ổn định cho quá trình phát triển bền vững, Công ty đã lên kế hoạch chào bán riêng lẻ cổ phần ưu đãi cổ tức có quyền chuyển đổi cho các đối tác chiến lược, dưới 100 nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư nước ngoài được chọn phải có năng lực tài chính đảm bảo, chiến lược và văn hóa kinh doanh phù hợp, không có xung đột về lợi ích với chiến lược phát triển của Công ty, đồng thời thể hiện cam kết gắn bó lợi ích với sự phát triển của Công ty. Cụ thể, loại cổ phần dự kiến phát hành là cổ phần ưu đãi cổ tức, có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông với thời gian ưu đãi cổ tức là 6,5 năm kể từ ngày phát hành.
Số lượng cổ phần dự kiến chào bán dưới 10% VĐL tại thời điểm chào bán. Riêng về thời điểm chuyển đổi, tỷ lệ chuyển đổi, phương thức, giá và thời điểm mua lại, các vấn đề liên quan đến cổ tức; ĐHĐCĐ sẽ ủy quyền cho HĐQT quyết định theo hướng có lợi nhất cho Công ty, cổ đông và nhà đầu tư hiện hữu. Thực hiện thành công đợt phát hành này sẽ góp phần quan trọng trong việc tối ưu hóa cơ cấu vốn theo hướng an toàn bền vững, đánh dấu là một cột mốc quan trọng trong việc mở rộng hợp tác với các đối tác uy tín nước ngoài.
Công ty cũng Lấy ý kiến chấp thuận việc Bà Đặng Huỳnh Ức My, cổ đông lớn hiện đang sở hữu 5,84% tính đến hết tháng 9.2018 và người có liên quan nhận chuyển nhượng cổ phiếu của Công ty để nâng tỷ lệ sở hữu trực tiếp lên tối đa 55% tổng số cổ phiếu đã phát hành và đang lưu hành của Công ty mà không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai theo quy định của pháp luật Việt Nam tại thời điểm nhận chuyển nhượng. Kết thúc 30.9.2018, nhóm Cổ đông này đang sở hữu hơn 156 triệu cổ phần, tương đương 28,01%.
Chuẩn bị chu đáo cho sự kiện hợp tác chiến lược và đồng hành phát triển của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, TTC Sugar đang áp dụng và tiếp tục cải thiện các mô hình Quản trị doanh nghiệp theo thông lệ tốt trên thị trường và tiệm cận với trình độ của khu vực và thế giới. Cũng trong đợt Lấy ý kiến lần này sẽ xin sửa đổi và bổ sung Điều lệ, Quy chế nội bộ về quản trị công ty và thông qua việc thành lập các Tiểu ban hỗ trợ chiến lược cho HĐQT bao gồm: Tiểu ban Kiểm toán, Tiểu ban Chiến lược và Tiểu ban Nhân sự.
Các vấn đề cần sửa đổi xoay quanh các nội dung mới nhất được ban hành về quy tắc quản trị công ty theo Nghị định 71, Thông tư 95 cũng như các chuẩn mực cao hơn về quản trị công ty, như: Thẻ điểm quản trị công ty khu vực Asean hay quy tắc quản trị công ty của tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD; nhằm cải thiện chất lượng quản trị của TTC Sugar hiệu quả và minh bạch. Bên cạnh đó, ngành nghề kinh doanh cũng được cập nhật để đáp ứng điều kiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phù hợp mục tiêu, định hướng hoạt động của Công ty.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.