Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chiều 17/7, tại TP.Cần Thơ, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức hội thảo tham vấn về đánh giá, xếp hạng môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp.
Theo thông tin được đưa ra tại hội thảo, việc xếp hạng môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp là hết sức cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế". Qua đó, thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể, đặc biệt là hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đây là cũng là nhiệm vụ của Chính phủ giao cho Bộ NNPTNT thực hiện. Theo đó, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cùng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp tham mưu cho Bộ NNPTNT triển khai.
Để xếp hạng môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp cần phải có bộ chỉ số đánh giá (gọi tắt là CGI).
CGI gồm có 9 chỉ số thành phần và 44 chỉ tiêu nhỏ. Trong đó, riêng về các chỉ số, tập trung đánh giá về tăng trưởng số lượng và quy mô hợp tác xã, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, năng lực sản xuất và cung ứng dịch vụ, kết quả hoạt động kinh doanh, quản trị công khai minh bạch của hợp tác xã nông nghiệp, mức độ hài lòng với các chính sách, thể chế hỗ trợ hợp tác xã...
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, đối tượng sử dụng bộ chỉ số đánh giá gồm nhiều đơn vị. Cụ thể, lãnh đạo cơ quan các cấp ở các địa phương sử dụng CGI làm thước đo thành công hàng năm về cải cách thủ tục và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển và hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp. Hợp tác xã và các thành viên sử dụng CGI để giám sát hoạt động của chính quyền địa phương trong các thủ tục hành chính.
Các nhà hoạch định chính sách trung ương tham khảo các chỉ tiêu của CGI làm tiêu chí đánh giá cho nhiều chính sách về hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Giới nghiên cứu, học giả khai thác bộ dữ liệu CGI cho các nghiên cứu, phân tích khoa học.
PGS.TS Chu Tiến Quang - nguyên Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho biết, xếp hạng môi trường kinh doanh hợp tác xã không dễ. Theo PGS.TS Chu Tiến Quang, khi nói đến môi trường kinh doanh đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp phải xem xét môi trường bên trong (vật tư đầu vào, quá trình sản xuất, kinh doanh,...) và môi trường bên ngoài (thị trường, giao dịch bên ngoài,...).
Để được xếp hạng môi trường kinh doanh cao, đối với mô trường bên trong, các địa phương cần tạo điều kiện để tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động đạt kết quả tốt, có tư vấn, giám sát và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Đối với môi trường bên ngoài, các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và cơ quan chính quyền địa phương các cấp phải có trách nhiệm thúc đẩy phát triển trong tạo lập và vận hành pháp luật, chính sách đối với tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp.
Theo TS.Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thời gian qua, việc cải cách môi trường kinh doanh đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng. Tuy vậy, quá trình thực thi còn nhiều bất cập, hạn chế.
Cụ thể, các chương trình cải cách môi trường kinh doanh còn nhấn mạnh nhiều hơn tới khu vực doanh nghiệp, hàm lượng nội dung, giải pháp cho kinh tế tập thể, hợp tác xã còn mờ nhạt, khó xác định, không xuất phát từ nhu cầu thực tế, chồng chéo về nội dung. Ngoài ra còn có thiếu cơ chế, chính sách đặc thù.
Trong thời gian tới, để nâng cao thứ hạng môi trường kinh doanh, TS.Nguyễn Minh Thảo cho rằng, chủ yếu là cần giảm thời gian, giảm thủ tục, giảm chi phí đầu tư đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp. Để làm được vấn đề trên, cần có lộ trình cụ thể, tốt nhất là từng năm, từng vấn đề theo định hướng phát triển và đặc thù địa phương. Song song đó phải có sự giám sát, đánh giá.
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nhận định việc xếp hạng môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp là vấn đề khó. Bởi nó không giống môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, rất cần cụ thể hóa ở từng địa phương.
"Phía Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn sẽ tổng hợp ký kiến các đại biểu sau đó cùng các chuyên gia nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá. Đây là vấn đề khó nên đi từng bước, trước mắt là thực hiện thí điểm tại một số tỉnh trong năm 2024" - ông Thịnh nói.
Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thông tin thêm: "Việc xếp hạng môi trường kinh doanh cấp tỉnh đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp sẽ công bố thường niên hàng năm. Để minh bạch, công bằng nhất đối với các địa phương, sẽ có đơn vị sự nghiệp chịu trách nhiệm đi thu thập thông tin".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.