Luật “né”
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhận xét: Nhiều quy định trong luật chưa cụ thể, rõ ràng. Ví dụ tầm quan trọng của hội đồng trường. Nếu không có hội đồng trường thì như một quốc gia muốn thực hiện dân chủ mà chỉ có Chính phủ, không có Quốc hội... Chính vì vậy, theo đại biểu Nghĩa, cần phải bổ sung lấy ý kiến cụ thể hơn về nhiều khía cạnh của dự thảo luật để luật hoàn thiện và có chất lượng hơn.
|
Giờ học máy tính của sinh viên Trường ĐH Thăng Long (Hà Nội). |
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nghĩa, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu) bày tỏ quan điểm: Dự luật còn nhiều điều chung chung, chẳng hạn có tới hơn 20 điều cần phải có sự hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới thực hiện được”.
“Để những quy định trong Luật Giáo dục ĐH khi thông qua có ý nghĩa thực tiễn và hiệu quả, cần có sự tổng kết mô hình giáo dục đại học hai cấp hiện nay, thông qua các trường hợp cụ thể như ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên, ĐH Cần Thơ… và ngay 2 ĐH Quốc gia cũng cần có thống kê hiệu quả mô hình hoạt động” - đại biểu Tuyết đề xuất.
Nên chăng cần thành lập Quỹ Giáo dục ĐH và quy định chỉ có trường vượt qua quá trình kiểm định chất lượng thì sinh viên mới được vay vốn từ quỹ này.
Đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (Long An)Phát biểu của đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) gây được sự chú ý khi thẳng thắn cho rằng, dự luật còn “né” quá nhiều nội dung. “Nhiều điều luật không cụ thể mà lại né để dành cho Chính phủ quy định. Ví dụ về các quy định tự chủ, tự chịu trách nhiệm”.
Đề nghị ban soạn thảo nên viết thành một chương về nội dung “tự chủ tự chịu trách nhiệm của trường ĐH” vì theo đại biểu Đáng: “Linh hồn của trường ĐH là quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Chính vì vậy phải hết sức đề cao nội dung này trong luật”.
Chỉ 200/400 trường đúng tầm trường đại học
Đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) cho rằng, hiện nay chỉ có hơn 200/400 trường ĐH đúng nghĩa là ĐH, còn lại chỉ là trường CĐ. Vì vậy, rất cần phải có sự kiểm định nghiêm túc, kịp thời để công khai minh bạch chất lượng.
Xung quanh vấn đề tự chủ của các trường ĐH, đại biểu Học hoan nghênh việc ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến để bổ sung vào luật, nhưng những tiêu chí để cho phép trường được tự chủ thì khó xác định trên thực tế, dễ gây cơ chế xin cho quyền tự chủ. Vì vậy, ông Học đề xuất: Nên sớm giao cho bộ, ngành đề ra bộ quy chế cho các trường được phép tự chủ.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nhận xét: Hoạt động kiểm định chất lượng nói chung của ta còn kém, trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục cũng không nằm ngoài yếu kém này. Đã nhận thức kiểm định giáo dục kém thì nên tập trung xử lý để thúc đẩy việc này mạnh hơn. Có như vậy mới tạo được động cơ để các trường tự nâng cao chất lượng, bớt đi khó khăn cho Bộ GDĐT trong công tác quản lý chất lượng giáo dục.
Đại biểu Công Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông) cho rằng: Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH cần phải có sự tham gia của 3 đối tượng: Nhà nước, xã hội và Bộ GDĐT. Có như vậy mới tạo được cơ chế kiểm định nghiêm ngặt.
Phân bổ ngân sách T.Ư 2012: Ưu tiên đầu tư nông nghiệp, nông thôn các tỉnh khó khăn
Chiều 14.11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách T.Ư năm 2012. Trong đó tổng số thu ngân sách T.Ư là 493.675 tỷ đồng, tổng số thu ngân sách địa phương là 269.225 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách T.Ư năm 2012 là 633.875 tỷ đồng, trong đó có 151.633 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách T.Ư cho ngân sách địa phương.
Nghị quyết phân bổ ngân sách T.Ư năm 2012 đã quyết định: Ngân sách T.Ư tập trung hỗ trợ một phần vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, chỉ cân đối được ngân sách địa phương từ 50% trở xuống, ưu tiên các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Chính phủ rà soát, xây dựng phương án phân bổ 2.097 tỷ đồng vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản, 820 tỷ đồng vốn hỗ trợ hạ tầng du lịch cho từng địa phương, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trước 31.12.2011.
Phương Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.