Sáng 23.11, Bộ Công thương và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức lễ chuyển giao quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) về SCIC.
2.700 tỷ của Bộ Công Thương chính thức về tay SCIC
Theo biên bản chuyển giao được ký kết, giá trị vốn đầu tư của Nhà nước tại Vinatex chuyển giao về SCIC là 2.674,381 tỷ đồng, chiếm 53,49% vốn điều lệ của Vinatex. Vinatex đã hoàn thành cổ phần hóa và hoạt động theo hình thức công ty cổ phần từ ngày 29.1.2015.Tập đoàn có 15 công ty con và 19 công ty liên kết.
Vinatex là tập đoàn đầu tiên có số vốn Nhà nước theo giá trị sổ sách lên tới gần 2.700 tỷ đồng và tỷ lệ vốn nhà nước vẫn ở mức chi phối trên 51% được bàn giao về SCIC.
Theo Thứ trưởng Công Thương Cao Quốc Hưng, các công việc liên quan giữa Bộ Công thương và SCIC đã được làm rõ trên tinh thần đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tuân thủ các quy định hiện hành.
Đặc biệt, Bộ Công thương sẽ phối hợp cùng SCIC và đề nghị SCIC tích cực hỗ trợ để doanh nghiệp ngày càng phát triển, qua đó gia tăng giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC, cũng cho biết đến nay đã có 55 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương bàn giao về SCIC với số vốn 1.000 tỷ đồng theo sổ sách. Nhiều doanh nghiệp trong số này sau khi về SCIC đã tạo ra giá trị thực lớn hơn nhiều lần, lên tới hàng tỷ USD.
Sau khi tiếp nhận Vinatex, SCIC sẽ phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện tốt công tác quản trị doanh nghiệp, quản lý vốn nhà nước cũng như nâng cao giá trị doanh nghiệp.
Được biết, tiếp theo việc chuyển giao Vinatex, Bộ Công thương sẽ tiếp tục chỉ đạo xử lý tồn tại, hoàn thiện hồ sơ tại 5 doanh nghiệp còn lại do Bộ quản lý để chuyển giao vốn nhà nước về SCIC theo quy định.
“Soi” sức khỏe tài chính của Vinatex trước khi về tay SCIC
Báo cáo tài chính quý III.2018 của Vinatex, 9 tháng đầu năm 2018 Vinatex ghi nhận mức doanh thu thuần 14.441 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017 và mới hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu. Cùng đà tăng, giá vốn hàng bán từ mốc 11.822 tỷ đồng đã leo lên mức 12.996 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính Vinatex
Hoạt động tài chính 9 tháng đầu năm đạt doanh thu 218 tỷ đồng, cùng kỳ là 185 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 33 tỷ đồng so với cùng kỳ chủ yếu nhờ ghi nhận 64 tỷ đồng lãi từ thanh lý các khoản đầu tư.
Về mặt chi phí, chi phí tài chính tăng đột biến 161 tỷ đồng so với cùng kỳ dù công ty đã hoàn nhập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính 27 tỷ đồng. Riêng, chi phí lãi vay tăng từ 264 tỷ lên mức 322 tỷ trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 22%. Lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 145 tỷ
Hoạt động đầu tư và công ty liên doanh liên kết mang về cho Vinatex 487 tỷ đồng tiền lãi, tăng 16,5% so với cùng kỳ.
Kết quả Vinatex báo lãi trước thuế gần 731 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, hoàn thành 93% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó. Lợi nhuận sau thuế đạt 671 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 409 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý 3 lượng hàng tồn kho Vinatex đạt 4.138 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó công ty đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 90 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính Vinatex
Tổng tài sản đạt 22.114 tỷ đồng, tăng hơn 1.200 tỷ đồng so với đầu kỳ. Nợ phải trả 14.150 tỷ đồng, tăng 1.066 tỷ đồng so với đầu kỳ, trong đó ghi nhận dư vay phát hành trái phiếu và nợ thuê tài chính ngắn hạn 5.233 tỷ đồng (tăng 407 tỷ đồng) và dư vay trái phiếu phát hành và nợ thuê tài chính dài hạn đến 5.253 tỷ đồng (tăng 165 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu đạt 7.933 tỷ đồng, trong đó vốn góp chủ sở hữu 5.000 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.