Sẽ không thuyết phục nếu người làm oan ông Chấn được hưởng án treo

Lương Kết (thực hiện) Chủ nhật, ngày 22/01/2017 11:19 AM (GMT+7)
“Hậu quả trong vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn là rất lớn, thứ nhất là cho cá nhân và gia đình ông Chấn, thứ hai Nhà nước phải bỏ ra một khoản tiền ngân sách hơn 7 tỷ đồng để bồi thường oan sai, thứ ba nó gây ảnh hưởng lớn uy tín của nền tư pháp nước nhà”.
Bình luận 0

Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhìn nhận như vậy khi trao đổi với Dân Việt xung quanh vụ xử 2 cựu cán bộ làm oan ông Nguyễn Thanh Chấn.

img

Bị cáo Vinh và Luật tại phiên tòa. (Ảnh: PLO)

Theo dõi phiên tòa xét xử hai bị cáo gây oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) qua báo chí, ông thấy sao khi bị cáo Trần Nhật Luật - nguyên điều tra viên chính thụ lý vụ án - vẫn nói đến giờ vẫn chưa biết ông Chấn oan như thế nào?

- Về phiên tòa xét xử hai bị cáo làm oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Trần Nhật Luật nói đến giờ cũng chưa biết ông Chấn oan như thế nào, bởi theo ông Luật các chứng cứ đều “rất chuẩn”. Tư duy pháp lý của người làm tố tụng như trường hợp ông Luật là rất bảo thủ. Ở vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, cho đến nay cơ quan chức năng đã xem xét lại tất cả các quy trình tố tụng một cách kỹ lưỡng và xác định ông Chấn bị kết án oan. Khi ông Chấn đã bị oan, đồng nghĩa với việc tất cả các quy trình để kết tội ông là không chuẩn xác.

Vị nguyên điều tra viên vụ ông Chấn có quyền không nhận tội, có quyền đưa ra lý lẽ để bao biện cho việc làm của mình trước đây. Nhưng nói chưa biết ông Chấn oan như nào thì không thể chấp nhận. Trong một vụ án hình sự, những người tiến hành tố tụng nếu áp dụng quy trình tố tụng một cách chặt chẽ, làm có trách nhiệm, không nóng vội, không vì thành tích thì làm sao dẫn tới oan sai?

Việc một người không phạm tội như ông Chấn, trường hợp nếu có bị bắt để điều tra thì cũng bộc lộ những điểm bất thường mà những người tiến hành tố tụng phải thấy rõ?

- Để điều tra vụ án phải dựa trên cơ sở chứng cứ. Trong khoa học hình sự chứng cứ gồm vật chứng; lời khai của bị can, bị cáo, người làm chứng, bị hại, người liên quan; kết luận giám định; biên bản về hoạt động điều tra... Chứng cứ là những gì có thật, thu thập một cách hợp pháp. Trên cơ sở rất nhiều chứng cứ, người tiến hành tố tụng mới đánh giá, cân nhắc xem chứng cứ nào là xác đáng. Như ông Chấn từng nói trên báo chí, việc ông phải khai nhận hành vi giết người là vì bị ép cung, mớm cung (việc này có ông Chấn và các điều tra viên rõ). Vậy chứng cứ đó làm sao coi là hợp pháp được?

Tôi nghĩ người điều tra viên không có vấn đề gì thù oán với ông Chấn cả, tuy nhiên có thể do vụ án đã trót khởi tố, tạm giam bị can thì những người tiến hành tố tụng sẽ cố gắng bảo lưu quan điểm của mình đến cùng cho dù có những điểm bất thường. Làm thế là để bảo vệ sinh mạng chính trị của họ.

Hai bị cáo trong vụ gây oan cho ông Chấn được chuyển tội danh từ tội Làm sai lệch hồ sơ vụ án sang tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, và chỉ bị đề nghị hình phạt tù cho hưởng án treo, ông thấy sao?

- Hai bị cáo đã làm oan cho Chấn được đại diện Viện KSND Bắc Giang giữ quyền công tố tại tòa chuyển tội danh là có lợi cho họ. Là luật sư, tôi ủng hộ quan điểm bản chất vụ án thế nào thì xử lý thế đó chứ không phải chạy theo sức ép của dư luận. Tuy nhiên, tôi thấy nếu chuyển tội sang tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cho 2 người này là chưa thỏa đáng.

Hậu quả trong vụ án ông Chấn là rất lớn, thứ nhất là cho cá nhân và gia đình ông Chấn, thứ hai Nhà nước phải bỏ ra một khoản tiền ngân sách hơn 7 tỷ đồng để bồi thường oan sai, thứ ba nó gây ảnh hưởng lớn uy tín của nền tư pháp nước nhà. Hậu quả như vậy mà người đã gây ra chỉ phải chịu hình phạt tù cho hưởng án treo thì có lẽ người dân sẽ không thấy thuyết phục, không hài lòng. Người dân sẽ đánh giá việc xử lý kiểu này là hời hợt, xử lý cho có.

Vụ án của ông Chấn đã trải qua hết các giai đoạn tố tụng, như vậy ngoài hai bị cáo nguyên là điều tra viên, kiểm sát viên, (một cựu thẩm phán đang được tạm đình chỉ vụ án do bệnh) thì trách nhiệm của những người liên quan khác thế nào cũng cần phải làm rõ hơn. Chẳng hạn như trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trong việc tổ chức và chỉ đạo hoạt động điều tra, ký kết luận điều tra. Trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện KSND trong việc tổ chức và chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố rồi, ký cáo trạng. Trách nhiệm của thẩm phán và các hội thẩm nhân dân ở phiên tòa sơ thẩm, rồi trách nhiệm các thẩm phán phiên tòa phúc thẩm.

- Xin cảm ơn ông.

Theo dự kiến ngày 23.1, TAND tỉnh Bắc Giang sẽ tuyên án với hai bị cáo Đặng Thế Vinh (nguyên Trưởng phòng 10, Viện KSND tỉnh Bắc Giang) và Trần Nhật Luật (nguyên Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang, điều tra viên trong vụ án ông Chấn). Tại phiên tòa, cả bị cáo Vinh và Luật đều nói mình không phạm tội.

Tại phần tranh luận, đại diện Viện KSND tỉnh Bắc Giang (được Viện KSND Tối cao ủy quyền công tố) cho rằng không có cơ sở quy kết bị cáo Luật, Vinh phạm tội Làm sai lệch hồ sơ vụ án như cáo trạng truy tố trước đó.

Đại diện VKS đề nghị chuyển tội danh với hai bị cáo thành tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và đề nghị HĐXX phạt bị cáo Vinh 8-10 tháng tù cho hưởng án treo, bị cáo Luật 12-15 tháng tù cho hưởng án treo. Mức án này thấp hơn so với khung hình phạt đại diện VKS đề nghị (tối thiểu ba năm tù) và càng thấp hơn so với khung hình phạt Viện KSND Tối cao truy tố (tối thiểu bảy năm tù).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem