Số phận người đàn ông nhiễm phóng xạ nhiều nhất thế giới

Chủ nhật, ngày 03/09/2017 20:30 PM (GMT+7)
Sống sót kỳ diệu dù hấp thụ lượng phóng xạ gấp 500 lần tiêu chuẩn, Harold R McCluskey trải qua cuối đời trong sự ghẻ lạnh ở quê nhà.
Bình luận 0

Một vụ nổ hóa chất khiến cơ thể Harold R McCluskey phủ đầy chất phóng xạ và mảnh kính vỡ khi ông đang trực ca đêm ở khu chôn rác phóng xạ Hanford Nuclear Reservation tại Washington, Mỹ hôm 30.8.1976, theo Long Room.

McCluskey, 64 tuổi, sống sót dù nhiễm lượng chất phóng xạ lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử và được mệnh danh là "Người nguyên tử". Điều gây kinh ngạc hơn là ông tiếp tục sống thêm 11 năm và chết do những nguyên nhân không liên quan tới vụ tai nạn và không có dấu hiệu ung thư trong cơ thể.

Vào thời điểm đó, McCluskey đang giữ chức chuyên viên vận hành thiết bị xử lý hóa chất cao cấp. Nhiệm vụ của ông là thu thập americi, phụ phẩm tổng hợp từ đồng vị plutoni. Americi là một nguyên liệu có tính phóng xạ cao, sử dụng trong các máy dò khói và chế tạo bom.

img

Harold R McCluskey trong phòng bệnh. (Ảnh: Bộ Năng lượng).

Phòng thí nghiệm đóng cửa suốt 4 tháng sau một vụ đình công và McCluskey tỏ ra thận trọng khi bắt đầu làm việc trở lại. Trước đó, ông được cảnh báo chú ý khi làm việc với hóa chất đã lâu không động tới. Nhưng sếp của McCluskey yêu cầu ông tiến hành công việc.

McCluskey làm theo như yêu cầu. Khi ông đang làm việc trong phòng, một phản ứng hóa học khiến buồng thao tác cách ly phát nổ. Từ khi vụ nổ xảy ra tới khi phòng thí nghiệm bị phá hủy hồi tháng 3, cửa căn phòng được hàn kín hoàn toàn để cách ly hoạt động phóng xạ diễn ra bên trong.

Michele Gerber, tác giả cuốn sách On The Home Front: The Cold War Legacy of the Hanford Site xuất bản năm 1997, miêu tả chi tiết chuỗi sự việc trước tại nạn kinh hoàng của McCluske. "Anh ấy trông thấy những cột khói nâu tích tụ trong buồng thao tác cách ly. Anh ấy nhận ra bản thân không nên ở lại đó và chuẩn bị quay lưng chạy ngay khi vụ nổ xảy ra", Gerber viết.

Mặt nạ phòng độc bằng cao su của McCluskey bị rách toạc. Trong khi thở hổn hển, ông hít đầy khói phóng xạ, phổi ông phủ đầy chất americi độc hại. Những mảnh kính và kim loại vỡ găm khắp da ông. Axit bắn vào khiến mắt ông cay xè và bị mù tạm thời.

Chỉ trong vòng vài phút, McCluskey hấp thụ lượng americi lớn nhất từng được ghi nhận ở người, gấp 500 lần tiêu chuẩn hành nghề, theo tiến sĩ Bryce Breitenstein, bác sĩ ở Hiệp hội sức khỏe môi trường Hanford, người trực tiếp điều trị cho McCluskey.

Với cơ thể phủ đầy máu, McCluskey được đưa tới Cơ sở khử độc khẩn cấp Hanford, một tòa nhà không cửa sổ ở Richland, Washington, nơi ông ở lại gần ba tuần trong tình trạng gần như cách ly hoàn toàn. Vợ McCluskey và hai con gái chỉ có thể đứng cách ông 10 mét do lo ngại về lượng phóng xạ vẫn phát ra từ cơ thể ông. Cuối cùng, McCluskey cùng vợ chuyển tới sống trong một chiếc xe cắm trại đậu bên ngoài cơ sở.

“Trong số 9 bác sĩ, 4 người cho rằng tôi có 50% cơ hội sống sót. Những người còn lại chỉ lắc đầu”, McCluskey chia sẻ trên tạp chí People năm 1984.

Được theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ đeo mặt nạ phòng độc và mặc trang phục bảo vệ, McCluskey không thể nhìn thấy hay nghe rõ họ. Trong 5 tháng, các bác sĩ dùng dùng nhíp để gắp những mẩu kính và kim loại siêu nhỏ cắm vào da ông.

img

Vụ nổ bắt nguồn từ buồng thao tác cách ly. (Ảnh: Bộ Năng lượng).

Nhân viên y tế tắm rửa và cạo râu cho McCluskey mỗi ngày. Họ cũng tiêm cho ông 600 liều kẽm DTPA, một loại thuốc thử nghiệm giúp ông thải chất phóng xạ.

"Quá trình khử độc sâu kéo dài, đầy khó khăn và không bao giờ hoàn thành", bác sĩ Eugene Carbaugh cho biết.

Khi McCluskey trở về nhà vào tháng 1.1977, ông phải đương đầu với một nỗi đau khác. Tại quê hương ông là thành phố Prosser ở bang Washington, ông được biết đến với tên gọi "Người nguyên tử".

Dù quá trình điều trị đã loại bỏ phần lớn chất americi trong cơ thể ông, đủ để máy dò phóng xạ không kêu khi ông giơ tới gần đầu, những người xung quanh vẫn nghĩ ông có khả năng lây nhiễm.

McCluskey nghỉ hưu và trong nhiều năm, ông luông đeo găng tay ở một tay để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm từ lượng phóng xạ còn trong cơ thể.

McCluskey bị đối xử như một người sống bên lề xã hội. Một số người bạn thậm chí gọi điện và nói "Harold, tôi rất quý mến anh nhưng tôi có thể sẽ không bao giờ ghé thăm nhà anh". Năm 1984, McCluskey chia sẻ ông đổi luân phiên các hiệu cắt tóc cạo râu vì không muốn ảnh hưởng xấu tới công việc kinh doanh của họ.

Sau vụ tai nạn, McCluskey gặp nhiều vấn đề về sức khỏe liên quan tới phóng xạ như nhiễm trùng thận, 4 lần suy tim và phải phẫu thuật đục thủy tinh thể ở cả hai mắt. Ông kiện chính phủ liên bang về những tổn thất sau tai nạn và năm 1977, ông thắng kiện 275.000 USD trong vụ kiện Bộ Năng lượng Mỹ, cơ quan trực tiếp điều hành cơ sở Hanford.

img

Phòng thí nghiệm nơi McCluskey gặp nạn bị phá hủy vào tháng 3.2017. (Ảnh: Tobin Fricke).

McCluskey trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều bác sĩ trong suốt phần đời còn lại. Ông qua đời do bệnh tim mắc từ trước vào ngày 17.8.1987 ở tuổi 75. Khám nghiệm tử thi không tìm thấy dấu hiệu mắc bệnh ung thư. Nếu McCluskey sống lâu hơn, ông có thể nhiễm căn bệnh này, theo Carbaugh.

Phòng thí nghiệm Americium Recovery Facility, về sau được các nhân viên ở Hanford đổi tên là phòng McCluskey, không bao giờ được sử dụng nữa bởi các nhà chức trách lo ngại về khả năng nhiễm phóng xạ trong không khí, Mark Heeter, phát ngôn viên ở Bộ Năng lượng, cho biết.

Năm 2010, các công nhân mặc đồ chống phóng xạ, bắt đầu dọn sạch phòng McCluskey. Họ di dời tất cả thiết bị nhiễm độc từ cơ sở và đổ ra bãi rác Hanford ở New Mexico. Sau đó, họ phun một chất giúp vật liệu phóng xạ lắng xuống mặt đất. Khi đã tiến hành các biện pháp phòng ngừa, họ chính thức phá hủy cơ sở gần 6 năm sau đó.

PV (Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem