Sinh 7 con, 4 đứa bị tật nguyền, bệnh nặng vì kết hôn với con dì ruột

Thứ tư, ngày 30/08/2017 15:05 PM (GMT+7)
Ở Mù Cang Chải (Yên Bái), 90% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống vẫn diễn ra. Công tác tuyên truyền chưa làm thay đổi cách nghĩ về một tập tục đã bám rễ trong đời sống.
Bình luận 0

Đã gần hai chục năm trôi qua, sau khi kết hôn với người con của dì ruột, cuộc sống của vợ chồng Mùa A Chứ ở bản Huy Páo, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, luôn túng quẫn. 

Kết quả của cuộc hôn nhân cận huyết thống là 7 đứa con lần lượt ra đời, nhưng có tới 4 đứa con lần lượt mắc phải những căn bệnh oái oăm. Đứa con đầu lòng mất ngay từ lúc mới sinh ra và người con thứ hai chết sau hơn chục năm sống thực vật. Giờ đứa con gái thứ 4 là Mùa Thị Cở đã 16 tuổi, nhưng cũng từng ấy năm Cở chả khác gì con “ma xó”.

img

Hôn nhân cận huyết của người Mông ở Mù Cang Chải mang đến nhiều hệ lụy cho thế hệ sau.

Mùa A Chứ không khỏi ám ảnh, hoang mang khi đứa con gái thứ 6 hiện 7 tuổi bỗng dưng câm, điếc từ 3 năm nay. Không biết bao nhiêu tiền của công sức gia đình đổ vào chữa bệnh cho con, khiến cho cái vòng luẩn quẩn bệnh tật, đói nghèo cứ bủa vây cả gia đình A Chứ mà không biết bao giờ mới thoát ra được. 

Anh Mùa A Chứ bộc bạch: "Gia đình hoàn cảnh như thế này rồi thì cũng không chữa nữa, chỉ mong chờ vào số phận thôi".

Cũng tại bản Tà Ghênh, xã Nậm Có, Sùng A Nủ đã bỏ học giữa chừng khi mới 15 tuổi rồi lấy người con của người cô ruột và đã cho ra đời hai đứa con bị mù từ khi lọt lòng.

Tuổi thơ của hai đứa trẻ này đang bị đánh mất bởi chính cuộc hôn nhân của cha mẹ các cháu. Do thiếu kiến thức và làm mẹ lúc tuổi còn quá trẻ, sau vài năm chung sống, người vợ của Nủ đã từ giã cõi đời. Với A Nủ thì nỗi lo lắng về tương lai của gia đình và hai đứa con bị mù lòa kia chưa biết sẽ ra sao.

 Anh Sùng A Nủ chia sẻ: "Hiện tại, bữa cơm hàng ngày mình phải bón cho hai đứa trẻ ăn rồi phục vụ các cháu trong sinh hoạt. Mình cảm thấy rất khó khăn, nhưng không biết làm thế nào thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này".

Bà Sùng Thị Máy, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Mù Cang Chải cho biết: Vấn đề kết hôn cận huyết thống là tập tục của đồng bào địa phương có từ nhiều đời rồi, khó thay đổi. 

Người Mông trước nay vẫn quan niệm, dù là anh em ruột nhưng cứ đi lấy chồng mang họ khác là các con có thể lấy được nhau, vì con cháu cùng nhà kết hôn với nhau sẽ gần gũi hơn, không phải phân chia tài sản cho người khác và không sợ mất con. 

img

Công tác tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn chưa làm thay đổi được tập tục của người Mông.

Thế nên không riêng gì ở Mù Cang Chải, những chuyện kiểu như con em trai lấy con em gái, chị gái, hoặc con chị gái lấy con em trai, anh trai, cháu lấy dì, chú lấy cháu, cháu lấy cô… là chuyện rất bình thường với đồng bào.

 Khắc phục tình trạng này không thể chỉ trông chờ vào công tác tuyên truyền, vận động, mà cần sự ràng buộc trách nhiệm bằng những quy ước, hương ước từ thôn bản, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp.

Tuấn Anh (Theo Công an nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem