Sôi động Ngày của phở tôn vinh ẩm thực Việt

Minh Thi Chủ nhật, ngày 12/12/2021 16:41 PM (GMT+7)
Gala Ngày của phở 12/12 tại Vincom Center Landmark 81 (quận Bình Thạnh, TP.HCM) do Báo Tuổi Trẻ tổ chức thu hút đông đảo thực khách tham dự để thưởng thức các món phở ngon nổi tiếng từ Bắc, Trung, Nam.
Bình luận 0

Tôn vinh Ngày của phở

Với tinh thần đưa hương vị phở đến muôn phương, Ban tổ chức đã kết nối với nhiều chủ tiệm phở ngon trên thế giới để tôn vinh cho Phở Việt. Bản thân các chủ quán cũng có tâm nguyện quảng bá cho người nước ngoài biết thêm về món quốc hồn quốc túy của ẩm thực Việt.

Sôi động Ngày của phở tôn vinh ẩm thực Việt - Ảnh 1.

Khu vực trưng bày các nguyên liệu nấu phở. Ảnh: M.T

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội Văn hoá ẩm thực Việt Nam - phân tích: "Phở cũng như hàng trăm món ăn rất xứng đáng trở thành một văn hoá phi vật thể. Để đưa phở thành món ăn đăng ký với UNESCO, hành trình nay thường mất hai năm, nhưng với quyết tâm, tôi tin chúng ta sẽ sớm đạt được mục tiêu".

Tại Ngày của Phở, công chúng được thưởng thức hàng nghìn tô phở được thực hiện bởi những thương hiệu phở nổi tiếng, chứng kiến vòng chung kết cuộc tranh tài "Đi tìm người nấu phở ngon" năm 2021. Nhiều chủ tiệm phở nổi tiếng Bắc Trung Nam có mặt tại cuộc thi để so tài.

Sôi động Ngày của phở tôn vinh ẩm thực Việt - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Minh Phương (tiệm phở Sơn Nga, Q.1) dự thi nấu phở ngon.

Tham gia Gala từ sáng sớm, cô gái trẻ Ngọc Vinh quê ở Bình Định cho biết, cô rất mê món phở nên sẵn sàng nhịn ăn sáng để dành bụng thưởng thức các món phở. Đặc biệt, các quán phở ở Sài Gòn khá quen thuộc, nên lần này, cô chọn các quán ở Nam Định và Hà Nội để thưởng thức. 

Năm ngoái, cô cũng có dịp đến ăn phở tại đây, nên năm nay không thể bỏ qua. Sau một vòng dạo quanh, cô cân nhắc giữa Phở xưa Nam Định, Phở Hoa hồi vàng và phở Nhà. Cuối cùng, cô chỉ thưởng thức Phở xưa Nam Định, với tâm lý thưởng thức món phở có nước dùng nấu trong vòng 54 tiếng xem thử ra sao. Tuy nhiên, ăn phở Bắc chưa đã, cô còn nếm thử tô phở nhỏ Phú Gia, một thương hiệu khá nổi tiếng ở Sài thành. 

Do dịch Covid nên các quán phục vụ phở trong các tô giấy nhỏ, nên nhìn chung, phở ngon thì có ngon nhưng chỉ như buffet phở đủ kiểu chứ không thực sự đúng nghĩa là bữa tiệc của phở trong không gian sang trọng.

Sôi động Ngày của phở tôn vinh ẩm thực Việt - Ảnh 3.

Chuẩn bị nước dùng để thi nấu phở.

Mang phở Nam Định vào TP.HCM, bà Lê Thị Thiết, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định, chủ thương hiệu Phở Nam Định xưa bình luận: "Có một thứ không thể thay thế đó chính là gia vị của phở. Có nhiều nền ẩm thực có thể dùng gia vị nước ngoài thay thế, nhưng riêng với phở Việt thì không". 

Ở đây,  phở Nam Định xưa nổi trội ở hương của nước mắm, vị của muối  và 7 loại thảo quả kết hợp. Đặc biệt, phở Nam Định dùng nhiều muối hạt ở cánh đồng muối nổi tiếng, nơi diêm dân làm muối bằng nước lợ và phơi trên cát nên muối có vị đậm, càng nấu thì càng tăng vị ngọt lên.

Sôi động Ngày của phở tôn vinh ẩm thực Việt - Ảnh 4.

Các tiệm phở trổ tài trực tiếp.

Thứ hai là nước mắm. Nam Định là nơi nhiều quán phở nên gia vị còn giữ lại cách truyền thống về làm nước mắm: Không quá gắt, không bị mùi nhưng có một độ ngọt thay thế vị mì chính. Nếu là phở truyền thống thì không dùng mì chính. 

