Người dân địa phương đã phản đối dự án thủy điện từ 40 năm trước.
Khu vực hẻo lánh ở vùng núi Sierra Madre, cách thủ đô Manila khoảng 60km là nơi Trung Quốc hỗ trợ để Philippines xây đập Kaliwa. Dự án xây dựng siêu đập thủy điện trị giá 232 triệu USD này đe dọa đến cuộc sống của người bản địa thuộc bộ lạc Dumagat.
“Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi bị buộc phải chuyển đi nơi khác? Chúng tôi không biết đi đâu cả”, Dante Alcien, một người địa phương nói. “Chính phủ Trung Quốc đang gây tội lỗi khi xây đập ở đây. Họ đang xâm lược lãnh thổ của chúng tôi”.
Con đập khổng lồ được xây dựng để phục vụ nhu cầu điện năng cũng như an ninh nguồn nước ở thủ đô Manila, vốn đang ngày càng trở nên chật chội.
Chính phủ Philippines cho đến nay trấn an người địa phương rằng chỉ có 56 gia đình phải rời đi, nhưng sự thay đổi môi trường, vấn đề lụt lội là điều mà những người bản địa sống trong khu vực không được biết.
Trung Quốc muốn tài trợ để Philippines xây đập từ những năm 1970, nhưng nhà độc tài Ferdinand Marcos khi đó kiên quyết phản đối.
Mãi đến tháng 11 vừa qua, chính phủ của Tổng thống Rodrigo Duterte mới thông qua khoản vay tín dụng trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Manila.
Căn cứ quân sự Philippines trong khu vực.
Con đập dự kiến sẽ cung cấp thêm 600 triệu lít nước mỗi ngày đến thủ đô Manila. Chính phủ còn có kế hoạch vay thêm tiền của Trung Quốc để xây 2 con đập nữa trong khu vực.
Trung Quốc từ lâu đã vung tiền cho các quốc gia nước ngoài xây dựng các siêu dự án, với mục tiêu vươn tầm ảnh hưởng ra toàn cầu.
Chiến lược này bị chỉ trích là khiến nhiều quốc gia rơi vào “bẫy nợ”, phụ thuộc vào Trung Quốc. Chính quyền Philippines của Tổng thống Duterte lại rất đón chào Trung Quốc, thay vì phương Tây.
Quá trình xây dựng do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận, dự kiến hoàn tất vào năm 2023. Nhưng Philippines đã yêu cầu nhà thầu Trung Quốc phải làm xong vào năm 2022, thời điểm nhiệm kỳ của ông Duterte kết thúc. Ông Durtete còn đùa rằng sẽ “treo chủ thầu Trung Quốc lên cây” nếu không làm xong kịp tiến độ.
“Tôi đã buộc dây vào ông ta. Tôi đùa thôi”, ông Duterte nói. “Tôi yêu cầu họ phải làm xong trước khi tôi rời nhiệm sở. Họ là công ty lớn ở Trung Quốc và phải làm được”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang hồi tháng 11 nói không thể có chuyện Philippines rơi vào “bẫy nợ” vì các gói tín dụng đến từ Trung Quốc chỉ chiếm phần nhỏ khoản nợ Philippines vay của nước ngoài, tương đương 3%.
Ở nhiều khu vực, những người địa phương Philippines đã tham gia biểu tình phản đối dự án xây đập của Trung Quốc. “Chúng tôi đã ngăn tham vọng Trung Quốc trong 40 năm qua và chúng tôi sẽ vẫn làm như vậy trong tương lai”, một người dân nói.
“Tôi nhớ mình từng đi biểu tình khi còn trẻ”, một phụ nữ tên Miling, 66 tuổi nói. “Bởi vì đây là đất đai tổ tiên chúng tôi”.
Một cụ bà khác tên Loida nói mình nay không còn đi biểu tình được nữa vì tuổi già, nên nhiệm vụ này được chuyển cho thế hệ con cháu.
“Tôi từng nói chuyện thẳng với Tổng thống Duterte. Ông ấy hứa sẽ hỗ trợ mọi người. Nhưng ông ấy đang làm gì? Ông ấy muốn chúng tôi chết vì ngập lụt”, bà Loida nói.
Nhu cầu khai thác gỗ khổng lồ của Trung Quốc có thể khiến cả một quốc gia ở phía nam Thái Bình Dương không còn rừng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.