Siết ‘bán giấy gọi tiền’, ngăn ngân hàng ‘làm xiếc’ con số

28/11/2021 08:28 GMT+7
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2022.

Thông tư 16, siết chặt việc "bán giấy gọi tiền"

Theo quy định tại Thông tư 16/2021/TT-NHNN (Thông tư 16), tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong 3 trường hợp.

Thứ nhất, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành.

Thứ hai, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác.

Thứ ba, trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.

Siết ‘bán giấy gọi tiền’, ngăn ngân hàng ‘làm xiếc’ con số - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước nhiều lần cảnh báo, "siết" việc mua trái phiếu doanh nghiệp. (Ảnh: SBV)

Cũng theo Thông tư 16, TCTD không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp TCTD là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

Thêm quy định nữa, đó là trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà TCTD đã bán và hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà TCTD đã mua.

Siết ‘bán giấy gọi tiền’, ngăn ngân hàng ‘làm xiếc’ con số - Ảnh 2.

Nguồn: HNX, SSI tổng hợp.

Thông tư 16 được ban hành khi hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng 18,6% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước. Các ngân hàng là nhóm nhà đầu tư mua chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp với 56% tổng giá trị phát hành và công ty chứng khoán chiếm 36,3% - theo thống kê của FiinGroup.

Đáng nói, theo các chuyên gia của SSI - phần lớn trái phiếu doanh nghiệp được phát hành đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán. Một số doanh nghiệp công bố huy động vốn với lãi suất cao nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng nên không đảm bảo cho khả năng trả nợ gốc và lãi sau này.

"Trong ngắn hạn, rủi ro vỡ nợ đến từ các doanh nghiệp này là chưa nhiều khi thời điểm đáo hạn sẽ rơi nhiều vào năm 2023 - 2024. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện tại sẽ đẩy nhanh nguy cơ vỡ nợ từ các doanh nghiệp này khi không thể kiểm soát được dòng tiền khiến dòng tiền bị mất cân đối", các chuyên gia SSI nhận định.

"Lằn ranh đỏ" của Việt Nam

Đánh giá về Thông tư 16 tại góc nhìn Tài chính và Kinh doanh, ông Phan Lê Thành Long (Long Phan), sáng lập và CEO của AFA Group cho biết, những quy định trong Thông tư 16 sẽ là "van" điều tiết vốn tín dụng vào trái phiếu bất động sản.

Ông Long phân tích, mua trái phiếu phát hành với mục đích đầu tư vào doanh nghiệp khác hay nói cách khác mua lại doanh nghiệp sở hữu dự án, là nghiệp vụ Evergrande dùng rất nhiều để thâu tóm dự án. Quy định tại Thông tư 16 sẽ ngăn ngừa các giao dịch tương tự ở Việt Nam.

Siết ‘bán giấy gọi tiền’, ngăn ngân hàng ‘làm xiếc’ con số - Ảnh 3.

Thông tư 16 sẽ là "van" điều tiết vốn tín dụng vào trái phiếu bất động sản. (Ảnh: TBKD)

Về quy định không được mua trái phiếu phát hành để trả nợ cũ, theo ông Long, thực tế rất nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu dài hạn (5-10 năm) nhưng trái chủ được quyền bán lại cho doanh nghiệp phát hành sau 1 năm, thực chất là trái phiếu ngắn hạn. Vì thế một lượng lớn trái phiếu phát hành mới là để mua lại (đảo nợ) trái phiếu cũ.

"Thông tư 16 quả thực là tầm nhìn của Ngân hàng Nhà nước, tôi đánh giá rất cao. Thông tư 16 có vẻ là "Lằn ranh đỏ" phiên bản Việt (nhưng mức độ nhẹ) tạo van nắn dòng vốn tín dụng không chảy vào những lĩnh vực nóng, có thể gây bất ổn vĩ mô. Ổn định vĩ mô là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp phát triển kinh doanh. Bài học tăng trưởng nóng 2006-2008 với tăng trưởng tín dụng khủng dẫn tới đình lạm trong giai đoạn 2008-2013 khiến Chính phủ ngày càng kiên định hơn với mục tiêu ổn định vĩ mô", chuyên gia này nhấn mạnh.

Với Thông tư 16, các doanh nghiệp Bất động sản buộc phải đảm bảo được thanh khoản, và phát triển thực chất. Giá bất động sản có thể không bị đẩy lên rất cao trong thời gian tới.

Tác động đối với các ngân hàng, theo ông Long quy định TCTD không được mua lại trái phiếu vừa bán, chỉ được mua lại sau 12 tháng nhằm ngăn nghiệp vụ Repo trái phiếu, làm đẹp các con số.

Bởi theo chuyên gia, thông thường đến thời điểm cuối năm, những ngân hàng "chạm" trần tín dụng cho phép của Ngân hàng Nhà nước có thể "lách" bằng cách bán đi trái phiếu của doanh nghiệp A chẳng hạn, từ đó làm giảm tăng trưởng tín dụng xuống. Nếu không có quy định TCTD không được mua lại trái phiếu vừa bán, sau khi đã làm đẹp được con số tăng trưởng tín dụng bằng cách trên, ngay ngày đầu tiên của năm sau, ngân hàng đã có thể mua lại lượng trái phiếu này.

Như vậy, Thông tư 16 sẽ kiểm soát việc các ngân hàng sử dụng các biện pháp kĩ thuật để lách các tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước.

Ở góc nhìn khác, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, quy định các ngân hàng không được bán và mua lại trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết trong vòng 12 tháng, sẽ có tác động không đáng kể do trước đây các ngân hàng không tham gia vào các hoạt động này. Bởi các ngân hàng trước đây kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng cách bán trái phiếu doanh nghiệp vào cuối năm và sau đó mua lại vào năm mới, tuy nhiên, hành vi này hiện đã bị cấm bởi quy định trước đó.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục