Sẽ có khoảng 15 – 20 tỷ USD từ thoái vốn và cổ phần hóa DNNN

Thứ ba, ngày 15/08/2017 11:12 AM (GMT+7)
Theo các chuyên gia kinh tế, trong năm 2017 - 2018 sẽ có khoảng 15 – 20 tỷ đô từ thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đây là những “món ăn ngon” đang được các nhà đầu tư ngoại nhòm ngó, điều này sẽ góp phần kích hoạt các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) thời gian tới.
Bình luận 0

img

M&A chờ đợi vốn ngoại

Ông Jeffrey Pirie, Phó Tổng giám đốc Deloitte Đông Nam Á, cho hay hiện nay Deloitte tại Việt Nam đang “căng mình” để tư vấn các thương vụ M&A. Tuy nhiên, các nguồn hàng được M&A phần lớn đến từ các doanh nghiệp (DN) chuẩn bị thoái vốn hoặc sẽ cổ phần hóa. Điều này cho thấy, "khẩu vị" của các nhà đầu tư ngoại đòi hỏi rất cao. 

Theo đó, ông Jeffrey Pirie cho rằng, M&A có thể sẽ tạo nên câu chuyện thành công cho Việt Nam. Bởi 28 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực M&A, ông nhận thấy tổng giá trị các thương vụ M&A khu vực Đông Nam Á khoảng 115 tỷ USD. Dĩ nhiên, con số này có thể cao hơn vì nhiều thông tin các thương vụ chưa công bố. Riêng tại Việt Nam, con số này là 5,8 tỷ USD trong 2016.

“Con số này dù khá nhỏ so với tổng giá trị các thương vụ tại Đông Nam Á nhưng so với dân số cũng như GDP Việt Nam, đây là con số cực kỳ ấn tượng. Và chắc chắn sẽ có sự thay đổi về giá trị cũng như số lượng các thương vụ M&A trong thời gian tới”, ông Jeffrey Pirie khẳng định.

Đại diện này cũng khẳng định, càng nhiều thương vụ M&A thì càng tốt cho nền kinh tế Việt Nam. "Đây chắc chắn là chất xúc tác, nhân tố quan trọng cho sự thay đổi ngày càng quan trọng cho Việt Nam", ông Jeffrey Pirie chia sẻ.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 trở lại đây, các thương vụ M&A có phần hơi trầm lắng. Đánh giá vấn đề này, đại diện Deloitte tại Việt Nam cho biết nguyên nhân vốn ngoại vẫn đang chờ đợi những “món ăn ngon” đến từ các DN nhà nước đang chuẩn bị thoái vốn và cổ phần hóa. Điều này rõ ràng, thị trường M&A hoàn toàn đang phụ thuộc vào vốn ngoại. 

Có thể thấy, năm 2016, khi thị trường M&A tại Việt Nam đạt được con số kỷ lục về giá trị (5,8 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay và tăng trưởng 11,92% so với năm 2015), thì các thương vụ tham gia từ nhà đầu tư ngoại chiếm tới 77% tổng giá trị. 

Do đó, thị trường M&A chỉ bùng nổ khi có những nguồn hàng chất lượng được tung ra. Có như vậy, nền kinh tế Việt Nam mới thực sự có sự đột phá và phát triển mạnh. 

“Khẩu vị đắt hàng” của nhà đầu tư ngoại

Theo dự báo, sắp tới sẽ có nhiều nguồn hàng “bom tấn” sẽ được thoái vốn và cổ phần hóa, theo đó thị trường M&A sẽ chứng kiến nhiều thương vụ khủng. Đó là nguồn hàng đến từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) khi mới đây, đơn vị này công bố bán tiếp cổ phần Vinamilk, dù số lượng chào bán đợt này chỉ 48,3 triệu cổ phần. 

