Sẽ có 11-13 cơn bão trên biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền năm 2023
Sẽ có 11-13 cơn bão trên biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền năm 2023
Minh Ngọc
Thứ năm, ngày 20/04/2023 19:50 PM (GMT+7)
Sẽ có 11-13 cơn bão trên biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền năm 2023, ông Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TNMT) cho biết tại Hội nghị toàn quốc về Công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023, ngày 20/4.
Theo ông Thái, từ nay đến tháng 5/2023, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ít có khả năng xuất hiện trên biển Đông. Bão và ATNĐ có khả năng xuất hiện trên biển Đông từ khoảng nửa cuối tháng 6/2023. Số lượng bão, ATNĐ hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức trung bình nhiều năm (11-13 cơn trên biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền); bão hoạt động nhiều hơn từ tháng 8-10 và giảm dần từ tháng 11.
Ông Thái cho biết, hiện tượng ENSO đang chuyển dần sang trạng thái trung tính từ tháng 4-6 với xác suất khoảng 80-90%, sau đó trong nửa cuối năm 2023 ENSO có khả năng chuyển sang pha El Nino với xác suất khoảng 55-65% và có thể kéo dài sang năm 2024.
Nắng nóng 2023 đã xuất hiện sớm, dự báo có khả năng gay gắt và có nhiều ngày nắng nóng hơn so với năm 2022.
Trong tháng 4, nắng nóng sẽ xuất hiện nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc, kể cả ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Đặc biệt, cao điểm của nắng nóng sẽ là trong tháng 6-7 ở Bắc Bộ và từ nửa cuối tháng 6 đến tháng 8 ở Trung Bộ với khả năng cao xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt.
Sang tháng 5 và tháng 6, Nam Bộ chấm dứt nắng nóng nhưng ở Bắc Bộ, Trung Bộ vẫn duy trì nắng nóng. Và có thể kéo dài tới khoảng đầu tháng 8 ở Bắc Bộ và cuối tháng 8 ở Trung Bộ.
Mùa mưa bắt đầu đương đương so với TBNN ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ. Trong các tháng mùa mưa bão, tại khu vực Bắc Bộ lượng mưa có xu hướng thấp hơn đến xấp xỉ TBNN; khả năng xảy ra mưa to dồn dập cuối tháng 5, đầu tháng 6 ở Bắc Bộ như năm 2022 là thấp.
Tại khu vực Trung Bộ lượng mưa có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình trong giai đoạn tháng 7-9; tuy nhiên, từ tháng 10-12 (thời điểm chính của mùa mưa tại Trung Bộ) lượng mưa lại có xu hướng thiếu hụt so với TBNN tại khu vực này. Xu hướng thiếu hụt mưa có thể kéo dài sang đầu năm 2024.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, tổng lượng mưa dự báo từ xấp xỉ đến cao hơn TBNN trong các tháng 6 đến tháng 9, tuy nhiên từ tháng 10 đến hết năm 2023 lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với TBNN cùng thời kỳ.
Về mưa lũ, ngập lụt, đỉnh lũ các sông ở Bắc Bộ ở mức báo động BĐ1-2, riêng các sông suối nhỏ từ BĐ2-3, tập trung trong các tháng 7-9; đỉnh lũ các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Bình Thuận ở mức BĐ1-2, có sông trên BĐ2; các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và Tây Nguyên ở mức BĐ2-3, có sông trên BĐ3 (ở mức xấp xỉ TBNN và năm 2022). Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc và miền Trung.
Đối với hạn hán, nguồn nước, ông Thái cho hay, trong các tháng mùa lũ chính vụ, lượng dòng chảy trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ và đến hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà, sông Gâm, sông Chảy thiếu hụt từ 10-30% so với TBNN.
Từ tháng 4-8, có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nhấn mạnh, thiên tai, bão lũ dự báo vẫn sẽ "khốc liệt, khó lường".
Cũng theo Phó Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên rà soát văn bản, quy định về phòng, chống thiên tai, từ đó đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Ông cũng cho rằng cần "đề cao tập trung phòng ngừa hơn là ứng phó".
Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương nên tập trung ưu tiên nguồn lực để tăng cường công tác cảnh báo. Đồng thời có sự lồng ghép các chương trình trong phòng, chống thiên tai, như vậy sẽ tiết kiệm được kinh phí.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị công tác truyền thông cần tốt hơn nữa bằng nhiều cách, nhiều hình thức để góp phần xây dựng ý thức của người dân và những người có trách nhiệm trước công tác phòng, chống thiên tai.
"Các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp trách nhiệm, không đùn đẩy, phân công công việc rõ ràng. Quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương cũng phải lưu ý đến yếu tố ứng phó thiên tai", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Thông tin tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 ngày 20/4, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, năm 2022, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần) trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê.
Đặc biệt, liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong đó bão số 4 (Noru) đạt cường độ mạnh nhất cấp 14-15, giật cấp 17, gần đạt cấp siêu bão trên biển Đông, suy yếu nhanh và đổ bộ vào Đà Nẵng - Quảng Nam ngày 28/9 đã gây mưa rất lớn từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi, trong đó riêng Nghệ An mưa rất lớn từ 300-500mm (Quỳnh Lưu 662mm; Con Cuông 650mm), gây ngập lụt tại khu vực đồng bằng và lũ quét nghiêm trọng tại huyện Kỳ Sơn.
Thiên tai năm 2022 đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng, gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.