dd/mm/yyyy

Sìn Hồ khai thác hiệu quả tiềm năng lòng hồ thủy điện

Phát huy tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, những năm qua, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, đã giúp người nông dân phát triển hiệu quả nghề nuôi cá lồng, đánh bắt thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống người dân.

 Với đặc điểm có nhiều diện tích mặt nước lòng hồ của các thủy điện lớn, nhỏ trên địa bàn, những năm gần đây, cũng như nông dân Tây Bắc nói chung, nông dân tỉnh Lai Châu nói riêng, đặc biệt là nông dân ở huyện Sìn Hồ đã biết phát huy lợi thế diện tích mặt nước để phát triển nghề nuôi cá lồng nuôi trên các hồ thủy điện. 

Huyện Sìn Hồ có 8 xã nằm gần khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La, trong đó chủ yếu thuộc vùng thấp của huyện. Nhận định, khi lòng hồ thủy điện Sơn La hình thành, sẽ mở ra cơ hội mới cho các xã vùng thấp của huyện phát triển kinh tế và giảm nghèo. Với sự phong phú của các giống loài thủy sản, môi trường phù hợp với sự sinh trưởng của các giống cá nước ngọt, huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân các xã, bản đầu tư ngư cụ để đánh bắt tôm, cá. Cùng với việc đánh bắt thủy sản, người dân nơi đây còn mạnh dạn đầu tư làm lồng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện.

Sìn Hồ khai thác hiệu quả tiềm năng lòng hồ thủy điện - Ảnh 1.

Ông Đồng Văn Liệt, Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, thông tin: Diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La và các thủy điện trên sông Nậm Na của huyện có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản và phát triển vận tải đường thủy nội địa. Ảnh: Lê Nam

Trao đổi với phóng viên báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Đồng Văn Liệt, Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, thông tin thêm: Ngoài lợi thế về diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La và các thủy điện trên sông Nậm Na để phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là cá lồng, huyện Sìn Hồ còn có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp cho phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế. Diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người của huyện khá lớn, có tiềm năng để lựa chọn và phát triển cây công nghiệp quy mô lớn; phát triển mô hình nông – lâm kết hợp; phát triển chăn nuôi đại gia súc... 

Sìn Hồ khai thác hiệu quả tiềm năng lòng hồ thủy điện Sơn La - Ảnh 1.

Hàng năm, người dân ở các xã, bản của huyện Sìn Hồ đánh bắt được hàng trăm tấn cá, tôm các loại.

Bà Trần Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sìn Hồ, cho biết: Những năm qua, huyện Sìn Hồ đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển hiệu quả nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Trong đó, có chính sách hỗ trợ người dân phát triển nuôi cá lồng; khuyến khích các hộ dân đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, nuôi thả các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, như: Cá lăng, cá trắm đen...

Ngoài tăng cường công tác dự báo, phòng ngừa dịch bệnh cho thủy sản, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện, mở các lớp tập huấn cho người nông dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho thủy sản, hướng dẫn bà con lựa chọn các loại thức ăn phù hợp trong quá trình nuôi cá lồng.

Sìn Hồ khai thác hiệu quả tiềm năng lòng hồ thủy điện Sơn La - Ảnh 2.

Nhờ đánh bắt thủy sản, nuôi cá lồng mà thu nhập, đời sống của người dân huyện Sìn Hồ ngày càng được cải thiện.

Qua các lớp tập huấn kỹ thuật, các hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La nói riêng, lòng hồ thủy điện khác trên địa bàn huyện nói chung, mạnh dạn áp dụng vào chăm sóc các lồng cá của gia đình; thường xuyên vệ sinh lồng nuôi cá, đảm bảo sạch sẽ, không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nước, giúp cá sinh trưởng và phát triển tốt.

Tính đến thời điểm này, tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn toàn huyện là 176ha. Trên lòng hồ thủy điện Sơn La có 174 lồng nuôi cá, trong đó tập trung chủ yếu ở vùng lòng hồ thuộc các xã: Nậm Mạ 170 lồng; Nậm Cha 4 lồng. Với các giống cá nuôi chủ yếu là: Cá chép, cá chiên, cá lăng....

Sìn Hồ khai thác hiệu quả tiềm năng lòng hồ thủy điện - Ảnh 4.

Diện mạo vùng nông thôn của huyện Sìn Hồ ngày càng có nhiều đổi thay. Ảnh: Lê Nam

Theo bà Trần Thị Thu Hiền: Việc khai thác tiềm năng lòng hồ thủy điện Sơn La đã có những tiến bộ nhất định, bước đầu đã mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhờ đánh bắt thủy sản, nuôi cá lồng mà nhiều hộ dân ở các xã vùng thấp không chỉ thoát khỏi đói nghèo mà còn từng bước vươn lên làm giàu, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng lòng hồ thủy điện Sơn La còn hạn chế, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tính bền vững, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đa dạng, chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, an toàn; chưa gắn sản xuất với chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết, sản phẩm còn phụ thuộc nhiều vào thị trường.

Sìn Hồ khai thác hiệu quả tiềm năng lòng hồ thủy điện - Ảnh 5.

Các sản phẩm cá lồng của nông dân huyện Sìn Hồ nuôi trên lòng hồ thủy điện Sơn La và các thủy điện trên sông Nậm Na được đánh giá là sản phẩm thủy sản có chất lượng và an toàn.

Tiếp tục thông tin với phóng viên báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, bà Trần Thị Thu Hiền, cho biết: Việc quy hoạch nuôi trồng, khai thác đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn là hết sức cần thiết. Thời gian tới, huyện Sìn Hồ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân lòng hồ nâng cao nhận thức về tiềm năng, thế mạnh, nguồn lợi thủy sản và trách nhiệm trong quản lý, nuôi trồng, bảo vệ, khai thác nguồn thủy sản; hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư phương tiện, ngư cụ phục vụ việc đánh bắt thủy sản, đầu tư nuôi cá lồng đem lại thu nhập, giải quyết việc làm...

Thanh Văn