Sinh con xong, cả 2 mẹ con đều là... trẻ em

Thứ hai, ngày 23/11/2015 13:58 PM (GMT+7)
Ngày 23-11, khi thảo luận tại Quốc hội, có đại biểu cho rằng nếu điều chỉnh độ tuổi trẻ em từ 16 lên 18 tuổi có thể dẫn đến việc khi sinh con xong thì 2 mẹ con đều là trẻ em.
Bình luận 0

img

ĐB Trịnh Thị Ngọc Phương (Bắc Kạn) phát biểu - Ảnh chụp qua màn hình

Sáng 23-11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).

Theo báo cáo giải trình của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, về điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi, đa số ý kiến tán thành việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi.

Một số ý kiến cho rằng thuyết minh về việc tăng độ tuổi trong Tờ trình của Chính phủ là chưa thực sự thuyết phục. Thực tế Hiến pháp 2013 không quy định độ tuổi trẻ em; việc điều chỉnh độ tuổi đến dưới 18 sẽ không thống nhất với các quy định tại Bộ luật Lao động , Luật thanh niên, Luật hôn nhân và gia đình, Luật nghĩa vụ quân sự, Bộ luật Hình sự...

Một số ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cung cấp thêm căn cứ làm cơ sở cho việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em, gồm các nghiên cứu khoa học về phát triển tâm, sinh lý của trẻ em ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18; các chính sách cho nhóm đối tượng từ 16 đến dưới 18 tuổi, hệ thống pháp luật liên quan đến nhóm đối tượng này và cân nhắc về nguồn lực bảo đảm cho việc điều chỉnh.

Có ý kiến cho rằng việc mở rộng độ tuổi cần đi kèm các giải pháp bảo vệ, chăm sóc phù hợp vì thực tế hiện nay có nhiều vấn đề xã hội bức xúc đối với lứa tuổi 16 đến dưới 18 tuổi như: nạn tảo hôn, nạo phá thai, làm mẹ ở tuổi vị thành niên, xâm hại tình dục, cưỡng bức lao động...

ĐB Trịnh Thị Ngọc Phương (Bắc Kạn) cho rằng khi sửa luật này cần lưu ý việc mâu thuẫn với các luật khác. “Nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, tình trạng kết hôn sớm diễn ra khá phổ biến. Khi sinh con trong bệnh viện phụ sản thì cả 2 mẹ con đều là trẻ em”- ĐB Phương nêu quan điểm.

img

ĐB Nguyễn Đắc Vinh (Đắk Nông), đồng thời là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn: Học sinh cấp 3 chưa biết là để tổ chức nào quản lý.

Có ý kiến băn khoăn về việc điều chỉnh độ tuổi này sẽ không phù hợp với độ tuổi tham gia tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Đoàn TNCSHCM) vì 15 tuổi được gia nhập tổ chức đoàn.

Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Đắc Vinh (Đắk Nông), đồng thời là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, cho rằng dưới 18 tuổi gọi là trẻ em thì Luật Thanh niên sẽ phải sửa là Thanh niên Việt Nam là 18-30 tuổi. Tổ chức Đoàn cũng phải sửa lại Điều lệ đoàn. “Như vậy học sinh cấp 3 chưa biết là để tổ chức nào quản lý. Nếu để đội Thiếu niên tiền phong quản lý thì cũng rất khó khăn. Nên tiếp tục nghiên cứu, vì nó tác động rất lớn”- ĐB Nguyễn Đắc Vinh nhận định.

ĐB Nguyễn Thị Thanh Hoà (Bắc Ninh) cũng đề nghị xem xét việc tảo hôn của trẻ em ở vùng sâu, vùng xa. Vấn đề nạo thai, trẻ em có giới tính là nữ chưa thành người đã bị tước quyền sống rồi. Cần đánh giá việc này để có đề xuất thích hợp với luật.

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cũng nêu, qua nghiên cứu và thực tiễn xã hội hiện nay, thời gian qua có nhiều trường hợp trẻ em khi mới sinh ra đã bị chính bố mẹ bạo hành, vứt bỏ... những hành vi đó cần được pháp luật trừng trị thật nghiêm minh. Dự án Luật đã quy định 16 hành vi bị nghiêm cấm nhưng còn thiếu một số hành vi, như: bỏ mặc trẻ em, bạo lực trẻ em, bóc lột trẻ em. Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung vào dự án Luật.

N.Quyết-V.Duẩn (Người lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem