Sớm quê ngày ấy

Trí Dũng Nhân Thứ tư, ngày 15/07/2020 08:00 AM (GMT+7)
Đó là một ngày cuối năm 1972.
Bình luận 0

Tôi thức giấc sớm nhưng không phải theo thói quen, mà bởi sự tác động của mẹ tôi, thông qua cái quạt mo cau, đập vào mông tôi phành phạch: Thằng cu dậy, ra té nước ruộng rau ở xóm Trại, cạnh sân kho cho mẹ. Rét thế này, không té nước cho tan sương là rau chết mất đấy.  

Tôi xoay người đến mấy lần mới có thể dứt ra khỏi được cái ổ rơm đang tràn ngập hơi ấm, thập thò bước ra khỏi cửa buồng. Ngoài sân, ngay trước cửa chuồng lợn, hai gánh phân chuồng đầy tú hụ đã được mẹ và chị dâu tôi xúc lên từ lúc nào. Chắc mẹ và chị tôi hôm nay sẽ đắp ụ ủ phân chuồng vì chiều qua tôi thấy mẹ và chị gánh về trước cổng rất nhiều bùn non và gốc rạ.

Kể chuyện làng: Sớm quê ngày ấy - Ảnh 1.

Từ dưới gian nhà bếp, mùi sắn luộc bay lên làm tôi tỉnh hẳn ngủ. Chị dâu tôi đang tranh thủ vớt sắn ra 2 cái rá đặt trên cái mâm chõng cho bớt nóng. Hơi nước từ những khúc sắn luộc bay lên, vặn mình uốn éo trước mặt tôi như muốn trêu chọc cơn đói đang sôi sùng sục trong cái bụng ỏng, rồi mới chịu tan biến vào hư không.

Tôi chọn cho mình một khúc sắn luộc to nhất trong rá. Nó đã nở bung, tôi nhẹ nhàng luồn  móng tay vào đầu khúc sắn, rút bỏ cái ruột đang nằm như sợi len trong đó. Bây giờ, tôi  có thể nhìn được từ đầu này sang đầu kia khúc sắn như người ta nhìn qua một ống tre rỗng. Nhót thêm một miếng dưa su hào thái con chì đang bày trên mâm, nhét vào lõi khúc sắn, tôi ra xó hè ngồi nhấm nháp bữa sáng của mình. Vị bùi ngậy của khúc sắn được trồng trên đất sỏi sườn đồi trộn với cái vị mặn đắng, chua lè, giòn sần sật của lát dưa su hào được mẹ muối nén lâu ngày tan từ từ trong miệng.

Chợt tôi nghe thấy tiếng thầy tôi nói với mẹ: Bà bảo mấy đứa lớn nó đi té nước cho rau có được không? Để nó ở nhà còn trông em và tập tô chữ.

Im lặng một lát, rồi tiếng mẹ tôi nhỏ nhẹ nhưng kiên quyết lắm: Ông đừng có chiều con mà nó hư. Nó cũng lớn rồi, phải tập làm đi chứ. Với lại mấy đứa kia hôm qua đi tập dân quân, ngắm bắn máy bay, lại đào giao thông hào ở núi Nứa hết cả đêm, mệt lắm rồi. Tôi muốn cho chúng nó nghỉ một tý để sáng ra còn giúp tôi đắp đống phân. Hợp tác xã họ nhắc rồi, ông đội trưởng bảo không làm nhanh là phân không kịp mục trước kì bón thúc.

Chép miệng một cái, mẹ tôi nói tiếp: Mà ông dạy nó cái chữ Nho ấy làm gì, giờ phải lo học chữ Quốc ngữ cho giỏi chứ còn ai học chữ Nho. Thương nó thì cứ lo cho nó ăn no, lớn lên còn đánh lo đánh giặc Mỹ. Tôi thấy hội Phụ nữ xã bảo là dạo này và tới đây giặc Mỹ còn đánh ta ác lắm. Ta thắng nhiều nhưng cũng có nhiều người bị thương, chẳng biết thằng cả nhà mình đang ở đâu.

- Nó là bộ đội thì nó phải ở chiến trường chứ ở đâu? Thư nó viết về tháng trước bảo đang ở Vĩnh Linh, Quảng Trị đó thôi  – thầy tôi gắt. Cứ lúc nào mẹ tôi nhắc tới anh cả tôi đang chiến đấu ngoài mặt trận hay nhà nọ có người hi sinh, nhà kia có người bị thương nặng; Mỹ đánh phá ác liệt chỗ này, chỗ kia… là thầy tôi lại gắt lên như thế. Hình như ông muốn nhanh chấm dứt trao đổi với mẹ tôi những thông tin ấy để rồi sẽ ra góc nhà, góc vườn ngồi tư lự; hoặc ôm cái đài Sông Hồng, vặn vẹo núm dò sóng tìm kiếm thông tin qua mớ âm thanh xèo xèo.

Kể chuyện làng: Sớm quê ngày ấy - Ảnh 2.

Một khoảng im lặng kéo dài, chỉ nghe thấy tiếng lạch cạch từ trong góc buồng của thầy tôi vọng ra. Tôi đoán chắc ông đang sửa lại cái dãy bát pin nước muối mà tối qua, lúc chơi trốn tìm với đứa em gái, tôi đã vô tình đạp đổ.

Lại tiếng thầy tôi nói với mẹ tôi: Bà bảo nó đi dép vào kẻo mùa này lạnh, lại ốm đấy.

- Dép nó đứt hết quai rồi. Nghịch như quỉ sứ, dép nào chịu được – mẹ tôi đáp vọng từ ngoài chuồng lợn vào. 

- Để tôi kiếm cái săm xe hỏng, cắt đoạn lắp vào là xong thôi. Nhớ úp mũ rơm cho nó - thầy tôi nhắn với qua cửa sổ buồng. 

- Ôi dào! Mũ rơm thì ngày nào nó chả đội mà ông cứ phải lo. Mà máy bay Mỹ thì làm được cái gì mà phải sợ. Tôi với các con còn dám ngắm bắn nữa là…

Tiếng thầy tôi nhỏ nhưng có phần đã rít lên: Bà đừng có chủ quan. Tôi còn mỗi nó ở nhà thôi đấy…

Tôi đoán chừng giữa thầy và mẹ tôi sắp xảy ra một cuộc tranh luận; nhìn lại miếng sắn chỉ còn chừng non đốt ngón tay, sau phát ngần ngừ, tôi bỏ tọt miếng sắn vào miệng, phủi tay lên vạt áo, rồi úp vội cái mũ rơm lên đầu, phi thẳng ra cổng.

Gìn giữ con trai là việc của thầy tôi. Đánh Mỹ là việc của anh tôi, mẹ tôi, việc của cả làng. Tôi còn phải ra ruộng ra xóm Trại, không phải vì lo té nước cho rau chống sương muối mà bởi dưới chân bờ ruộng ấy có một hốc đất thó có thể nặn bi, nặn ô tô, máy bay và làm cả pháo đất rất tuyệt vời…  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem