Siết trường công có cứu được trường tư?

Tùng Anh Thứ năm, ngày 05/01/2017 06:35 AM (GMT+7)
Phát triển trường ĐH ngoài công lập (ĐHNCL) là xu thế tất yếu mà giáo dục Việt Nam phải hướng tới. Theo các chuyên gia giáo dục, cắt giảm chỉ tiêu các trường công lập sẽ “cứu” được các trường tư đang “hấp hối”.
Bình luận 0

Trường tư... nghẹt thở

Hiện cả nước chỉ có 84 trường ĐHNCL với 330.000 sinh viên (chiếm 14% sinh viên cả nước), nhưng để duy trì được con số ít ỏi này, các trường ĐHNCL năm nào cũng phải “gồng mình” trong cuộc chiến tuyển sinh. Phải cạnh tranh không mệt mỏi với những trường công lập được ưu đãi nhiều về chính sách, tài chính của Nhà nước. Mới đây, khi Bộ GDĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 với việc bỏ điểm sàn, nhiều trường ĐHNCL lo lắng sẽ “chết mòn” trong những năm tới.

img

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 (ảnh minh họa). Ảnh: Tùng Anh

Bộ GDĐT chủ trương sẽ không mở thêm các trường ĐH công lập trong thời gian tới. Còn đối với các trường ĐHNCL nếu đầu tư tốt, chất lượng cao, có hoạch định chiến lược phát triển rõ ràng vẫn sẽ được khuyến khích và xem xét thành lập”.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga   

TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT cho rằng, xã hội đang có rất nhiều hoài nghi về chất lượng đào tạo các trường ĐHNCL. Họ cho rằng các trường ĐHNCL nở rộ chính là nguyên nhân khiến cạn kiệt nguồn tuyển, khó cạnh tranh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong 15 năm qua, chỉ có 43 trường ĐHNCL được thành lập. Cũng trong thời gian này, số trường ĐH công lập ra đời là 111 trường. Như vậy, cứ 1 trường ĐH tư thành lập thì có 2,6 trường công ĐH ra đời.

Sự nở rộ của các trường công được “bảo lãnh” bởi các chính sách đã khiến chính các trường công không thể tuyển đủ thí sinh trong những năm gần đây. Điều này khiến trường công giảm điểm chuẩn xét tuyển sát sàn, đó là lý do khiến trường tư bị bóp nghẹt.

Theo ông Tùng, nếu vẫn để tình trạng này thì mục tiêu xã hội hóa giáo dục đến năm 2020 mà ta từng đặt ra (có 30 – 40% sinh viên trường NCL) sẽ không thể thực hiện được. Trong khi đó, nếu như vẫn có ý định phát triển trường ĐHNCL, thì theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, giải pháp quan trọng nhất là thu hẹp hệ thống trường công.

"Có thể thực hiện theo cách giảm chỉ tiêu các trường công mỗi năm 5% trong 7 năm để tạo thị trường (và qua đó là chất lượng) cho các trường tư" - ông Tùng kiến nghị.

GS Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cũng cho rằng cần phân tầng tuyển sinh một cách cụ thể: “Ở nhiều nước trên thế giới, ví dụ tại Mỹ, các trường ĐH tầng trên được tuyển khoảng 12% chỉ tiêu của bang đó, tầng giữa khoảng 30%, còn lại là tầng dưới. Ở nước ta thì không thế, phần lớn các trường đều muốn tuyển sinh thật nhiều để tăng thu nhập. Chính vì vậy, các trường tầng trên, tầng giữa vét hết thí sinh của trường tầng dưới, khiến các trường này sống dở chết dở” – ông Thiệp nói.

Ông Thiệp cũng đề xuất, không cần phân biệt trường công – tư, nhưng cần nhanh chóng xếp hạng, phân tầng ĐH. Trường nào ở tầng nào làm đúng “phận sự” tầng đó. “Dù chưa quy định rõ ràng nhưng Bộ cũng đã có quy định 16 trường ĐH, học viện trọng điểm quốc gia, 2 ĐH quốc gia và 5 ĐH vùng là ĐH tầng trên. Các trường này nên làm nhiệm vụ của mình, không nên lấn sân tầng dưới” – ông Thiệp nói.

Khó tùy tiện tăng, giảm chỉ tiêu  

Trước những đề xuất này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, việc cắt giảm chỉ tiêu trường công hay tư không thể làm một cách cơ học. Theo bà Phụng, về nguyên tắc, trường công và trường tư đều bình đẳng trước pháp luật. “Thực tế tuyển sinh những năm gần đây cho thấy, thí sinh không đăng ký vào học một số trường không phải là do thiếu nguồn tuyển mà do các trường, ngành này chưa xây dựng được uy tín chất lượng để thu hút thí sinh. Vì thế không có cơ sở nào để khẳng định nếu giảm chỉ tiêu của trường công thì các thí sinh đó sẽ vào học trường ngoài công lập” – bà Phụng nói.

Một chuyên gia giáo dục khác phân tích, việc cắt giảm chỉ tiêu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó phải có sự điều tiết, dự báo của thị trường lao động. “Sự lựa chọn việc học trường công – tư là do tâm lý và sự quyết định của người học. Không thể dùng chính sách để “cưỡng chế” người học học trường mình không muốn được” – chuyên gia này nói.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga chứng minh thêm, năm 2016 kết thúc xét tuyển nguyện vọng 1, cả nước còn khoảng trên 100.000 thí sinh có điểm trên sàn nhưng không nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2. “Điều đó chứng tỏ, thí sinh không có nhu cầu học ĐH chứ không phải tại trường công hay trường tư” – ông Ga nói.

Tuy nhiên, ông Ga cũng thừa nhận, dư luận vẫn chưa đối xử “công bằng” với các trường NCL để tạo cơ hội cho khối trường này phát triển song hành với trường ĐH công lập. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem