Nông dân chịu thiệt hại nặng
Ông Lều Vũ Điều - Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.T
Phát biểu tại hội nghị hôm qua (12.7), Phó Trưởng ban Dân vận T.Ư Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, tình hình hình kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, hoạt động thu hút vốn FDI có kết quả tích cực… Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hùng, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan tới môi trường, đất đai... phát sinh khiến bà con nông dân, ngư dân phải chịu thiệt hại nặng nề. Nổi bật trong số đó là việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải độc hại ra biển khiến hải sản chết hàng loại ở 4 tỉnh ven biển miền Trung, hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm tronọng ở khu vực ĐBSCL, cá nuôi trên sông Bưởi đoạn chạy qua các xã Thạch Quảng, Thạch Cảm, Thành Mỹ (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) chết do nước sông bị ô nhiễm từ việc doanh nghiệp xả thải… Tại một số địa phương đã diễn ra hoạt động tụ tập đông người để phản đối việc doanh nghiệp, nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường.
"6 tháng đầu năm 2016, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ BHXH, BHYT, BHTN có chiều hướng gia tăng. Tình hình người lao động đình công, lãn công có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn có chiều hướng tăng lên như thành phố Hải Phòng. Nguyên nhân của những cuộc đình công, lãn công một phần do chế độ quan tâm, chăm sóc người lao động chưa thỏa đáng. Nhưng một mặt là do sự kích động của một số đối tượng”.
Ông Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
|
Về việc Formosa Hà Tĩnh gây hại nghiêm trọng cho môi trường biển, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lều Vũ Điều chia sẻ: Ngay sau khi nắm được những thông tin đầu tiên về hiện tượng cá chết, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã chỉ đạo Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh cử cán bộ về cơ sở nắm sát diễn biến tình hình, tuyên truyền, vận động, ổn định tư tưởng bà con ngư dân. Ngoài ra T.Ư Hội cũng ra công văn hỏa tốc gửi Hội Nông dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế đốc thúc sự vào cuộc tích cực của các cấp hội nhằm trấn an người dân, hỗ trợ ngư dân vượt qua tình hình khó khăn.
Khắc phục môi trường, hỗ trợ ngư dân
chuyển nghề
“Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp tạm thời nhằm ổn định tình hình khi sự việc mới phát sinh. Về lâu dài, Nhà nước cần sớm có giải pháp kịp thời khắc phục sự cố môi trường, hỗ trợ bà con ngư dân chuyển nghề, xác định rõ khu vực biển ngư dân có thể khai thác đánh bắt các hải sản an toàn. Ngoài ra, chính quyền cần có thông báo công khai và quản lý chặt chẽ những khu vực này” - Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lều Vũ Điều nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Bùi Thị Thanh - Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cho biết: “Thời gian qua, dư luận cả nước đều hướng sự chú ý vào sự kiện hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. Đây thực sự là một khoảng thời gian khó khăn MTTQ khi vừa phải chuẩn bị cho ngày bầu cử, vừa phải nắm tình hình trong nhân dân. Ngoài ra, MTTQ các cấp cũng phải phối hợp cùng chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề tồn tại trước mắt để nhân dân khỏi bức xúc”.
Bà Hoàng Thị Ái Nhiên - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh, nguyện vọng lớn nhất hiện tại của bà con ngư dân các tỉnh chịu ảnh hưởng là Formosa thực hiện đúng cam kết về việc giải quyết thiệt hại của Formosa phải, đồng thời tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Các hộ kinh doanh, buôn bán hải sản cũng mong muốn được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp...
Cần 2.100 tỷ đồng ổn định sinh kế của ngư dân Quảng Trị
Ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết như vậy tại hội nghị ngày 12.7 bàn giải pháp chuyển đổi sinh kế cho nhân dân 16 xã, thị trấn vùng biển sau việc Formosa Hà Tĩnh xả thải bẩn hại môi trường biển. Tại hội nghị, ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, tình trạng cá chết do Formosa gây ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân. Tính đến thời điểm này, Quảng Trị có 8.008 hộ/ 44.045 nhân khẩu bị ảnh hưởng. Có 2.829 tàu thuyền (2.628 tàu ven bờ, 201 tàu xa bờ) gặp khó khăn, đa số ngư dân ở nhà, không có sinh kế...
Tàu khai thác gần bờ của ngư dân Quảng Trị nằm bờ 3 tháng nay, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Ảnh: N.V
Để tìm sinh kế lâu dài cho nhân dân 16 xã vùng biển của tỉnh bị ảnh hưởng do cá chết, ông Hưng cho rằng cần hỗ trợ cải hoán, đóng mới tàu cá từ 90CV trở lên để chuyển từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt trung và xa bờ. Bên cạnh đó, cần sửa chữa, nâng cấp cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền, đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản ven biển, chú trọng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát và cá nước ngọt. Mở rộng diện tích canh tác, ưu tiên hỗ trợ giống, phân bón, khoa học kỹ thuật để trồng trọt trên đất cát các loại cây như ném, kiệu, rau đậu các loại, khoai lang… Chăn nuôi bò, lợn, gà theo mô hình gia trại, trang trại xen canh trồng trọt để tăng hiệu quả sản xuất... Để làm được nhiều việc trên, Quảng Trị cần 2.100 tỷ đồng.
Về việc xuất khẩu lao động (XKLĐ), ông Phan Văn Linh – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị cho rằng, đó là biện pháp giảm nghèo nhanh nhất. “Thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản đang rất tiềm năng, chi phí đi XKLĐ thấp từ 140-150 triệu đồng/người. Nếu được hỗ trợ cho vay vốn XKLĐ thì ngư dân qua Hàn Quốc sẽ có lương 40 triệu đồng/tháng”.
Ngọc Vũ
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.