SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines và câu chuyện điều chuyển vốn Nhà nước từ DN này sang DN khác

13/07/2020 19:00 GMT+7
Ngày 16/7 tới đây, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HVN) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông năm 2020. Một trong những nội dung được quan tâm là Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) muốn đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng vào Vietnam Airlines nhưng còn vướng mắc về pháp lý.

Ủy ban quản lý vốn nhà nước (CMSC), đơn vị đang quản lý phần vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines, đã trình Chính phủ phương án cho hãng hàng không này vay ưu đãi 12.000 tỷ đồng, lãi suất 0%. Trường hợp không thực hiện được, đề nghị Nhà nước cho phép Vietnam Airlines vay vốn của các NHTM với lãi suất 0% trong thời hạn 3 năm.

Những đề xuất của Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước đến nay vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng trung tuần tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, Nguyễn Đức Chi, công bố với báo chí về kế hoạch mong muốn tham gia đầu tư vốn vào Vietnam Airlines.

"Bơm" vốn cho Vietnam Airlines

Cũng như hầu hết các hãng hàng không trên thế giới, Vietnam Airlines đang gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19. Trước thực tế này, SCIC đã chủ động đề xuất và phối hợp với Vietnam Airlines xây dựng phương án để SCIC tham gia đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng trước mắt là xử lý tình trạng hãng hàng không này bị thiếu hụt nguồn tài chính và dòng tiền. 

"Sau khi trở thành cổ đông, chúng tôi sẽ tham gia tái cấu trúc Vietnam Airlines không chỉ vượt qua khó khăn, mà còn phát triển mạnh mẽ thời hậu Covid-19", ông Nguyễn Đức Chi thông tin.

“Soi” tham vọng đầu tư vốn của SCIC trước thềm ĐHĐCĐ của Vietnam Airlines - Ảnh 1.

SCIC mong muốn tham gia đầu tư vốn vào Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Theo nguồn tin mà phóng viên Dân Việt có được, 3 phương án "rót" vốn hỗ trợ Vietnam Airlines đã được xây dựng.

Phương án thứ nhất là SCIC sẽ đầu tư vào Vietnam Airlines, tăng vốn điều lệ cho hãng hàng không quốc gia này.

Với phương án đầu tư của SCIC vào Vietnam Airlines này, chiếu theo Nghị định 91/2015/NĐ-CP (và 32/2018/NĐ-CP) thì Vietnam Airlines không thuộc đối tượng đầu tư "vốn nhà nước" để duy trì tỷ lệ cổ phần nhà nước. Tuy vậy, Điều 4 Nghị định Nghị định 91/2015/NĐ-CP quy định rõ "vốn nhà nước" là do cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn góp.

Do đó, để thực hiện phương án này thì phần vốn SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines cần được xác định là tài sản của SCIC đầu tư vào doanh nghiệp khác và không nên áp dụng quy định về phạm vi đầu tư vốn nhà nước tại Nghị định nêu trên.

Nếu đối chiếu với Nghị định 148/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước của SCIC, việc SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines không trái với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của SCIC trong việc đầu tư, kinh doanh vốn.

Phương án 2: Chuyển giao vốn giữa các doanh nghiệp thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước. Các trường hợp được chuyển giao vốn (theo điều 38 luật số 69 quy định) bao gồm: Chuyển giao một phần vốn, tài sản giữa các doanh nghiệp; Chuyển giao dự án, công trình đầu tư công từ cơ quan, tổ chức quản lý dự án, công trình đầu tư công về doanh nghiệp và Chuyển giao vốn nhà nước tại doanh nghiệp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu và SCIC.

Như vậy, Chủ sở hữu có quyền quyết định chuyển giao vốn nhà nước tại doanh nghiệp giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu và SCIC sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định Chủ trương. Như vậy, việc chuyển giao vốn nhà nước về Vietnam Airlines là có cơ sở pháp lý dù rằng mọi sự thay đổi về cơ cấu sở hữu phải được thông qua tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ).

Phương án 3: Vay vốn từ chủ sở hữu nhà nước. Theo luật doanh nghiệp cho phép vay tiền từ cổ đông nhà nước nếu ĐHĐCĐ chấp thuận. Trong đó, có thể vay Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước thông qua SCIC. Tuy nhiên, với phương án này cần làm rõ lợi ích của SCIC khi cho vay vốn.

Như vậy, dù tăng vốn thông qua việc đầu tư vào Vietnam Airlines để tăng vốn điều lệ; Chuyển giao vốn giữa các doanh nghiệp thuộc Ủy ban quản lý vốn nhà nước hay vay vốn từ chủ sở hữu nhà nước thì SCIC đều có thể "góp mặt".

Tính khả thi đến đâu?

Hiện, Vietnam Airlines có đến 86% vốn điều lệ thuộc nhà nước, SCIC là doanh nghiệp nhà nước 100% vốn, nên việc tiếp tục đầu tư vốn nhà nước vào một doanh nghiệp nhà nước đang chi phối đã gây không ít băn khoăn.

Bởi hoạt động của Vietnam Airlines không nằm trong 4 nhóm lĩnh vực mà Nhà nước cần phải đầu tư, hơn nữa doanh nghiệp này đã cổ phần hóa và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, nên việc cho hay không cho phép SCIC đầu tư rất phức tạp.

Có ý kiến cho rằng, SCIC không được đầu tư vào Vietnam Airlines vì vướng quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Theo đó, Nhà nước chỉ đầu tư vào doanh nghiệp trong 4 lĩnh vực gồm: cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; lĩnh vực độc quyền tự nhiên; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

Hướng dẫn cụ thể nội dung này, Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp đã có một danh mục gồm 7 nhóm ngành, lĩnh vực, trong đó không có vận tải hàng không thương mại.

SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines và câu chuyện điều chuyển vốn Nhà nước từ DN này sang DN khác - Ảnh 3.

SCIC muốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào Vietnam Airlines

Nếu chiếu theo Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Quốc hội nêu rõ: "… không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế. Các khoản vay mới chỉ thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn….". Vì vậy nếu SCIC đầu tư mua cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines là đi ngược lại với nghị quyết của Quốc hội.

Chưa kể, SCIC và Vietnam Airlines đang được cho là cùng "dưới trướng" Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), nên nếu SCIC đầu tư vào Vietnam Airlines sẽ vi phạm quy định các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.

Tuy nhiên, nếu xét về góc độ kinh doanh vốn thuần túy, SCIC có quyền đầu tư vào bất cứ doanh nghiệp nào nếu an toàn và có lãi. 

"Chúng ta phải nhìn nhận rõ, SCIC là nhà đầu tư vốn chuyên nghiệp, có đầy đủ quyền và trách nhiệm với đồng vốn của mình", luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc công ty luật Basico, nhìn nhận đồng thời nhấn mạnh, việc đầu tư của SCIC vào Vietnam Airlines là không có gì sai về mặt pháp lý.

Một chuyên gia khác thì nhìn nhận, khả năng SCIC có thể tham gia Vietnam Airlines với vai nhà đầu tư chiến lược rất cao, từ đó cùng Vietnam Airlines tái cơ cấu, nhanh chóng phục hồi. Lúc này, vai trò của SCIC trong Vietnam Airlines tương tự như từng làm với Vinaconex cách đây 8 năm, khi quyết định đầu tư thêm 1.000 tỷ đồng để tái cơ cấu Vinaconex năm 2012, để sau đó thu lại khoản lợi nhuận lên tới 4.800 tỷ đồng vào năm 2018.

Ở phía SCIC, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV, cũng thừa nhận hiện nay theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, thì Vietnam Airlines không thuộc lĩnh vực mà Nhà nước cần đầu tư thêm vốn.

Vì vậy, nếu SCIC muốn tham gia góp thêm vốn Nhà nước vào Vietnam Airlines thì đơn vị cần được Chính phủ giao nhiệm vụ làm đại diện phần vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines thay cho Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước. Vì khi được giao nhiệm vụ này thì hoạt động đầu tư của SCIC mới không bị vướng bởi quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước và Nghị định 32/2018.

"Cơ chế, chính sách nếu vướng mắc không phải không có cách tháo gỡ. Vấn đề là phải bắt tay vào làm ngay, nếu không cơ hội đầu tư sẽ trôi qua, nguy hiểm hơn, doanh nghiệp gặp khó khăn mà không hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời thì nguy cơ thua lỗ, mất vốn nhà nước rất lớn", ông Chi nói.         

Riêng về các phương án vay, ông TS. Võ Đình Trí (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng Vietnam Airlines có thể thực hiện bút toán vay cổ đông (tức là vay Chính phủ) hoặc vay ở các định chế tài chính khác có Chính phủ bảo lãnh.

Tuy nhiên, các phương án vay kể cả vay trực tiếp hay có bảo lãnh của Chính phủ thì cũng cần được xem xét ở góc độ tất cả các doanh nghiệp hàng không chứ không chỉ riêng Vietnam Airlines để đảm bảo có sự cạnh tranh lành mạnh. Về dài hạn thì Chính phủ vẫn cần đẩy mạnh cổ phần hóa, giảm tỷ lệ nắm giữ vốn xuống dưới 60% nhằm đa dạng hóa chủ sở hữu và giảm thiểu rủi ro mất vốn Nhà nước.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhìn nhận đây là hình thức điều chuyển vốn từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác để đảm bảo hiệu quả sử dụng đồng vốn và hiệu quả sử dụng đồng vốn kinh doanh Nhà nước một cách tối ưu. Đây là chuyện cả về pháp chế và kinh nghiệm quốc tế trong nền kinh tế thị trường thì đều có thể lý giải và chúng ta chấp nhận việc điều hành như vậy.

Nhật Minh
Cùng chuyên mục