Siêu bão mạnh nhất từng đổ bộ vào Philippines khiến hơn 6.000 người thiệt mạng

Đăng Nguyễn - Tổng hợp Thứ năm, ngày 29/10/2020 12:55 PM (GMT+7)
Hình ảnh tan hoang ở Philippines sau khi siêu bão Hải Yến tràn qua năm 2013 gây chấn động cộng đồng quốc tế. Ký ức về siêu bão Hải Yến vẫn còn ám ảnh người dân Philippines và đây là siêu bão mạnh nhất từng đổ bộ vào quốc gia này kể từ khi giành độc lập năm 1898.
Bình luận 0

Sóng lớn ập vào vùng bờ biển Philippines ở phía đông đảo Samar, lúc 6 giờ sáng ngày 8.11.2013.

4 giờ 40 phút sáng ngày 8.11.2013, thành phố Guiuan, đô thị cấp 2 ở tỉnh Đông Samar với khoảng 52.000 người dân, là khu vực đầu tiên ở Philippines hứng chịu siêu bão Hải Yến (Philippines gọi là Yolanda).

Thị trưởng thành phố ra thông báo ghi nhận “100% thiệt hại”. Ước tính hơn 10.000 căn nhà bị bão phá hủy hoàn toàn và 1.600 căn nhà khác bị hư hại một phần.

Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) ở thời điểm đó cho biết, siêu bão Hải Yến có sức gió lên tới 315 km/giờ ở thời điểm đổ bộ vào Philippines và là siêu bão nhiệt đới mạnh nhất con người từng thống kê được qua sức gió.

Siêu bão tràn qua Philippines như bom nguyên tử

Hình thành ở Thái Bình Dương, siêu bão Hải Yến ban đầu chỉ là áp thấp nhiệt đới, mạnh lên thành bão vào ngày 5.11.2013. Chỉ trong 4 ngày, siêu bão đạt tới cấp 5, cấp cao nhất trong thang đo sức mạnh bão ở Mỹ.

Đảo Leyte và Samar của Philippines là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của siêu bão Hải Yến. Tổng cộng có khoảng 4 triệu người Philippines sống tại hai hòn đảo này. Các thị trấn và thành phố ở hai hòn đảo hầu như bị phá hủy hoàn toàn.

Theo Cơ quan Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai Quốc gia Philippines (NDRRMC), 6.300 người đã thiệt mạng vì Haiyan, 1.062 người mất tích và 28.688 người bị thương. Tổng cộng số người chết và mất tích là hơn 7.300 người.

img

Ảnh vệ tinh chụp siêu bão Hải Yến vào ngày 7.11.2013.

Trong khi sức gió mạnh khủng khiếp gây thiệt hại lớn, siêu bão tạo nên những đợt sóng cao chưa từng thấy là nguyên nhân chính khiến số người thiệt mạng cao kỷ lục. Những đợt sóng cao từ 5-6 mét ập thẳng vào thành phố Tacloban, nơi có số dân khoảng 242.000 người. Sóng mạnh đến mức tràn sâu vào trong đất liền tới 2km và khiến các nạn nhân chết đuối.

12.270 căn nhà bị phá hủy và 46.553 bị hư hại một phần ở Tacloban. Các thi thể được tìm thấy rải rác khắp Tacloban. Những người sống sót cho biết, họ nhìn thấy tàu chở hàng ở trên biển cũng bị sóng cuốn vào đất liền.

Đổ sập, tan nát là những gì người Philippines nhìn thấy ở Tacloban. “Chẳng khác gì Tacloban mới bị dội bom nguyên tử", một người thốt lên.

Giáp ranh với Tacloban, thành phố Ormoc, có số dân khoảng 190.000 người, ghi nhận 90% thiệt hại liên quan đến nhà cửa. 15 giờ sau lần đổ bộ đầu tiên, siêu bão Hải Yến đã 6 lần đổ bộ vào đất liền, gây thiệt hại nặng nề.

Đảo Busuanga ở tỉnh Palawan là nơi cuối cùng nằm trên đường di chuyển của siêu bão Hải Yến. cách Tacloban khoảng 550km. Tỉnh Palawan ghi nhận 18.761 căn nhà bị hư hại.

img

Cảnh tượng tan hoang ở thành phố Tacloban, Philippines.

Thiệt hại mà siêu bão Hải Yến gây ra ở Philippines là cực kỳ to lớn. Tổng cộng có 1,14 triệu căn nhà bị hư hại, 591 khu đô thị với 16 triệu người bị ảnh hưởng. 4 triệu người phải rời nhà cửa sơ tán. Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 13 tỉ USD.

Vì sao siêu bão Hải Yến lại gây thiệt hại lớn đến vậy?

Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), với sức gió lên tới 315 km/giờ, siêu bão Hải Yến là cơn bão duy trì sức gió mạnh nhất khi đổ bộ vào đất liền. Các cơn bão khác thường sẽ đạt sức gió mạnh nhất khi di chuyển ở đại dương và đến khi đổ bộ vào đất liền đã suy yếu.

Sức gió mạnh kéo theo những đợt sóng cao 5-7 mét, ập vào thành phố ven biển như Tacloban, đã gây thương vong lớn. Nhìn chung, siêu bão Hải Yến quét qua hàng loạt hòn đảo ở Philippines với tổng diện tích tương đương Bồ Đào Nha.

Một nguyên nhân khác khiến siêu bão gây thiệt hại nặng nề là vì không phải nơi nào ở Philippines cũng có dãy núi bảo vệ như đảo Luzon. Những hòn đảo nhỏ hơn, trống trải hơn nằm trên đường đi của siêu bão Hải Yến chịu thiệt hại nặng nề nhất.

img

Thiệt hại trên đảo Panay, miền trung Philippines.

Thành phố Tacloban nằm ở khu vực tương đối thấp so với mực nước biển, lại kẹp giữa đảo Leyte và Samar, càng làm gia tăng thêm thiệt hại do siêu bão gây ra.

Bên cạnh đó, dù đã có cảnh báo bão từ sớm, giới chức Philippines thừa nhận người dân ở những vùng bị ảnh hưởng không lường trước những đợt sóng cao khủng khiếp. Lần cuối Tacloban hứng chịu đợt sóng cao vài mét là vào năm 1887, hơn một thế kỷ trước khi siêu bão Hải Yến đổ bộ.

Ở khu vực mà người dân còn sử dụng tiếng địa phương, giới chức Philippines rất khó khăn để khuyên bảo người dân sơ tán.

Đối với một quốc gia có 1/5 số người dân có mức thu nhập dưới 2 USD/ngày, rất khó để Philippines chống đỡ siêu bão. Nhiều nạn nhân xây nhà tạm ven biển, sinh sống qua ngày bằng cách trồng trọt, ra khơi đánh bắt cá.

Cuối cùng, chính quyền địa phương Philippines đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của bão, không kịp thời xây thêm nơi trú ẩn cho người dân và không kịp sơ tán nơi cộng đồng dân cư bị đe dọa đến nơi an toàn hơn.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem