Cảnh giác: Khẩu trang y tế đã dùng được gom để bán lại

07/02/2020 21:50 GMT+7
Lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để thu gom dụng cụ y tế kém chất lượng, như khẩu trang y tế dùng một lần một số đối tượng đã thu gom lại và bán ra thị trường.
Sốc: Khẩu trang y tế đã dùng được gom để bán lại - Ảnh 1.

Một số đối tượng lợi dụng việc khẩu trang y tế khan hiếm đã thu gom loại đã sử dụng để bán lại.

Thông tin gây sốc trên được ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đưa ra vào chiều 7/2 tại cuộc họp bàn các biện pháp phòng chống dịch do virus Corona, do Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì.

Ông Linh cho hay, lợi dụng thị trường khan hiếm, đã xuất hiện hiện tượng làm giả dụng cụ y tế, khẩu trang y tế kém chất lượng. Đặc biệt, đang xuất hiện tình trạng khẩu trang dùng 1 lần nhưng được thu lượm lại, tái sử dụng và nước sát khuẩn cũng bị làm giả rồi bán trên mạng.

"Điều này rất nguy hiểm vì không đảm bảo an toàn với sức khoẻ người sử dụng", ông Linh nói.

Vị Tổng cục này cũng cho biết thêm, trường hợp này phát hiện ở Hà Nội, dù số lượng không quá lớn nhưng vì tính chất nghiêm trọng nên đang phối hợp với công an điều tra làm rõ.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, nếu sản phẩm bị làm giả, tái sử dụng, vi phạm nguyên tắc an toàn thì có thể ảnh hưởng lớn đến khỏe người dân. 

“Do đó, phải làm việc với Bộ Y tế để kiến nghị có cơ chế tiêu hủy với khẩu trang đã qua sử dụng, quản lý chặt chẽ thị trường, đồng thời đấu tranh mạnh mẽ với việc găm hàng, trục lợi, đầu cơ, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm, gắn với việc phối hợp cùng chính quyền địa phương trong xử lý", ông Trần Tuấn Anh yêu cầu.

Trong khi đó, về tình hình sản xuất khẩu trang, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết dự báo phải đáp ứng khoảng 10 triệu khẩu trang/ngày, nhưng vì chi phí sản xuất tăng, do giá nguyên liệu cao nên việc sản xuất khẩu trang y tế gặp khó khăn.

Theo ông Hoài, nhiều doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải có năng lực sản xuất, cung ứng tới 15 triệu sản phẩm/ngày, nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa có quy chuẩn về khẩu trang vải đáp ứng đủ yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh để doanh nghiệp dệt may sản xuất.

Tương tự, nước sát khuẩn, ông Trần Hữu Linh cho biết một số đối tượng pha chế rồi bán online với "giá bao nhiêu người dân cũng mua". Do đó, quản lý thị trường sẽ yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý.

Bộ trưởng Công Thương yêu cầu Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử & kinh tế số ngăn chặn hành vi bán hàng giả, kém chất lượng hay tăng giá bán trên kênh thương mại điện tử. Bộ này sẽ sớm lập Tổ công tác kiểm tra, chống đầu cơ găm hàng, tăng giá vật phẩm y tế, đặc biệt ở địa bàn có nguy cơ cao.

A.Vũ
Cùng chuyên mục