Siêu đập thủy điện chặn dòng sông Nile: Ethiopia tuyên bố chấn động với Ai Cập

Đăng Nguyễn - Tổng hợp Thứ năm, ngày 16/07/2020 10:25 AM (GMT+7)
Ethiopia đã chính thức chặn dòng sông Nile để tích nước cho công trình thủy điện lớn nhất châu Phi, giới chức nước này xác nhận, sau khi đàm phán với Ai Cập và Sudan thất bại.
Bình luận 0

img

Đập Đại Phục Hưng đã mở rộng đáng kể hồ thủy điện.

“Hoạt động xây dựng đập thủy điện và tích nước diễn ra đồng thời”, Bộ trưởng Tài nguyên nước Ethiopia, Seleshi Bekele phát biểu trên truyền hình. “Hoạt động tích nước cho siêu đập thủy điện đang diễn ra và không cần chờ đến khi đập thủy được xây xong”.

Mực nước ở hồ thủy điện đã tăng từ 525 mét lên tới 560 mét, ông Bekele cho biết. Ai Cập ngay lập tức bày tỏ sự quan ngại và yêu cầu Ethiopia giải thích rõ vấn đề.

Siêu đập thủy điện Ethiopia xây dựng ở thượng nguồn sông Nile là nơi 90% lượng nước đổ vào sông Nile đoạn chảy qua Ai Cập ở hạ lưu.

Hồi tháng trước, Ai Cập từng tuyên bố tại Liên Hợp Quốc rằng siêu đập thủy điện Đại Phục Hưng của Ethiopia đang "đe dọa đến sự tồn vong” của nước này.

Sudan, quốc gia nằm giữa Ai Cập và Ethiopia, ghi nhận tốc độ dòng chảy ở sông Nile đã giảm tới 90 triệu m3 mỗi ngày sau khi Ethiopia bắt đầu tích nước cho siêu đập thủy điện.

img

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy hồ thủy điện của đập Đại Phục Hưng đã mở rộng đáng kể về kích thước.

“Có dấu hiệu suy giảm dòng chảy ở đoạn sông Nile từ Ethiopia chảy qua Sudan. Đây là dấu hiệu đập Đại Phục Hưng đang tích nước”, Bộ Nông nghiệp Sudan cho biết.

Siêu đập thủy điện Đại Phục Hưng có chi phí xây dựng lên tới 4,8 tỉ USD, công suất phát điện tối đa 6.450MW – một khi toàn bộ các tổ máy hoạt động sẽ đưa Ethiopia trở thành quốc gia xuất khẩu điện lớn nhất châu Phi.

Ahmed Aboudouh, cây viết chuyên về Trung Đông, bình luận trên tờ The Independent, rằng Ai Cập đang bị đẩy vào đường cùng, có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài chiến tranh.

Nguồn nước sông Nile là yếu tố sống còn với Ai Cập, và có thể quyết định đến tương lai của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi.

Ông Sisi từng là nguyên soái quân đội Ai Cập trước khi dấn thân vào chính trị. Ông Sisi hiểu rằng thất bại trong đàm phán ngăn Ethiopia chặn dòng sông Nile có thể gây bất ổn trong nước, thậm chí là đảo chính quân sự, Aboudouh viết.

“Ông Sisi rất thất vọng với chiến lược của Ethiopia. Ai Cập đang tỏ ra kiềm chế quá mức mà không thu lại được bất cứ lợi ích nào”, Aboudouh dẫn nguồn tin từ Cairo.

Đây có thể là cơ sở khiến Ai Cập tìm kiếm giải pháp quân sự, bao gồm cả kịch bản không kích đập Đại Phục Hưng, Aboudouh viết.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem