Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
CTCP Điện Gia Lai (HoSE: GEG) được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Công ty Điện Gia Lai theo Quyết định số 821/QĐ-UBND ngày 1/6/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.
Ngày 19/8/2019, cổ phiếu GEG của Điện Gia Lai chính thức giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE: GEG).
Hiện, Điện Gia Lai đang sở hữu và vận hành gần 300 MWp điện mặt trời; 14 nhà máy thủy điện với tổng công suất 84 MW và 3 nhà máy điện gió với tổng công suất 125 MW.
Dữ liệu thống kê 5 năm gần nhất cho thấy, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này khá trồi sụt.
Cụ thể, năm 2019, Điện Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.159,4 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 304 tỷ đồng, lần lượt tăng 107% và 47% so với cùng kỳ năm trước.
Sang năm 2020, dù doanh thu thuần tăng 29% lên mức 1.493 tỷ đồng, nhưng lãi trước thuế chỉ nhích nhẹ gần 5 tỷ đồng lên 308,6 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2021, Điện Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần giảm về 1.381 tỷ đồng, tương ứng giảm 8%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế tăng 19% lên 368,7 tỷ đồng.
Năm 2022 có thể coi là năm "rực rỡ" nhất của Điện Gia Lai khi báo lãi 406,8 tỷ đồng, tăng 10% so với năm liền trước và lập đỉnh 5 năm qua.
Theo giải trình của doanh nghiệp, do các dự án điện gió đi vào vận hành thương mại từ quý IV/2021 nên doanh thu bán điện năm 2022 tăng cao hơn so với năm 2021.
Đồng thời, doanh thu tài chính cũng được đóng góp bởi việc chuyển nhượng cổ phần công ty con dẫn đến lợi nhuận tăng vọt so với cùng kỳ.
Dù vậy, đà tăng không giữ được mà ngay lập tức lao dốc trong năm 2023 khi kết thúc năm này, lợi nhuận trước thuế "bốc hơi" 52% còn 195 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Điện Gia Lai ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.226,8 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 157,9 tỷ đồng, lần lượt đạt 57% và 81% so với thực hiện cả năm 2023.
5 năm qua, quy mô tổng nguồn vốn của Điện Gia Lai có xu hướng tăng theo từng năm. Tính đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn của Điện Gia Lai ở mức hơn 16.000 tỷ đồng, gấp gần 3,7 lần so với cuối năm 2018 (4.361 tỷ đồng).
Trong khi đó, cũng tại thời điểm này, tổng dư nợ tài chính (bao gồm ngắn hạn và dài hạn) ở mức 9.942 tỷ đồng, tương ứng chiếm 62% tổng nguồn vốn. Còn nếu so với vốn chủ sở hữu hiện ở mức 5.870 tỷ đồng, nợ vay gấp khoảng 1,7 lần vốn chủ.
Điều đáng nói, tổng nguồn vốn tăng mạnh nhưng các khoản nợ vay tài chính cũng có xu hướng "phình to", kéo theo gánh nặng về chi phí lãi vay. Điều này gây sức ép lên dòng tiền và hoạt động kinh doanh của Điện Gia Lai.
Dữ liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ nợ vay/tổng nguồn vốn tăng theo từng năm: năm 2018 là 35%; năm 2019 là 58%; năm 2020 là 49%; năm 2021 là 57%; năm 2022 là 58%; năm 2023 là 63% và năm 6 tháng đầu năm 2024 giảm nhẹ về 62%.
Tại giải trình Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2023, Điện Gia Lai cũng từng thừa nhận, lợi nhuận sụt giảm yếu bị ảnh hưởng từ chi phí lãi vay khi nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 đi vào hoạt động và lãi suất vay vốn tăng.
Báo cáo tài chính cho thấy, trong năm 2023, Điện Gia Lai đã chi 841,7 tỷ đồng lãi vay; trong 6 tháng đầu năm, Điện Gia Lai đã phải chi 405 tỷ đồng tiền lãi vay.
Thuyết minh cho thấy, các khoản vay của Điện Gia Lai phần lớn là để chi vào các Dự án điện mặt trời, điện gió. Đáng chú ý, trong đó, 4 dự án đang phải cung cấp hồ sơ cho Bộ Công an là dự án Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1 ghi nhận vay nợ 2.628 tỷ đồng; Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 2 vay nợ 1.536 tỷ đồng; Nhà máy Điện gió la-Bang vay nợ 1.096 tỷ đồng; Nhà máy Điện gió VPL vay nợ 1.010 tỷ đồng.
Thống kê tổng dư nợ vay của 6 dự án (bao gồm Dự án Điện mặt trời (ĐMT) Krong Pa, Dự án ĐMT Hàm Phú 2, Dự án Nhà máy (NM) Điện gió Ia-Bang, Dự án (NM) Điện gió VPL, Dự án NM Điện gió Tân Phú Đông 1, Dự án NM Điện gió Tân Phú Đông 2) là 7.550 tỷ đồng, tương ứng 75% tổng nợ vay.
Bên cạnh đó, Điện Gia Lai cũng đang vay nợ ngắn hạn 1.314 tỷ đồng thông qua ngân hàng và phát hành trái phiếu. 2 lô trái phiếu đáng kể nhất có mã GEGB2124002 mệnh giá 521,4 tỷ và GEGB2124003 mệnh giá 300 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tài sản đảm bảo cho những khoản vay này đều là toàn bộ máy móc, thiết bị gắn liền trên đất hình thành trong tương lai và quyền tài sản phát sinh của các nhà máy điện của Điện Gia Lai (như Nhà máy Điện mặt trời Krong Pa, Nhà máy thủy điện Ayun Thượng 1A,..).
Trước những thông tin liên quan đến loạt dự án phải cung cấp hồ sơ cho Bộ Công an, cổ phiếu GEG trong phiên hôm qua (13/8) giảm sàn về 13.150 đồng/cổ phiếu với thanh khoản tăng đột biến, khớp lệnh hơn 4,1 triệu đơn vị.
Phiên sáng nay (14/8), cổ phiếu GEG giảm 0,38% về mức 13.100 đồng/cổ phiếu.
Nhằm phục vụ điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Công thương và các tỉnh, thành phố, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin, tài liệu về 32 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời tại nhiều địa phương...
Các dự án điện gió, điện mặt trời trong diện phải cung cấp hồ sơ cho Cơ quan An ninh Điều tra thuộc nhiều địa phương, nhưng tập trung nhiều ở khu vực miền Trung, Tây nguyên và miền Tây Nam bộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.