Với Sabeco và Habeco, sắp tới hai đơn vị này sẽ thoái vốn nhưng chỉ những đối tác, doanh nghiệp có vốn hàng chục ngàn tỷ đồng mới có thể mua. Điều này đang làm các nhà đầu tư ngoại “thèm khát” và mong muốn trở thành đối tác chiến lược. Trong đó, có nhiều tên tuổi sáng giá như Carlsberg, Breweries A/S, Carlton & United Breweries (CBU), VBL…

Theo đại diện Deloitte tại Việt Nam, các nhà đầu tư ngoại có nhiều lợi thế hơn trong việc đưa ra các quyết định đầu tư so với các công ty Việt Nam. Hơn nữa, các công ty đa quốc gia và các quỹ đầu tư có rất nhiều kinh nghiệm trong đầu tư thông qua M&A. Chính vì vậy, M&A luôn là một kênh đầu tư quan trọng đến từ nhà đầu tư nước ngoài, hơn là đầu tư trực tiếp.

Hiện nay, các ngành hàng được các nhà đầu tư ngoại “ngắm” đến tại thị trường M&A chủ yếu là hàng tiêu dùng nhanh, bán lẻ, nhựa, bao bì, bất động sản, du lịch, logistic… Trong đó, các nhà đầu tư châu Á mong muốn tận hưởng nhiều "món ăn" sinh lời hơn cả.

Cụ thể, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc có lĩnh vực đầu tư trải rộng, bao trùm các ngành khác nhau, từ hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, kết cấu hạ tầng đến chăm sóc sức khỏe… Các nhà đầu tư mới từ Thái Lan tập trung nhiều vào lĩnh vực phân phối, bán lẻ, sản xuất vật liệu xây dựng và hóa chất. 

Mỗi nhà đầu tư đều có "khẩu vị" riêng trong việc quyết định hợp tác đầu tư và cùng nhau phát triển, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, giá trị công ty… Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà đầu tư với mục đích thôn tính đối thủ cạnh tranh; hay một số quỹ đầu tư có thiên hướng đầu tư tài chính nhằm chuyển nhượng để thu lời trong thời gian ngắn…

Dù vậy, ở bất kỳ hình thức đầu tư nào, ông Jeffrey Pirie cho rằng Việt Nam có 3 việc cần làm để thị trường M&A bùng nổ. Một là, Việt Nam cần thực thi đầy đủ những gì đã cam kết, không bảo hộ và đừng làm nản lòng các nhà đầu tư. Hai là, Việt Nam cần giảm bớt các quy định, các doanh nghiệp cần IPO nhiều hơn và dù đã lên sàn hay chưa, việc minh bạch các thông tin cần được chú trọng và tích cực hơn nữa. Ba là, cần chú ý đến các lĩnh vực đang được chú ý mạnh như tiêu dùng và công nghiệp. Đây cũng là lĩnh vực mà tầng lớp trung lưu đang tập trung. 

Thêm vào đó, thời gian tới, không chỉ doanh nghiệp nhà nước mà còn doanh nghiệp tư nhân cũng sẽ là đối tượng cho các thương M&A, kể cả với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo ông Jeffrey Pirie, có 4 ưu điểm nổi bật của hoạt động M&A:

Thứ nhất là năng lực. Một khi hoạt động M&A diễn ra, tất cả mọi người trong các tổ chức sẽ có năng lực giỏi hơn thông qua việc áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm vận hành.

Thứ hai là cạnh tranh. M&A sẽ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao hơn với hiệu quả sử dụng cao hơn và với giá cả thấp hơn.

Thứ ba là vốn. Bởi khu vực Đông Nam Á được nhận định là nhà nhập khẩu vốn quan trọng trên thế giới. Đây là một luồng vốn lâu dài, ổn định và cố định, là yếu tố quan trọng cho thị trường mới nổi như Việt Nam. Vì thế, Việt Nam đang được đặt kỳ vọng vào các hoạt động M&A đặc biệt khi giới trung lưu đang ngày càng phát triển mạnh. 

Thứ 4 là nhân tố. Một khi nhân tố thay đổi sẽ làm cho câu chuyện tại Việt Nam từ tốt đến tốt hơn, thậm chí tốt nhất.

Hải Yên (Tin Tức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem