Sở TT&TT Huế vào cuộc vụ "chửi phóng viên là đồ ăn cướp"

An Sơn Thứ tư, ngày 08/06/2016 16:21 PM (GMT+7)
Đại diện Sở Thông tin- Truyền thông tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, đang thu thập thông tin về vụ việc này để cùng Hội Nhà báo tỉnh có ý kiến mạnh mẽ nhằm bảo vệ quyền lợi của phóng viên.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ người của Công ty Cổ phần Xe khách Thừa Thiên - Huế cản trở tác nghiệp và xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhiều phóng viên, sáng nay (8.6), trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Viết Xuân- Phó Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông (Sở TTTT) tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, Sở và Hội Nhà báo tỉnh sẽ thực hiện trách nhiệm của mình trong vụ việc này.

img

Ông Nguyễn Tuất vừa dùng điện thoại quay phim, vừa liên tiếp buông lời xúc phạm phóng viên. Ảnh An Sơn.

Theo ông Xuân, hiện Sở đang thu thập thông tin về vụ việc và sẽ liên lạc với các phóng viên bị người của Công ty Cổ phần Xe khách Thừa Thiên- Huế xúc phạm, cản trở tác nghiệp để được cung cấp bằng chứng. Trên cơ sở đó, Sở và Hội Nhà báo tỉnh sẽ có ý kiến mạnh mẽ về vụ việc này nhằm bảo vệ quyền lợi của phóng viên.

Theo luật sư Võ Công Hạnh (Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên- Huế), qua theo dõi thông tin trên báo chí, ông thấy ông Nguyễn Tuất- Trưởng phòng Tổng hợp của Công ty Cổ phần Xe khách Thừa Thiên- Huế và một số người của công ty này đã xúc phạm danh dự, nhân phẩm của phóng viên và cản trở phóng viên tác nghiệp.

Luật sư Hạnh cho biết, Điều 7 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 quy định việc xử lý hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí như sau:

1-Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.

2- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp. 3-Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; b) Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên; c)Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.

4-Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc xin lỗi đối với hành vi quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này; b) Buộc trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này.

Trên cơ sở đó, luật sư Hạnh cho rằng, các phóng viên cần cung cấp các bằng chứng và yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý các hành vi cản trở tác nghiệp và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của phóng viên theo các quy định trên.

Như tin đã đưa, sáng 7.6, tài xế của Công ty Cổ phần Xe khách Thừa Thiên- Huế chạy xe tuyến Huế- Đà Nẵng tổ chức đình công để phản đối việc công ty giao mức khoán quá cao. Sau khi ghi nhận thông tin từ các tài xế, nhiều phóng viên đến Công ty Cổ phần Xe khách Thừa Thiên- Huế đăng ký làm việc với lãnh đạo công ty.

Tại đây các phóng viên bị nhiều người của Công ty đuổi ra ngoài và buông lời thoá mạ, xúc phạm. Trong  đó, ông Nguyễn Tuất chửi các phóng viên là "đồ không có đạo đức, đồ ăn cướp". Khi các phóng viên phản ứng lại lời xúc phạm của ông Tuất thì ông này tuyên bố: "Tao nói tụi bay là đồ ăn cướp đó, ai làm chi được tao".

Trước thái độ của ông Tuất, một nữ phóng viên của Báo Thừa Thiên- Huế bình tĩnh giải thích các quy định của Luật Báo chí cho ông này hiểu, nhưng ông Tuất mắng nữ phóng viên rằng "Mặt đã xấu còn già mồm. Đẹp người ta mới tiếp, xấu thì không tiếp".

Đến trưa 8.6, sau hơn 1 ngày xảy ra vụ việc trên, phóng viên Dân Việt liên lạc với ông Nguyễn Văn Long- Giám đốc Công ty Cổ phần Xe khách Huế nhưng ông Long cho biết vẫn chưa nắm thông tin do… cấp dưới chưa báo cáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem