Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm nhà máy Lavifood
Theo báo cáo của tỉnh Long An, toàn tỉnh hiện có 11.825,7 ha trồng thanh long, trong đó diện tích cho trái khoảng 9.586,2 ha, năng suất 321,5 tạ/ha, sản lượng 317.932 tấn, tập trung chủ yếu tại huyện Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, thành phố Tân An... Hiện tại thanh long đang vào vụ thu hái nhưng tình hình tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn. Sản lượng thanh long tồn chưa tiêu thụ được từ cuối tháng 01/2020 đến nay khoảng 30.000 tấn. Chưa kể đến 59.580 tấn được thu hoạch trong tháng 2/2020 và 31.750 tấn được thu hoạch trong tháng 3/2020. Trước những diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra, hàng loạt chợ và cửa khẩu thông thương sang Trung Quốc đang thông báo dời thời gian mở cửa, các đối tác Trung Quốc thu mua thanh long không nhận hàng, đã làm tồn động thanh long trong kho….. Phần lớn các cơ sở thu gom, kho thanh long trên địa bàn tỉnh không thu mua thanh long hoặc thu mua với giá thấp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nông dân.
Trước tình hình đó, tại buổi làm việc với công ty Lavifood, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường đã hoan nghênh đánh giá cao những hành động thiết thực, kịp thời, nhanh chóng của công ty trong việc tháo gỡ những khó khăn của người nông dân do ảnh hưởng của dịch virus corona. Bộ trưởng cũng kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội đồng hành cùng người nông dân; các kênh phân phối lớn như các hệ thống siêu thị, các thương mại điện tử… mở cửa bán hàng cho nông dân; các cơ quan, xí nghiệp, mỗi gia đình, cá nhân là một đơn vị tiêu dùng tích cực ủng hộ nông sản Việt Nam. Đặc biệt, với tư cách là người đứng đầu của ngành nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhiệt liệt ủng hộ các doanh nghiệp đầu ngành như Lavifood phát triển nhà máy, kho bãi, hệ thống logistics nhằm phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, thoát cảnh “được mùa mất giá”, thích ứng tốt hơn với biến động của thị trường và tình hình kinh tế xã hội.
Hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… đã cùng bắt tay vào hành động nhằm tiếp sức người nông dân Việt Nam và xa hơn nữa là đóng góp sáng kiến, đồng hành phát triển nông nghiệp Việt Nam một cách bền vững, chủ động, hiệu quả. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đã chứng kiến sự cam kết đồng hành cùng người nông dân và nông nghiệp Việt Nam của nhiều doanh nghiệp, tổ chức như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Chuỗi siêu thị Coop Mart, Quỹ Khởi Nghiệp Xanh, Công ty Cổ phần Đầu tư Lavifood…
SCB, Lavifood, Quỹ Khởi Nghiệp Xanh ký cam kết đồng hành hỗ trợ phát triển nông nghiệp Việt Nam.
Trong đó ngân hàng SCB là đơn vị tham gia ngay từ đầu với nhiều hoạt động tích cực nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam. SCB cũng là một trong những ngân hàng đi đầu trong các hoạt động hỗ trợ tài chính cho nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu ngành vay vốn ưu đãi phát triển nhà máy, kho bãi, hệ thống logistics nhằm phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, thích ứng với mọi biến đổi của thị trường. Với tiềm lực tài chính vững mạnh, uy tín, cùng vị thế Top 5 ngân hàng TMCP có quy mô tổng tài sản lớn nhất Việt Nam, SCB là địa chỉ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đáng tin cậy dành cho doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực đầu tư, cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong công cuộc phát triển kinh tế vững bền.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn (mặc vest bên trái) – Tổng giám đốc ngân hàng SCB
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc SCB chia sẻ: “Nông nghiệp là thành tố quan trọng của kinh tế quốc gia và những người nông dân đang chiếm đại đa số dân cư. Nhưng thị trường tài chính cho nông nghiệp luôn là một lĩnh vực chứa nhiều rủi ro vì những yếu tố khách quan như “được mùa mất giá”, dịch bệnh, thị trường…. Trong suốt thời gian qua SCB đã có nhiều sản phẩm ưu đãi tín dụng hấp dẫn dành cho hợp tác xã nông nghiệp, cho nông dân. Tuy nhiên, để đáp ứng được đầy đủ nhu cầu tài chính cần thiết phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp Việt Nam một cách hiệu quả, mạnh mẽ và lâu dài thì chúng ta cần có một chính sách đặc biệt để việc hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực này. Đặc biệt là với các doanh nghiệp đầu ngành, vay vốn ưu đãi phát triển nhà máy, kho bãi, hệ thống logistics để phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững, thích ứng với mọi biến đổi của thị trường”.
Trước những khó khăn chung của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản trong bối cảnh hiện nay, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN & PTNT) đề nghị xây dựng chính sách tài chính “khuyến khích đặc biệt” giúp doanh nghiệp đầu tư hệ thống kho lạnh bảo quản nông lâm thủy sản trong sản xuất, dự trữ, lưu thông vận chuyển, xuất nhập khẩu… (đưa vào nội dung khi sửa đổi Quyết định 68/2013/QĐ-TTg năm 2013 về Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp). Đặc biệt đẩy mạnh thực hiện nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để doanh nghiệp tập trung đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông sản có giá trị gia tăng cao.
Tại buổi làm việc, dưới sự chúng kiến của Bộ trưởng và Đoàn công tác, ngân hàng SCB, Chuỗi siêu thị Coop Mart, Quỹ Khởi Nghiệp Xanh… cùng với Lavifood ký cam kết đồng hành cùng người nông dân Việt Nam. Tại đây, đại diện công ty Lavifood đã báo cáo Bộ trưởng về việc công ty đã nghiên cứu thành công và sẵn sàng đưa vào sản xuất nước thanh long 100% tự nhiên We Love, bên cạnh các sản phẩm chế biến khác như sấy dẻo, đông lạnh, trần trụng….
Vui lòng nhập nội dung bình luận.