Phở Nam Định không ăn với chanh, ớt tươi mà ăn với tương ớt làm bằng phương pháp thủ công, cay độ dịu, không xé lưỡi. Trên bát phở quy tụ được độ ngọt, độ mặn, độ thơm, độ cân bằng âm dương. Sự cân bằng âm dương trong bát phở này là sự đặc biệt của sản vật ẩm thực.

"Là người con Nam Định, chúng tôi luôn mong muốn phở Nam Định nói riêng, phở Hà Nội nói chung sẽ được nâng lên tầm cao mới, sẽ được cấp visa cho phở trong hành trình ra nước ngoài một cách chuẩn chỉnh hơn, thương hiệu của phở Việt nhận được sự bảo hộ của nhà nước để làm sao các hiệp hội có thể đưa phở Việt ra nước ngoài và nâng tầm như mì Ý, mì Udon và rất nhiều sản phẩm khác", bà Thiết cho biết.

Sôi động Ngày của phở tôn vinh ẩm thực Việt - Ảnh 5.

Bà Lê Thị Thiết tự tay chế biến phở cho thực khách.

Đi tìm người nấu phở ngon

Anh Hoàng Đình Đoàn (chủ tiệm phở ở Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk) chia sẻ, năm  nay anh mới vào TP.HCM dự thi nấu phở ngon. Năm ngoái, anh từng dự "Đi tìm người nấu phở ngon" tại Hà Nội và đoạt danh hiệu Hoa hồi Bạc. Theo chủ đề Gia vị Việt, anh đã chuẩn bị nhiều loại gia vị mang đậm bản sắc Việt, đa dạng và đậm đà hơn, tiết giảm một số loại không cần thiết.

Còn chị Nguyễn Minh Phương (tiệm phở Sơn Nga, Q.1) cũng tất bật chuẩn bị, mang đến chương trình tô phở đúng chuẩn Hà Nội. Chị mang đến thảo quả, hoa hồi, gừng, quế, hành khô, tỏi, sá sùng loại đặc biệt.

Sôi động Ngày của phở tôn vinh ẩm thực Việt - Ảnh 6.

Phở Hai Thiền với nét riêng: bánh phở bảy sắc cầu vồng và nem cuốn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nguyên, chủ quán Phở Hai Thiền cho biết, nét đặc biệt của phở Hai Thiền là bánh phở có màu sắc từ rau củ thiên nhiên. Màu gấc, hoa đậu biếc, dành dành, củ dền, cải bẹ xanh, gạo lứt, bí đao… với khoảng 8 màu. 


Sôi động Ngày của phở tôn vinh ẩm thực Việt - Ảnh 7.

Phở 34 Cao Thắng trình bày nguyên liệu của quán.

"Chúng tôi lấy trái gấc xay ra, trộn với bột. Gia đình có bí quyết làm bánh phở hơn 40 năm, không bỏ phụ gia mà bánh phở vẫn dai, mềm. Sở dĩ, tôi trở lại làm bánh phở là vì nhận thấy trên thị trường người ta bỏ hóa chất phụ gia. Đó là vào năm 2008, tôi qua Mỹ kiểm tra thị trường vì nghe nói họ ăn phở khô, chưa có phở tươi nhiều.

Sau khi đi thực tế về, tôi quay trở lại với nghề của gia đình và muốn làm điều gì đó khác biệt vì nói gì thì nói, thương hiệu của mình vẫn ra sau đẻ muộn. Năm 2010, tôi bắt đầu ra sản phẩm bánh phở với 4 màu xuân hạ thu đông", bà Nguyên nói. 


Sôi động Ngày của phở tôn vinh ẩm thực Việt - Ảnh 8.

Phở Thi trả lời phỏng vấn báo chí.

Ngoài ra, bà còn làm các sản phẩm khác như phở xào, phở cuốn nem nướng. Gia đình có tiệm phở ở 14 Bùi Viện nhưng do dịch nên tạm ngưng, chủ yếu cung cấp nguyên liệu cho các quán phở ở trong nước và ở Mỹ.

Nguyên liệu nấu phở hoa hồi, thảo quả, quế…, bà Nguyên lấy trực tiếp từ Tây Bắc. Khác với hương vị bên Chợ Lớn bán, chiết xuất từ tinh dầu, tức đã qua xử lý. Hai Thiền xuất khẩu nguyên liệu nấu phở sang Mỹ từ đầu dịch tới giờ với mong muốn có hương vị phở chuẩn chỉnh và không dùng hóa chất. 

Đi tìm người nấu phở vừa mang tính truyền thống, vừa có thêm sáng tạo để tạo điểm nhấn đáng nhớ cho bát phở của mình chính là mục tiêu mà cuộc thi nấu phở đặt ra. 

Mỗi người một vị yêu thích, một thế mạnh, nhưng để cả người nấu lẫn người thưởng thức gặp nhau ở tô phở chất lượng thơm ngon còn tùy thuộc vào nhiều điều hơn nữa: Từ nguyên liệu, hương vị cho đến bánh phở và thịt bò...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem